Đại tang nơi xóm nghèo ven biển

Thứ Bảy, 19/09/2015, 15:13
Những ngày qua, thông tin về vụ nổ trên tàu cá BV-97799 TS làm nhiều người thiệt mang và mất tích, khiến dư luận bàng hoàng, đau xót trước số phận ngắn ngủi của các ngư phủ. Đặc biệt, nỗi đau càng dày hơn khi một ấp nghèo ở Sóc Trăng có tới 7 người đã ra đi sau vụ tai nạn này. Đó là ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Trưa ngày 19/9, có mặt tại ấp Mỏ Ó, chúng tôi ghi nhận không khí vắng vẻ, bi thương bao phủ khắp ấp nghèo này.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Khởi-Trưởng Ban nhân dân ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề), cho biết: Ấp Mỏ Ó có 697 hộ với tổng số nhân khẩu là 3.068 người. Trong đó có 185 người làm nghề ngư phủ, đi đánh cá thuê cho chủ tàu trong và ngoài tỉnh.

Ông Bùi Văn Ba trước nỗi đau mất cháu ngoại là ngư phủ Trần Văn Minh.

Theo danh sách ông Khởi cung cấp, ấp Mỏ Ó có 7 người tử vong, gồm: Trần Văn Đương (19 tuổi), Lương Thanh Phong (46 tuổi), Quách Văn Tọt (49 tuổi), Huỳnh Văn Đây (51 tuổi) Lương Tấn Tài (22 tuổi), Lê Thanh Kha (16 tuổi), Trần Văn Minh (16 tuổi). Ngoài ra, còn hai ngư phủ là Lâm Thanh Nhiễn (52 tuổi) và Lương Thanh Thủy (62 tuổi) đang mất tích. Riêng hai ngư phủ Trần Văn Khoa (45 tuổi) và Nguyễn Văn Diện (20 tuổi) đã được cứu sống.

Cũng theo ông Khởi, ở Vĩnh Châu có ngư phủ Lâm Mừng Hoánh (26 tuổi) và ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) có ngư phủ Trần Văn Lượng (46 tuổi) cũng tử vong.

Ông Đặng Văn Khởi (cầm sổ) – Trưởng ấp Mỏ Ó đến thăm hỏi, động viên một gia đình ngư phủ bị nạn.

Điều đau xót hơn, trong số những ngư phủ bị nạn, có nhiều người cùng trong gia đình hay có quan hệ thân thuộc với nhau. Cụ thể, ngư phủ Trần Văn Khoa dù thoát khỏi tay “tử thần” trên chuyến tàu định mệnh nhưng em trai là Trần Văn Lượng và con trai là Trần Văn Đương đã tử vong; còn ngư phủ Lâm Mừng Hoánh là em ruột của chị Lâm Thị Hà mà chị Hà lại là con dâu ông Trần Văn Khoa. Hay như cha con ngư phủ Lương Thanh Thủy và Lương Thanh Phong cũng tử vong. Trong khi anh Phong đã vớt được xác thì cha anh là ông Thủy vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Cả ấp đang tất bật lo hậu sự cho những người đã khuất.

Đến nhà ngư phủ Lương Thanh Phong, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhem (vợ anh Phong) trong trạng thái thất thần. Chị Nhem, cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Hai vợ chồng có 3 đứa con, đứa lớn 21 tuổi đang làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, nghe tin ba mất đang trên đường về nhà. Đứa nhỏ mới 9 tuổi. Hiện tại gia đình tôi ở chung với cha mẹ chồng tại căn nhà trong khu tái định cư này. Nhà chồng cũng như nhà chúng tôi ai cũng khó khăn khăn cả”.

Nhìn căn nhà của gia đình cha con ngư phủ Thủy và Phong ai cũng chạnh lòng khi căn nhà nhỏ bé, chật hẹp, xuống cấp quá nặng mà chưa có điều kiện sửa chữa. Khi chúng tôi đến, vợ ông Thủy cùng anh em đã ra Vũng Tàu để đón thi thể con và hi vọng tìm được thi thể chồng.

Còn anh Lương Thanh Mộng (con ông Thủy), cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng, tôi xuống Sông Đốc theo tàu đi đánh cá ngoài biển. Chuyến đi chưa kết thúc thì nghe tin cha và chú tử vong, tôi liền xin chủ tàu cho quá giang tàu khác vào bờ để về nhà lo hậu sự”.

Hai con gái ngư phủ Huỳnh Văn Đây vẫn không tin cha mình đã mất.

