Xung quanh việc người dân ngăn cản xe chở rác vào bãi rác núi Thoong (Chương Mỹ, Hà Nội)

Thứ Sáu, 14/08/2009, 18:21
Báo CAND đã có bài phản ánh tình trạng tồn đọng hàng nghìn tấn rác trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Nguyên nhân là do nhiều người dân sống quanh khu vực bãi rác ngăn cản, không cho xe chở rác của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai vào đổ.

>> Ẩn họa dịch bệnh từ những bãi rác ứ đọng ở Hà Nội

Sự việc này đã diễn ra từ nhiều ngày nay nhưng đến thời điểm này, người dân đã dựng hẳn lán, cắt cử người thay phiên canh gác, quyết tâm không cho xe rác vào bãi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Hơn 10.000 tấn rác thải không có chỗ tập kết, đổ rải rác khắp các đường phố, bốc mùi và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Không phải vô cớ mà hàng trăm người dân xã Tân Tiến lại có thái độ bức xúc, không cho xe chở rác vào bãi rác núi Thoong. Cho đến thời điểm này, những ấn tượng về sự cố rò rỉ hố chôn lấp số 2 năm ngoái vẫn in quá đậm trong tâm trí người dân. Sự cố rò rỉ đáy hố chôn lấp rác số 2 tháng 7/2008 tại khu xử lý rác thải núi Thoong đã gây ô nhiễm toàn bộ các giếng nước ăn của người dân chủ yếu là thôn Gò Chè và Tiến Tiên (xã Tân Tiến).

Mới chỉ chưa được 300 tấn rác nhưng do ngay phía dưới đáy hố rác thứ 2 là một hang động ngầm nên nước bẩn theo các mạch nước chảy ra có màu đen như dầu luyn, bốc mùi hôi thối. Dòng nước chảy ra đồng đã làm chết 4ha lúa của dân, gây ô nhiễm không khí nặng nề. Nước múc lên từ giếng ăn cũng có mùi rác, người dân ăn cơm phải mắc màn vì nạn ruồi, nhặng. Nhiều người dân đi làm đồng, lội nước bị nước rác chảy xuống khiến tay, chân bị sưng vù, nổi mẩn khắp người. Muốn có nước dùng, các hộ dân phải mang can đi xin tại các thôn, xã khác cách cả cây số.

Cho đến sáng 12/8, khi chúng tôi quay trở lại bãi rác núi Thoong, người dân vẫn đang tập trung canh chừng không cho xe đổ rác vào bãi. Trên đoạn đường vào, một tảng đá lớn đã được lăn ra giữa đường, chỉ chừa chỗ vừa xe máy, xe đạp đi lại. Ngay tại chân bãi rác, người dân dựng lều bạt, mang bát đũa, nồi xoong ra ăn ngủ tại chỗ. Mỗi ngày có 10 hộ thay nhau ra canh gác. Các cụ già cũng được huy động ra ngồi canh. Chỉ cần xe rác xuất hiện, gõ một tiếng kẻng, gọi một cuộc điện thoại là hàng trăm người dân cả thôn sẽ xuất hiện.

Khi được hỏi tại sao sự cố đã được khắc phục xong mà người dân vẫn tiếp tục không cho xe rác vào bãi, chúng tôi được cho biết, người dân không tin tưởng vào độ an toàn của những tấm bạt được lót phía dưới hố chôn lấp, lo ngại nước rác vẫn thẩm thấu vào nước ngầm vì thực tế, sự cố tại hố chôn lấp số 2 cũng do bị bục tấm bạt.

Bãi chôn lấp rác lại ở lưng chừng núi, địa hình cao nên chỉ cần một sự cố rò rỉ thì nước thải sẽ chảy xuống gây ô nhiễm toàn bộ khu vực xung quanh núi. Dẫn chúng tôi đến tận hố chôn lấp rác số 3 (đã được TP kiểm nghiệm và kết luận đủ tiêu chuẩn an toàn), người dân bức xúc chỉ những vết rách của tấm bạt lót và những chỗ đất đùn lên, cho rằng bạt như thế này không thể ngăn được chất độc thẩm thấu vào lòng đất. Tận mắt quan sát cho thấy, tấm bạt có nhiều vết rách và đã xô lệch.

Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng cho 3 hạng mục xây dựng: hoàn thiện ô chôn lấp số 1, đào mới ô chôn lấp số 3; xây dựng hệ thống mương phong tỏa nước mặt; xây dựng khu xử lý nước rích từ rác. Các hạng mục xây dựng này đã hoàn thành vào tháng 5 vừa qua, sau đó đã được các Sở Xây dựng, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường), Cảnh sát môi trường, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh hóa học) đã tiến hành kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Trên cơ sở đó, ngày 23/6 vừa qua, được sự ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã có quyết định cho phép mở cửa lại khu xử lý rác thải núi Thoong. Nhưng xe rác lại không thể vào bãi vì sự ngăn cản của người dân. Tìm hiểu tâm tư của nhóm người dân đang "canh" đường vào bãi xử lý rác núi Thoong, chúng tôi được biết, vì lo ngại cho sức khỏe của bản thân và con em, người dân có nguyện vọng muốn thành phố di chuyển bãi rác sang địa điểm khác hợp lý hơn.

Từ sự cố rò rỉ hố chôn lấp số 2 tháng 7/2008, thiệt hại về vật chất, mùa màng tuy đã được khắc phục xong, nhưng hậu quả trong tư tưởng và dư luận nhân dân vẫn chưa thể giải quyết. Chính vì vậy, vấn đề các ngành chức năng cần làm nhất hiện nay là thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Quan trọng hơn là phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Ngọc Yến - Vũ Hân
.
.
.