Y Blốk Êban - vị tướng huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên

Chủ Nhật, 03/05/2015, 13:50
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đến thăm gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Y Blốk Êban.

Trong căn nhà đơn sơ nằm ven nội thành Buôn Ma Thuột, cuộc đời của vị tướng già qua những câu chuyện, những kỷ niệm về một đời chiến chinh của ông, tôi càng thẩm thấu nhiều điều về một con người, về cốt cách của con người Tây Nguyên…

Từ lính khố xanh của thực dân Pháp

Y Blốk Êban sinh năm 1920, tại buôn Chư Dluê, thị xã Buôn Ma Thuột  trong một gia đình có 7 anh chị em. Là con trai út cho nên Y Blốk Êban là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi mới được 2 tuổi thì cha mình, ông Y Chăm Byă qua đời. Người mẹ không còn cách nào khác phải dắt díu đàn con đi làm tôi tớ cho chủ nô Ma Nhơn trong vùng để kiếm sống. Có lẽ do được “Yàng” ban phước nên từ nhỏ Y Blốk Êban rất thông minh và ham học hỏi.

Học hết tiểu học khi chưa tròn 15 tuổi, Y Blốk Êban bị Pháp bắt vào lính khố xanh làm phục dịch và sau đó làm gác tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ông không muốn nhớ về cái thời “bị bắt” ấy bởi ngày ngày ông chứng kiến sự tàn nhẫn, dã man của quân Pháp đối với các chiến sỹ cách mạng. Gương mặt ông lộ vẻ buồn buồn, nước mắt rưng rưng khi kể về giai đoạn này. Không muốn gợi lại những “kỷ niệm buồn” của ông, tôi “nhắn” vào câu hỏi: “Vì sao và nhờ đâu ông trở thành chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam?”. Sau một hồi “lục lọi” trí nhớ, Y Blốk Êban rành rẽ kể về ngã rẽ cuộc đời...

Ngay sau khi đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, chính sách chia rẽ dân tộc ở đây được thực dân Pháp áp dụng một cách triệt để kể cả trong chốn lao tù. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, bên cạnh các sỹ quan người Pháp, thực dân Pháp sử dụng hầu hết cai tù là người Êđê bản địa. Với âm mưu lấy người Việt trị người Việt, thực dân Pháp nghĩ rằng, mối liên kết giữa người Kinh với người Thượng, giữa người Êđê với các dân tộc khác sẽ bị chia cắt. “Nhưng chúng không ngờ rằng, tại nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này lại chính là trường học cách mạng của những người yêu nước”, ông nhớ lại.

Trong những lần đưa tù nhân đi lao động khổ sai, Y Blốk Êban đã được những chiến sỹ cách mạng đang bị giam cầm tại đây giác ngộ. Ông đã tận mắt chứng kiến sự kiên trung bất khuất của những chiến sỹ cách mạng đang bị giam cầm tại đây. Vì thế, khi được tuyên truyền giác ngộ, ông đã nhanh chóng đi theo lý tưởng cách mạng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đến thăm Thiếu tướng Y Blốk Êban nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.

Đến vị tướng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên

Sau khi được giác ngộ lý tưởng, ông được giao nhiệm vụ vận động những người lính gác ngục bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng, và Y Blốk Êban đã âm thầm xây dựng lực lượng trong lòng địch để chờ thời cơ.

Ngày 20/8/1945, ông đã dẫn đầu trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Hành động táo bạo, bất ngờ và bí mật của Y Blốk Êban dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Việt Minh và Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk đã khiến cho chính quyền Trần Trọng Kim không kịp trở tay. Với chiến công đầu tiên này, đã đưa Y Blốk Êban đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, ông được tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắk Lắk.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hầu hết cán bộ ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung đều tập kết ra Bắc. Trong khi đó, Liên khu V lại muốn Y Blốk Êban ở lại để hoạt động trong lòng địch, giữ vững cơ sở cách mạng ở Đắk Lắk. Tư lệnh Liên khu V lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chánh đã ký quyết định bổ nhiệm Y Blốk Êban làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 120 để đưa ra Bắc huấn luyện.