Tiếp chúng tôi, ông Bùi Văn Ba (66 tuổi, ông ngoại của ngư phủ Trần Văn Minh) xót xa cho biết: “Cách đây mấy tháng, cha nó là Trần Văn Lẫm qua đời khi mới 43 tuổi. Minh mất khi mới đi biển được 2 chuyến cho chủ tàu. Chuyến trước cháu đi hơn 2 tháng, được chủ tàu BV-97799 TS và được trả công khoảng 5 triệu đồng. Cháu tiếp tục đi chuyến thứ 2 cho tàu cũ, chưa kịp về thì xảy ra tai nạn”.

Theo ông Bùi Văn Năm (62 tuổi, em ruột ông Ba), ông và các ngư phủ ở Sóc Trăng được người của chủ tàu BV-97799 TS xuống thuê đi đánh cá. Sau khi đồng ý, các ngư phủ này đón xe lên Vũng Tàu rồi có chủ tàu ra đón. Sau đó nộp giấy CMND cho chủ tàu giữ rồi lên tàu ra khơi đánh cá.

Ông Năm nói: “Làm nghề đi biển này nghiệt ngã lắm mấy chú ơi. Biển cho ngư phủ cuộc sống nhưng cũng lấy luôn tính mạng của họ. Ngư phủ chúng tôi ai cũng biết như vậy nhưng hoàn cảnh gia đình quá nghèo, không có phương tiện sinh sống nên phải đi làm thuê trên tàu kiếm sống chứ mỗi tháng lênh đênh trên biển mà chỉ được trả công trên 2 triệu đồng phải nói là quá bèo”.

Bà Mai bàng hoàng trước cái chết của cháu ngoại là ngư phủ Kha

Bà Trần Thị Mai (64 tuổi, bà ngoại ngư phủ Kha), kể trong nước mắt: “Con rể tôi là Lê Thanh Bình sinh được 2 đứa con, cháu lớn là Kha, cháu nhỏ là Lê Thanh Khang đang học lớp 5, nhưng nghỉ học vì quá khó khăn. Nghe tin con bị nạn, vợ chồng con rể tôi bắt xe lên Vũng Tàu chờ “đón” con. Đau quá mấy chú ơi khi cháu ngoại tôi mới đi biển được 3 chuyến thì vĩnh viễn ra đi. Hai chuyến trước cháu đi theo cha, chuyến này cháu đi một mình với mong muốn được tự lập, không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của cháu. Khoảng 21 giờ ngày 16/9, cháu còn gọi điện khoe với mẹ đã bán được một ít mực được mấy trăm ngàn đồng. Vậy mà chỉ sau đó không lâu gia đình nghe nói tàu bị nạn”. Nói xong bà Mai lại khóc ròng…

Một bát nhang đã được đặt trước nhà của một ngư phủ xấu số.
Khu tái định cư ấp Mỏ Ó chìm trong tang thương.

Chị Huỳnh Thị Linh Huệ (con gái ngư phủ Huỳnh Văn Đây), nói trong nước mắt: “Ba mẹ em có 4 người con, 2 trai 2 gái. Anh trai lớn chưa có gia đình đang đi làm thuê cho một chủ tàu ở địa phương, còn em trai út đang học cấp 2. Gia đình khó khăn nên cả nhà phải đi làm thuê khắp nơi sinh sống. Nghe tin ba mất, cả nhà không ai tin được. Đau xót cho ba quá”.

Gia đình ngư phủ Quách Văn Tọt đau xót chờ đón thi thể của ông.
Ông Lương Văn Gu (54 tuổi, cha của ngư phủ Lương Tấn Tài) thất thần khi nghe tin con tử vong. Một người hàng xóm của ông Gu, cho biết: “Ông Gu cũng đi theo tàu đánh cá ở cảng Trần Đề, nhưng thời gian qua do đánh bắt khó khăn nên thu nhập thất thường, cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Nay con ông mất thì càng khó khăn hơn”.
Ông Lương Văn Gu - cha của ngư phủ Lương Tấn Tài đang thẫn thờ chờ đón thi thể con về.

Ông Triệu Văn Thống, cho biết thêm: “Qua trao đổi với anh Khoa, được biết ngày hôm nay tàu cứu hộ chở thi thể các nạn nhân vào đất liền. Vì vậy, có thể tối 19/9, người thân của họ mới đưa xác các ngư dân về đến ấp Mỏ Ó để an tang. Do các ngư phủ đều có hoàn cảnh khó khăn nên địa phương đã vận động bà con chuẩn bị “đón” mọi người về. Trước mắt chúng tôi đã liên hệ với nhà chùa xin đất để chôn cất anh em và được nhà chùa hỗ trợ nhiệt tình”.

Trao đổi với PV, ông Lê Thành Trung-Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: “Chính quyền đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng hỗ trợ gia đình các ngư phủ chu đáo, tổ chức thăm hỏi, chia buồn với thân nhân của họ sau khi các ngư phủ thiệt mạng được đưa về nhà”.

Văn Đức - C.Xuân
.
.
.