Để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay nơi địa đầu đất nước
Trong số 10 cá nhân, tập thể tiêu biểu sẽ được tôn vinh tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2015, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Báo CAND, Báo Đại Đoàn kết, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Hữu nghị Á châu phối hợp tổ chức ngày 16/8/2015, có Trung tá Nguyễn Hồng Phong, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) đại diện cho các chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu đất nước, nơi có lá cờ Tổ quốc rộng 54m² đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam luôn tung bay…
Đồn biên phòng Lũng Cú có nhiệm vụ quản lý 26,343km đường biên giới, cùng 2 xã Ma Lé và Lũng Cú gồm 21 thôn, bản, trong đó có 11 thôn, bản giáp biên giới. Cắt rừng, vượt suốt, leo đèo là “giao thông” chính ở vùng biên. Vì thế, ở đây, không có khái niệm bao nhiêu kilômét, mà là “đến thôn bản đó, cột mốc đó mất bao nhiêu tiếng?”.
Thời tiết ở nơi xa xôi, hẻo lánh này cũng rất khắc nghiệt. Nhưng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn TTATXH trên địa bàn biên giới, thì những người lính ở Đồn biên phòng Lũng Cú vẫn phải lên đường bất kể lúc nào, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới. Vấn đề đảm bảo ANTT ở biên giới càng khó khăn hơn, khi xảy ra các vụ việc, tội phạm lại trốn sang địa bàn nước khác, hoặc có khi ban ngày sang thăm thân, tối đến lại thành tội phạm, nên việc điều tra và ngăn chặn rất phức tạp...
Trung tá Nguyễn Hồng Phong và con gái. |
Câu chuyện với Trung tá Nguyễn Hồng Phong mang lại nhiều cảm xúc ngỡ ngàng. Tôi vốn hình dung những người lính biên phòng chỉ có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ cột mốc và đường biên, nhưng thực tế, những người lính biên phòng phải quán xuyến mọi chuyện xảy ra ở đây. Nơi rừng thiêng, nước độc, đời sống dân trí và kinh tế của hầu hết bà con các dân tộc thiểu số đều thấp, rất cần sự hỗ trợ mọi mặt. Vì thế, những người lính biên phòng, với trách nhiệm, ý thức công dân và nhất là, với tình cảm quân dân sâu nặng, đã luôn tự nguyện, tận tình làm tất cả những gì có thể. Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết những người lính biên phòng đều rành các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn bà con trồng giống cây gì, nuôi con gì phù hợp với khí hậu thời tiết, hiệu quả cao, hay cách nuôi trâu bò, dê, lợn đúng kỹ thuật, che chắn chuồng trại chống rét cho gia súc.
Trung tá Nguyễn Hồng Phong giải thích: Mỗi chiến sĩ biên phòng đều phải biết làm nhiều việc, để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ trong những hoàn cảnh khác nhau. Muốn thế, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều phải học tiếng địa phương, tìm hiểu phong tục, văn hóa, kể cả tập quán canh tác của đồng bào, rồi nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, để có kiến thức phục vụ bà con. Vì thế, vùng biên mới có các “kỹ sư áo xanh”, “thầy giáo áo xanh” và “bác sĩ áo xanh”… Những người lính biên phòng không chỉ “3 cùng”, mà là luôn “5 cùng” với nhân dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương và cùng đồng bào gìn giữ biên cương.
Đồn Biên phòng Lũng Cú còn là nơi được đặc biệt chú ý, vì nơi đây có lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao gần 1.700m so với mặt biển, một biểu tượng của 54 dân tộc Việt Nam đoàn kết, kiên cường. Hằng năm, nơi đây đón rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Trung tá Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Được bảo vệ lá cờ Tổ quốc ở vị trí thiêng liêng của đất nước là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao với mỗi chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú. Giữ gìn lá cờ rộng 54m2 trên đỉnh núi Rồng luôn có gió lớn và thời tiết khắc nghiệt, là việc không dễ dàng. Nhưng chúng tôi phải luôn bảo vệ lá cờ tươi màu, lành lặn và hiên ngang trong gió, như một biểu tượng hào hùng của nước Việt nơi biên cương Tổ quốc. Vì thế, nhiều nhất là nửa tháng, chúng tôi đã phải thay lá cờ mới. Có khi 5-10 ngày, thậm chí, có hôm, cờ mới treo lên được một lúc đã bị gió giật là phải thay. Bất cứ lúc nào, lá cờ trên đỉnh Lũng Cú cũng phải vẹn nguyên và hiên ngang, kiêu hãnh!”.
Để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên đỉnh đầu đất nước! Trách nhiệm đầu tiên và đầy vinh dự ấy được đặt lên vai những người lính biên cương như Đồn biên phòng Lũng Cú.