Trong suốt quãng thời gian học tập ở miền Bắc đã giúp ông trưởng thành rất nhiều. Ở đó, ông được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; được bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng, nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Năm 1958, ông lại trở về với núi rừng Tây Nguyên sau khi được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn quân hàm Trung tá. Ông hiểu rằng, đó là sự gửi gắm niềm tin của vị lãnh tụ kính yêu đối với cá nhân ông nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.

Trở lại chiến trường xưa, Y Blốk Êban giữ trọng trách Quyền Tư lệnh Quân khu VI, Tư lệnh phân khu Nam. Là một người chỉ huy từng xông pha khắp các trận địa, làm cho quân địch khi nghe đến cái tên Y Blốk Êban vừa khiếp sợ, vừa nể trọng.

Những giây phút thảnh thơi bên con cháu của Thiếu tướng Y Blốk Êban.

Nhớ lại những lần đi làm địch vận, ông kể cho tôi nghe về câu chuyện trong lần thuyết phục tên NĐắk (lúc bấy giờ là Chánh tổng buôn Bu Bơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn NTrang Lơng phụ trách vùng Tây Nguyên) mới thấy cái tình người bao dung trong ông thật lớn lao.

Rồi ông kể, sau khi quan sát qua khe nứa dựng làm vách cửa, ông phát hiện NĐắk đang ngồi nướng gà qua bếp than hồng. Sau khi đẩy cửa bước lại gần, nghe tiếng động, NĐắk đứng bật dậy theo phản xạ tự vệ rồi đưa tay nắm lấy dải khố phía trước đánh ra sau và hét lên hỏi “Ai”?. Tôi trả lời: “Y Blốk Êban đây, anh đừng chống cự vô ích, miếng đánh khố của anh làm sao chọi được với súng của người cách mạng”.

Nghe ông nói, NĐắk chỉ biết sững sờ ngồi xuống. “Sau một hồi làm công tác tư tưởng, vừa nghiêm nghị, vừa rắn chắc nhưng hết sức mềm dẻo. NĐắk có vẻ hồi tỉnh, hắn mời tôi ăn gà nướng. Sau một hồi với sự giảng giải thấu đáo, phân tích đúng sai đã khiến NĐắk hiểu ra và hắn đã hứa sau này sẽ làm theo lời của ông, theo cách mạng.

Đỉnh cao trong sự nghiệp cách mạng của Y Blốk Êban cũng như những người làm cách mạng ở Tây Nguyên cùng thời với ông chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975.

Hoạt động trong lòng buôn làng, Y Blốk Êban cùng với những người đồng chí đã xây dựng một vùng núi rừng bao la trở thành một vùng chiến trường được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, ông cùng với đồng đội của mình vận động đồng bào Tây Nguyên đi theo cách mạng, trở thành mũi giáp công chính trị quan trọng để cùng với binh vận, quân sự trở thành ba mũi giáp công chiến lược của quân ta. Một trong những nguyên nhân quan trọng của chiến thắng Buôn Ma Thuột được lịch sử ghi nhận là do Bộ Chính trị chọn đúng thời cơ lịch sử, nghi binh giỏi, tạo thế bí mật bất ngờ cho trận đánh và nhất là rất được đồng bào Tây Nguyên ủng hộ.

Ngày 18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch đã ra mắt nhân dân. Từ đó cho đến năm 1982 ông nghỉ hưu và được phong quân hàm Thiếu tướng - vị tướng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Giờ đây, về sum vầy bên con cháu, những giây phút thảnh thơi, trong căn phòng truyền thống của gia đình nơi Y Blốk Êban đặt bàn thờ Bác Hồ và lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh quý trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông lại cùng người bạn đời là nữ du kích Kpă Hngót năm xưa, ngồi ôn lại những kỷ niệm sâu sắc. Và mỗi lần như vậy, ông không bao giờ quên kể cho con cháu nghe những câu chuyện trong suốt cuộc đời của mình đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Văn Thành
.
.
.