Bảo tồn động vật nguy cấp tuyệt chủng trên dãy Trường Sơn

Thứ Tư, 05/01/2022, 07:15

Trước thực trạng này, Tổ chức WWF, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế và một số tổ chức quốc tế đã hợp tác xây dựng dự án “Tái thả động vật hoang dã về dãy Trường Sơn”, với mục đích bảo tồn ưu tiên các loài nguy cấp trên toàn cầu ở khu vực dãy Trường Sơn bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa lớn, nhân giống bảo tồn và tái thả về tự nhiên.

Việt Nam có nguy cơ mắc phải “hội chứng rừng trống”, một hiện trạng ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.

Trước thực trạng này, Tổ chức WWF, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế và một số tổ chức quốc tế đã hợp tác xây dựng dự án “Tái thả động vật hoang dã về dãy Trường Sơn”, với mục đích bảo tồn ưu tiên các loài nguy cấp trên toàn cầu ở khu vực dãy Trường Sơn bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa lớn, nhân giống bảo tồn và tái thả về tự nhiên.

dong vat.jpg -0
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã thả động vật quý hiếm về với dãy Trường Sơn.

Theo các kết quả điều tra nghiên cứu, VQG Bạch Mã có phân bố của 1.728 loài động vật thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó, có 133 loài thú, 363 loài chim, 58 loài cá, 134 loài ếch nhái và bò sát, 1.036 loài côn trùng, 3 loài nhện, 1 loài ốc cạn. Đặc biệt, đông vật ở VQG Bạch Mã có 70 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007 (52 loài trong Danh lục IUCN năm 2016 và 15 loài đặc hữu).

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Bạch Mã đi vào hoạt động từ tháng 2/2017; đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc và tái thả vào rừng được hơn 400 cá thể của 14 loài: Rùa Núi Viền, Rùa Sa Nhân, Rùa hộp Trán vàng miền Trung, Rùa đầu to, Mèo rừng, Rồng đất, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi lợn, Voọc chà vá chân nâu, Tê tê Java, Culi nhỏ, Sơn dương, Chim Hồng hoàng… Đặc biệt, thời gian gần đây, ở rừng và núi Bạch Mã xuất hiện 12 đàn với 128 cá thể Voọc ngũ sắc sinh tồn.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam có số lượng cá thể rất ít ở ngoài tự nhiên nên rất dễ bị tuyệt chủng do việc săn bắt trái phép và bản chất không chọn lọc của các loại bẫy ở trong rừng. Hiện nay, chính quyền nhiều địa phương tại miền Trung đã có các văn bản chỉ đạo rất quyết liệt nhằm tăng cường bảo vệ động vật hoang dã.

Các Ban Quản lý khu bảo tồn, cơ quan chức năng liên quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu nạn săn bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Điển hình, thời gian qua, Công an và Hạt Kiểm lâm các huyện A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) đã phối hợp điều tra, xử lý hàng chục vụ liên quan đến nạn săn bắt, buôn bán, tang trữ động vật hoang dã trái phép.

Nhiều chuyên gia bảo tồn cho rằng, hiện nay các Khu Bảo tồn trên khắp Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ nạn săn bắn (bằng súng tự chế), đặt bẫy trái phép rất khó giải quyết triệt để. Điều này, dẫn đến sự thật đáng buồn là nhiều loài đã bị biến mất khỏi Khu bảo tồn hoặc số lượng cá thể chỉ còn lại rất ít, quần thể nhỏ, bị chia cắt đến mức không thể phục hồi.

“Tình trạng này có khả năng xảy ra đối với nhiều loài đặc hữu, nguy cấp ở khu vực Trường Sơn như: Sao la, Mang lớn, Trĩ Sao… Các loài khác, điển hình như Rùa cạn, Gà lôi… dễ thích nghi hơn, nhưng theo thời gian, sự suy giảm mật độ quần thể có khả năng dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống và những tác động của hiệu ứng Allee (là tốc độ tăng kích thước của một quần thể tỉ lệ với số lượng cá thể của của quần thể đó) sẽ đe dọa khả năng tồn tại lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có các biện pháp can thiệp để chủ động phục hồi các loài ưu tiên bằng giải pháp nhân giống bảo tồn để tái thả lại vào rừng thay vì chỉ giảm thiểu các mối đe dọa”, ông Nguyễn Vũ Linh lo ngại.

Trước thực trạng trên, Tổ chức WWF, VQG Bạch Mã và một số tổ chức quốc tế đã hợp tác xây dựng dự án “Tái thả động vật hoang dã về dãy Trường Sơn”. Mục đích của dự án là bảo tồn ưu tiên các loài nguy cấp trên toàn cầu ở khu vực dãy Trường Sơn bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa lớn, nhân giống bảo tồn và tái thả về tự nhiên.

Dự án thực hiện sẽ thúc đẩy các chương trình nhân giống bảo tồn, thiết lập giải pháp bảo vệ chuyên sâu ở 3 tiểu lưu vực (Bạch Mã, Sao La – Huế, Sao la – Quảng Nam) để cho phép tái thả trong tương lai và thiết lập dữ liệu cơ sở để giám sát từng loài trong các tiểu lưu vực này.

Theo đó, tại VQG Bạch Mã sẽ có một trung tâm nhân giống và bảo tồn được phát triển cho các loài đặc hữu nguy cấp của dãy Trường Sơn. Ban đầu, trung tâm sẽ tập trung vào khoảng 15 loài bao gồm các loài thú móng guốc (Sao la, Mang lớn…), Thỏ vằn Trường Sơn, Gà lôi (Trĩ Sao, Gà lôi lam…) và Rùa (Rùa hộp Trán vàng miền Trung, Rùa đầu to…).

Hiện nay, dự án đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các bộ, ngành có văn bản góp ý trước khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thẩm định, phê duyệt.

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như chính quyền địa phương, qua nghiên cứu hồ sơ và khảo sát thực tế, nơi dự án triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng, chuồng trại nhằm cứu hộ, nhân giống, bảo tồn các loài động vật hoang dã sẽ ít có tác động về mặt môi trường do các hạng mục xây dựng chỉ có quy mô nhỏ và nằm trong khu vực đất trống có cây gỗ nhỏ và cây bụi tái sinh thuộc tiểu khu 214, phân khu hành chính dịch vụ của VQG Bạch Mã; khu vực này cũng đã được quy hoạch cho nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật theo phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững VQG Bạch Mã giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 1484/QĐ-BNN-TCLN ngày 6/4/2021.

Hy vọng, dự án được triển khai sẽ là sự khởi đầu quan trọng trong hành trình cứu hộ, bảo tồn, nhân giống và tái thả thành công các loài nguy cấp ở dãy Trường Sơn cũng như các khu vực đa dạng sinh học quan trọng khác ở Việt Nam.

Hải Lan
.
.
.