Xung quanh việc thu hồi đất của 400 hộ dân để trồng cao su ở Đắk Nông

Thứ Ba, 18/03/2008, 15:25
Các tỉnh Tây Nguyên đang khuyến khích trồng mới, nhằm mở rộng diện tích cao su từ 124 nghìn ha hiện có lên 224 nghìn ha vào năm 2010. Song cần phải xem xét lại cuộc sống của hàng trăm hộ dân lâm vào tình cảnh khốn đốn vì bị thu hồi đất thuộc tỉnh Đắk Nông.

Nằm trong chương trình trồng mới 100 nghìn ha cao su ở Tây Nguyên giai đoạn (2007 - 2010), tỉnh Đắk Nông sẽ trồng 10 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Cư Jút, Tuy Đức và Đắk G'long. Hiện tại Đắk Nông đã giao cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú hơn 4.000ha và Công ty cổ phần TNHH&TM Vĩnh An 862ha để trồng cao su, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Trước đây, do việc quản lý rừng lỏng lẻo nên hàng nghìn hécta đất lâm nghiệp đã bị người dân, phần lớn là bà con di cư tự do lấn chiếm xâm canh, xâm cư, có khu vực đã trở thành thôn làng ổn định.

Nhưng khi giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su, tỉnh Đắk Nông giao cả phần diện tích mà người dân đã sinh sống ổn định hơn chục năm nay, khiến hàng trăm hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu ở thôn 5, xã Đắk Wil và thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút rơi vào tình cảnh không đất sản xuất.

Điều tra theo đơn của đại diện người dân, chúng tôi nhận thấy hơn 400 hộ dân hiện sinh sống ở thôn 5, xã Đắk Wil và thôn Nam Tiến, xã Ea Pô là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp từ hơn 10 năm trước.

Mặc dù là đất lấn chiếm từ đất rừng do Lâm trường Cư Jút quản lý, nhưng bà con đã dựng nhà cửa và khai khẩn nương rẫy sản xuất khá ổn định. Thôn 5, xã Đắk Wil đã được tỉnh đầu tư xây dựng đường điện, mở mang đường giao thông, làm cho cuộc sống người dân thêm khởi sắc.

Các chị Lê Thị Yến, Nguyễn Thị Lợi đại diện cho các hộ dân thôn 5 có đất ở, nhà ở, đất sản xuất trong diện thu hồi cho phát triển cao su bức xúc: "Gần 10 năm trước đây, chúng tôi phải bỏ tiền ra mua đất ở với giá 3 triệu mét chiều ngang mặt đường, hơn 50 triệu đồng/ha đất nương rẫy để trồng điều.

Nay đất rẫy có giá 150 triệu đồng/ha, vườn điều hơn 200 triệu đồng/ha, trong khi đó tỉnh thu trắng (không đền bù, mà chỉ hỗ trợ tiền khai hoang với mức 5 triệu đồng/ha đất rẫy và hơn 10 triệu đồng/ha có cây điều, hỗ trợ mỗi hộ có nhà cửa trên đất phải dỡ bỏ là 2,5 triệu đồng/căn). Như vậy sau khi bị thu đất, nông dân làm sao mua được đất để có kế sinh nhai?".

Từ trung tâm xã Ea Pô, chúng tôi phải đi 22km, mới tới thôn Nam Tiến. Thôn nằm gần bên dòng Sê-rê-pốk và do đồng bào dân tộc Mường di cư từ tỉnh Thanh Hoá vào lập lên từ năm 1992. Nay cả thôn có 165 hộ, 661 nhân khẩu, bà con đã định canh, định cư khá ổn định, bình quân một hộ có hơn 2ha đất sản xuất, chủ yếu trồng điều đã cho thu hoạch. Nhờ biết làm ăn mà nhiều hộ có thu nhập khá ổn định và có nguyện vọng gắn bó với vùng đất này.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đàm Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô cũng tỏ ra lo lắng: Hầu hết những hộ dân ở thôn Nam Tiến là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện nghèo bà con mới di cư vào để làm ăn sinh sống. Nay thu đất, chỉ hỗ trợ tiền khai hoang và hỗ trợ tiền chuyển nhà, mà không được đền bù gì cả sẽ khiến cuộc sống bà con khó khăn hơn.

Khi chuyển ra khu định cư, các hộ này chỉ được cấp 400m2 đất ở, không được giải quyết đất sản xuất, trong khi đó Công ty Đồng Phú chỉ cam kết nhận những người từ 18 đến 35 tuổi vào làm công nhân, vậy là những người còn lại, chiếm đa số sẽ không có việc làm".

Ngày 22/2, làm việc với chúng tôi, các ông Hoàng Phú, Chủ tịch và Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn thôn 5, xã Đắk Wil và thôn Nam Tiến, xã Ea Pô đã có 262 hộ bị thu hồi đất, thu hồi vườn cây với tổng số tiền hỗ trợ là 9 tỷ 660 triệu đồng, bình quân một hộ nhận 36 triệu đồng.

Nhưng với số tiền 36 triệu đồng, chắc chắn người dân không thể mua nổi 2 sào đất, trong khi trước đó họ đang có vài ba hécta, trị giá hàng trăm triệu đồng(!). Mặc dù lãnh đạo huyện Cư Jút khẳng định: "Những hộ có đất thu hồi trồng cao su sẽ được nhận khoán vườn cây bằng hoặc nhiều hơn diện tích đất cũ của họ, được tiếp tục sản xuất cây hoa màu khi cao su chưa khép tán. Đối với vườn điều kinh doanh, người dân có quyền giữ lại để sản xuất", nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Ông Vi Văn Liêng, thôn Nam Tiến, xã Ea Pô phản ánh: "Gia đình tôi không hề được Công ty Vĩnh An giao khoán vườn cây. Vì vậy từ năm 2006 đến nay, cuộc sống của 5 con người trong gia đình rất cơ cực, vì không còn đất sản xuất".  Vẫn biết việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của dân cho thực hiện các dự án là phải tuân theo những quy định rất cụ thể chặt chẽ của Nhà nước.

Nhưng theo chúng tôi, rõ ràng việc thu hồi đất để trồng cao su mà tỉnh Đắk Nông đang thực hiện đã khiến cho hàng trăm hộ dân nghèo rơi vào tình cảnh khó khăn. Nên chăng, sau khi thu hồi đất của dân để trồng cao su, các doanh nghiệp cần áp dụng mô hình giao khoán vườn cây cho người dân chăm sóc, khai thác như nhiều doanh nghiệp cà phê, cao su đã và đang làm ở Tây Nguyên, vừa tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân địa phương, vừa làm lợi cho doanh nghiệp.

Và trước khi lo làm giàu, tỉnh Đắk Nông cần phải lo ổn định cuộc sống cho dân, có như vậy xã hội mới thực sự ổn định

Gia Bảo
.
.
.