Xung quanh việc vỡ đập thủy điện Ia Krel (Gia Lai): Lỗi do thi công ẩu

Thứ Bảy, 15/06/2013, 18:00
Nhận định về nguyên nhân thực tế dẫn đến vỡ đập Ia Krel trong khi đập vẫn đang trong thời gian thi công, chưa chính thức phát điện, các chuyên gia cho rằng, khả năng lớn là do thi công ẩu…

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, chủ đầu tư dự án Ia Krel là Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai đã phát đi thông báo ban đầu về nguyên nhân vỡ đập.

Theo báo cáo này, đập thủy điện Ia Krel bị vỡ do ống dẫn dòng phía dưới đập làm nứt đập khiến nước lùa vào đoạn đập trên cống rộng 5-7m. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phát hiện trên bề mặt đập, lượng xe công trình có trọng tải lớn di chuyển nhiều và luôn đi qua cống, quá trình lu dùng loại máy tạo áp lực lớn (khoảng 35 tấn) có thể làm rạn nứt phần trần cống dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố. Đại diện chủ đầu tư luôn khẳng định rằng, quá trình thi công dự án được giám sát chặt chẽ và việc xảy ra sự cố là điều đơn vị thi công không tiên liệu được.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi lại có lập luận khác. GS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói một cách chua chát: “Cũng may là đập vỡ lúc chưa phát điện, lại vỡ ban ngày nên người dân kịp thời sơ tán, tránh được thiệt hại về người. Giả sử đập vỡ lúc đã hoàn thiện, tích nước phát điện hoặc vỡ vào ban đêm thì hậu quả không lường hết”.

Đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ.

Đưa ra giả thuyết về nguyên nhân vỡ đập, GS Hồng cho rằng: “Khi đập vẫn đang trong thời gian thi công mà đã vỡ thì trước hết phải xem lại quá trình thi công, khả năng lớn là thi công ẩu. Chủ đầu tư nói đập vỡ là do vỡ ống cống dưới chân đập bị sụt lún do tải trọng của nhiều chiếc xe lu đi qua, đó là lời biện minh rất “hài hước”. Khi thiết kế, đơn vị thiết kế đã phải tính toán rất kĩ tải trọng cho phép. Rất có thể ống cống chất lượng kém, bị rỗng, bị thấm nước nên khi các xe lu đi qua, tạo ra tải trọng lớn xuống thân đập gây vỡ ống cống. Thêm nữa, đầm nện của công trình cũng không tốt nên càng gia tăng áp lực xuống thân đập”.

Loại bỏ 116 thủy điện nhỏ ra khỏi qui hoạch

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, sau khi triển khai 7 đoàn thanh tra tại 16 tỉnh, Bộ đã đề xuất loại khỏi quy hoạch 116 dự án thủy điện nhỏ và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí có tiềm năng khai thác.

Theo thống kê của Bộ, cả nước hiện có 1.110 công trình và dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290 MW. Tổng diện tích đất được quy hoạch, thu hồi và giao, cho thuê đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ chiếm khoảng 109.569 ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm khoảng 32.373 hécta.

Cùng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu cho rằng: “Đập vỡ khi mực nước trong hồ chưa lên tới mực nước chết thì chủ đầu tư không thể nói là do “khách quan”, “không tiên liệu được”. Mới chỉ có mấy chiếc xe lu đi qua đã vỡ đập thì rõ ràng quá trình thi công “có vấn đề”. Đập cao tới 24m, nếu xảy ra vỡ đập khi đã tích nước phát điện thì cả vùng hạ du sẽ chìm trong biển nước”.

Việc vỡ đập Ia Krel lại một lần nữa là lời cảnh báo cho việc phát triển thủy điện nhỏ một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Nói như GS Hồng: “Thủy điện nhỏ vô cùng nguy hiểm bởi qui trình kiểm soát nó đơn giản hơn rất nhiều so với các thủy điện lớn, dẫn đến rủi ro cao hơn. Hơn thế, các dự án thủy điện nhỏ hầu hết được giao cho chủ đầu tư là tư nhân, trong khi họ không có kinh nghiệm làm thủy điện, cũng hạn chế cả về tài chính, vật tư, lao động kĩ thuật…trong khi thủy điện lớn đều do Nhà nước đảm nhiệm, với tiêu chuẩn kĩ thuật khắt khe, đội ngũ kĩ thuật chuyên nghiệp”.

Vỡ đập gây thiệt hại lớn về tài sản của doanh nghiệp và của người dân bị ngập, phải buộc doanh nghiệp làm ẩu đền bù thỏa đáng, thậm chí xử lý nghiêm bằng pháp luật

Khánh Vy
.
.
.