Xung quanh việc khắc phục cầu Đuống xuống cấp: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"?

Thứ Năm, 14/05/2009, 14:31
Ngày 11/5, cơ quan chức năng đã lắp đặt biển báo phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho cầu Đuống (Hà Nội) sau sự cố nguy hiểm. Tuy nhiên, việc đặt biển báo lại gặp phải "sự cố" khi CSGT cũng không hiểu rõ biển báo đó nói gì?!. Trong khi đó, việc cấm xe trọng tải lớn mới ở làn cầu phía hạ lưu. Còn làn đường ngược lại thì sao?

>> Nguy cơ sập cầu Đuống đã được cảnh báo

Mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn vẫn nối nhau qua cầu Đuống hướng vào Hà Nội. Nếu sự cố tiếp tục xảy ra? Nếu việc sửa cầu chưa được thực hiện ngay tức khắc? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra?

"Nếu bất cập, sẽ chỉnh sửa lại biển báo"

Hai tấm biển báo phân luồng xe tải qua cầu Đuống vừa được dựng lên cách nhau khoảng vài chục mét cạnh quốc lộ 5 đoạn, gần chạm đến đường Nguyễn Văn Cừ chiều Hải Phòng về Hà Nội. Tấm biển thứ nhất đề: "Từ Sơn, xe tải trên 10 tấn, trục kép, trục 3 đi theo hướng này". Tấm biển thứ 2 có vẻ như để làm rõ cho nội dung tấm biển thứ nhất. Biển có vẽ các đường màu đen, có một hướng đi mũi tên chỉ hướng sang Từ Sơn, ở giữa có một biểu tượng cấm xe trên 10 T. Tuy nhiên, do biển không chú thích rõ tên đường, không thể hiện rõ điểm cấm là cầu Đuống nên khiến nhiều người hiểu nhầm.

Theo ý kiến của nhiều người, lẽ ra việc phân luồng phải từ xa, ít nhất là từ đoạn giao cắt giữa QL5 và QL1 mới (QL1B) để các xe tải đi qua cầu Phù Đổng. Nhưng không có biển báo trước nên xe tải vào tận nội thành rồi lại phải quay ra.

Và thật trớ trêu, ngay cả các cán bộ CSGT cũng khó mà hiểu được tấm biển báo mới toanh kia chứ chưa nói gì đến các bác tài… Đứng trước tấm biển, Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội CSGT số 5 lắc đầu: "Không thể hiểu nổi. Nếu cứ theo biển này thì đi Từ Sơn (Bắc Ninh) mà lại đi qua cầu Chương Dương, xuyên qua Hà Nội. Mà xe tải lớn không được phép qua cầu Chương Dương vào ban ngày…".

Trung tá Tâm cho biết, các tấm biển vừa được dựng lên 2 ngày nay nhưng chưa phát huy tác dụng. Xe tải vẫn cứ phăm phăm đi qua cầu Đuống nếu không có CSGT đứng ra phân luồng. Theo Trung tá Tâm, do đường dẫn vào cầu Đuống phức tạp nên biển phân luồng phải được cắm ở nhiều điểm, đặc biệt là ngã ba, ngã tư. Trong khi đó, ngoài hai tấm biển trên không có tấm biển nào khác, thậm chí ngay đầu cầu Đuống cũng chưa có biển báo.

Trước trực trạng có biển chỉ dẫn mà người dân cũng như CSGT không thể hiểu nổi, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 2 (đơn vị được Cục Đường bộ giao nhiệm vụ cắm biển báo).

Ông Lâm cho hay, thực chất việc cắm biển là thuộc thẩm quyền của Sở GTVT và đơn vị này đứng ra lắp biển là hợp lý nhất vì đoạn đường này là do Hà Nội quản lý. Thế nhưng, do Cục Đường bộ yêu cầu nên đơn vị của ông mới đứng ra làm nhiệm vụ này. Và trước khi đặt biển báo đơn vị ông cũng đã mời đại diện của Sở GTVT, Thanh tra giao thông… cùng đi nghiên cứu địa bàn và đưa ra phương án cuối cùng là cắm những tấm biển như hiện tại.

Cầu Đuống luôn trong tình trạng quá tải và nhiều sự cố.

Từ sau ngày cắm đến nay, đơn vị ông cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ phía người dân, cũng như lái xe tải. Tuy nhiên, ngay chiều 13-5 Cục đường bộ đã cho người tháo gỡ biển trên để tạo điều kiện cho người dân lưu thông một cách thuận tiện nhất.

Vẫn còn mối lo cận kề

"Nếu biển báo khó hiểu thì sửa lại" - việc đó đơn giản và có thể khắc phục ngay tức khắc. Nhưng còn những bất cập khác thì sao? Đặc biệt là những nguy hiểm trên mặt cầu Đuống hàng ngày vẫn rình rập người tham gia giao thông. Bằng chứng là sự rung, chao đảo "với biên độ khác thường" (theo đánh giá của cơ quan quản lý cầu) mà người qua lại dễ dàng cảm nhận được. Và ngay cả sau khi sự cố lún sụt ngày 4/5 được khắc phục, tấm tôn dày 2cm đã có thể rút ra khỏi mặt cầu thì người qua lại vẫn cảm nhận được độ rung đó mỗi khi có một chiếc xe ôtô, xe khách đi qua. Sau sự cố vừa xảy ra, lượng xe container, xe tải trọng lớn vẫn nối nhau với tần suất lớn qua cầu Đuống từ QL3, QL1 cũ (hướng vào nội thành).

Trao đổi với chúng tôi ngày 13/5, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cũng nói lên mối lo ngại rằng, mặc dù việc gia cố, khắc phục điểm sụt lún đã hoàn tất, nhưng như thế chưa phải là đã yên tâm. Theo ông Trung, trước khi có kế hoạch sửa chữa lớn cho cầu Đuống thì cần phải cấm xe trọng tải lớn qua cả làn đường phía thượng lưu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.

Được biết, sáng 14/5 Bộ GTVT sẽ họp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan để bàn và quyết định phương án sửa chữa cầu Đuống sao cho việc sử dụng được lâu dài và hiệu quả nhất. Nhưng, đợi đến khi tiến hành sửa chữa cầu cũng phải mất một thời gian nữa. Trong khi đó, cây cầu vẫn đang nằm trong tình trạng nguy hiểm nếu xe trọng tải lớn tiếp tục qua cầu phía thượng lưu.

Theo chúng tôi, trước hết các cơ quan chức năng cần cắm biển báo cấm xe trọng tải lớn đi qua cả hai làn cầu hạ lưu và thượng lưu. Cầu Đuống là tuyến giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô. Bởi vậy, nếu có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra thì nó không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông mà còn liên quan đến cả vấn đề kinh tế, xã hội. Đừng để diễn ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", người dân qua lại cây cầu này mong có sự ra tay kịp thời của các cơ quan chức năng, tránh để xảy ra bất kỳ sự cố nào tiếp theo

Thanh Huyền - Việt Hà
.
.
.