'Dài cổ' chờ điều chỉnh biểu giá điện

Thứ Hai, 03/08/2015, 08:35
Sau khi đợt nắng nóng kinh hoàng tại khu vực phía Bắc “phơi bày” bất cập của biểu giá điện hiện hành, lãnh đạo Bộ Công thương, trực tiếp là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên giao ban của Bộ cũng đã thấy biểu giá này là “có vấn đề” và chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng chỉ còn 3 bậc thang. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ này vẫn chưa cho biết thời hạn điều chỉnh là bao giờ và bậc thang cụ thể sẽ là bao nhiêu.

Trong phiên họp báo Chính phủ chiều 31/7, trả lời câu hỏi về biểu giá này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dẫn giải hàng loạt lý do để khẳng định biểu giá điện ra đời là có cơ sở về kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Đó là việc sử dụng điện tiêu tốn rất nhiều tài nguyên khác như nước, than..., bên cạnh đó càng sử dụng nhiều điện thì Việt Nam sẽ càng phải khai thác nguồn điện giá cao hơn (vì thủy điện giá rẻ đến cuối năm 2014 cung cấp được cho khoảng gần 45% nhu cầu), nên phải giữ biểu giá theo hướng sử dụng càng nhiều giá càng cao để khuyến khích tiết kiệm điện. Mặt khác, Bộ này cũng cho rằng người sử dụng nhiều điện thường là các gia đình có điều kiện, còn những hộ khó khăn vừa được trợ giá, vừa được hưởng bậc thang giá rẻ sẽ ít bị ảnh hưởng vì điều chỉnh giá điện. 

Ông Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, điện bậc thang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, số bậc thang cụ thể và khoảng cách giá giữa các bậc thang được áp dụng tuỳ các quốc gia, và đây chính là vấn đề bất cập. Hiện Việt Nam đang áp dụng 6 bậc thang, mới mức thấp nhất (từ 0 – 50kWh) có giá 1.484 đồng/kWh và bậc thang cuối cùng (từ 400kWh trở lên) có giá 2.587 đồng/kWh, tức chênh đến 1.103 đồng (tương đương 74,3%). 

Người dân đang chờ đợi biểu giá điện được điều chỉnh cho hợp lý hơn. Ảnh: Hoa Việt Cường.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, căn cứ để xác định các bậc thang và mức giá là theo Quyết định 24 (2014) của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, theo đó, bậc thang thứ 6 sẽ bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân (được phép chênh lệch 2%), khiến mức chênh lệch giữa bậc thang đầu và cuối là rất cao.

Tuy nhiên, chính Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVN) cũng cho rằng, triết lý càng dùng nhiều điện càng phải trả tiền nhiều đã không còn phù hợp khi hiện nay điện đã không còn bù giá, EVN đã có lãi. Biểu giá hiện tại theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều, lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp đã không còn sức thuyết phục với người tiêu dùng, đặc biệt với các hộ đang có mức dùng khoảng 300 nghìn đồng/tháng bỗng tăng vọt lên 1 triệu đồng/tháng. 

Lý do khuyến khích tiết kiệm nên phải giữ biểu giá cao cũng được Thứ trưởng Vượng bác bỏ, vì vị này cho rằng, cả cộng đồng xã hội đều phải tiết kiệm chứ không chỉ là các hộ sử dụng nhiều điện. Do đó, Cục Điều tiết Điện lực được đề nghị nên nghiên cứu, xem lại biểu giá và cách tính giá điện bán lẻ theo hướng có ít bậc thang và đặc biệt rút ngắn mức chênh lệch mức giá giữa các bậc thang. 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thậm chí còn hướng đến yêu cầu chỉ có 1 bậc thang. Tuy vậy, hiện vẫn chưa ai biết hình hài bậc thang mới, hay thậm chí là lúc nào thì nó sẽ ra đời. Hiện, Bộ Công Thương mới chỉ có lời hứa là “đang nghiên cứu rà soát lại và sẽ xem xét cho phù hợp hơn” để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, tuần tới Hiệp hội sẽ có làm việc với Cục Điều tiết điện lực, trong đó sẽ đề nghị giải trình cả về biểu giá cũ và mới. Hiện Hiệp hội đang có ý kiến đề nghị các bậc thang cách nhau ít nhất là 70kWh, thay vì vượt quá 15-20kWh đã tính mức giá mới như hiện nay, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng, đặc biệt những gia đình khó khăn. “Chúng tôi sẽ tìm ra cách tính hợp lý hơn để người tiêu dùng có lợi và doanh nghiệp cũng không bị thiệt thòi”, ông Ngãi cho biết. 

“Chúng tôi cũng đang muốn hướng tới không chỉ 3 bậc thang mà còn có 3 mức giá theo giờ thấp điểm, giờ trung bình và giờ cao điểm. Như vậy, những người sử dụng điện phần lớn về đêm sẽ được hưởng mức giá rất có lợi, mà EVN cũng khai thác được hợp lý hơn các nguồn điện. Hiện nay, công tơ 3 giá mới chỉ được lắp cho khu vực công nghiệp, chúng tôi đang kiến nghị áp dụng công tơ này cho cả các hộ gia đình. Cả nước còn khoảng 20 triệu công tơ cơ, đến năm 2020 dự kiến EVN sẽ bỏ ra khoảng 10.000 tỷ đồng để thay thế toàn bộ. Lúc đó, không chỉ giá điện hợp lý hơn, mà việc ghi nhầm chỉ số như dư luận bức xúc thời gian qua cũng sẽ không còn”. 

Được biết, hiện nay hằng tháng ngành Điện nhận được khoảng 2.500-3.000 góp ý của khách hàng, trong đó có khoảng 200-300 ý kiến về hóa đơn tiền điện. Tất nhiên vẫn còn nhiều trường hợp sai sót chưa được phát hiện, bởi việc ghi, nhập chỉ số công tơ hiện nay đều được thực hiện thủ công, không tránh khỏi nhầm lẫn.

Vẫn đảm bảo cấp điện dù vận chuyển than gặp khó khăn

Sau khi Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) có công văn cho biết đường vào các kho mỏ đến cảng vận chuyển than bị ngập úng do mưa lũ tại Quảng Ninh, gây khó khăn cho việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình hình dự trữ than vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ đủ vận hành trong 4, 5 ngày và đủ trong 20 ngày. Tuy nhiên, việc cấp điện vẫn sẽ được đảm bảo. 

Trong những ngày tới, TKV sẽ tập trung khôi phục hệ thống đường giao thông trong khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để tiếp tục vận chuyển cấp than từ các mỏ ở khu vực này ra cảng, tập trung ưu tiên cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 với lượng than cấp đảm bảo bốc dỡ tối thiểu 5.000 tấn/ngày. Ưu tiên tiếp theo là cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với lượng than cấp đảm bảo bốc dỡ tối thiểu 6.000 tấn/ngày. 

EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện các phương án huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời với đảm bảo cung cấp điện và chỉ đạo các tổng công ty phát điện tìm kiếm các nguồn cấp than để duy trì phát điện.

Vũ Hân
.
.
.