Xung quanh việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Ninh Hiệp: Hài hòa ba lợi ích

Thứ Ba, 21/01/2014, 11:05
Chợ Nành (hay còn gọi là chợ Ninh Hiệp), xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội là chợ đầu mối về vải mặc, thuốc đông y lớn nhất miền Bắc. Từ năm 2002 đến nay, chợ đã hai lần được sửa sang, nâng cấp. Mấy năm gần đây, do tốc độ phát triển quá nhanh nên số hộ kinh doanh tăng với mật độ trung bình là 3m2/ki ốt. Do quá chật chội, hệ thống hạ tầng lại chưa đảm bảo nên tính an toàn trong phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chưa cao. Thế nên, yêu cầu giãn chợ lại càng trở nên cầp thiết.

Chưa hề có việc lấy trường làm chợ

Trong nhiều ngày qua, việc tiểu thương ở chợ Ninh Hiệp không cho con em đến trường để phản đối việc xây dựng chợ Ninh Hiệp thành trung tâm thương mại (TTTM) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ngày 20/1, chúng tôi đã có buổi trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và các phòng ban, chức năng của huyện.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, chợ Ninh Hiệp có khoảng 1.200 hộ kinh doanh trên khu đất có diện tích 6.000m2. Cơ sở vật chất, đường đi, lối lại trong chợ rất chật hẹp. Với mật độ trung bình 3m2/ki ốt, các tiểu thương phải ngồi trên sạp để bán hàng, dây điện luồn dưới sạp vải… Mặc dù Ban quản lý chợ đưa ra các yêu cầu: không được thắp hương, đốt vàng mã… tại chợ nhưng nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Đấy còn chưa kể, khi xảy ra sự cố thì việc ứng cứu người, hàng hóa sẽ rất khó khăn. Năm 2009, khi số tiểu thương kinh doanh tại đây chỉ có mấy trăm hộ, vấn đề cải tạo, nâng cấp chợ đã được đặt ra. Thế nhưng, do chưa có sự đồng thuận cao của các hộ kinh doanh nên cuối năm 2010, UBND TP Hà Nội có quyết định tạm dừng dự án này.

Năm 2011, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và chủ trương của thành phố về cải tạo, nâng cấp các chợ để đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại và thực hiện dự án xây dựng nông thôn mới, vấn đề cải tạo, nâng cấp chợ Ninh Hiệp lại được đưa ra. Thực hiện chủ trương này, UBND huyện có đề xuất xây dựng mới hai TTTM tại lô đất khoảng 10.000m2 sát chợ Ninh Hiệp. Hai TTTM này dự kiến sẽ được xây dựng theo mô hình thuận lợi cho chợ truyền thống hoạt động. Khi hai TTTM này xây dựng xong, sẽ có 500-600 hộ tiểu thương ở chợ Ninh Hiệp chuyển đến đây kinh doanh. Khi đó, sức ép về mật độ kinh doanh ở chợ Ninh Hiệp sẽ được giải quyết.

Để thực hiện việc này, chủ đầu tư đã tiến hành di dời nghĩa trang và đề nghị bãi gửi xe của hợp tác xã dừng hoạt động. Việc di dời các phần mộ được thân nhân đồng ý. Còn bãi xe khi dừng hoạt động thì chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Nhiều người cho rằng, chính quyền và chủ đầu tư đã lấy bãi để xe, trường THCS để xây dựng TTTM nên tỏ thái độ không đồng tình và không cho con em mình đến trường. Trong cuộc trao đổi ngày 20/1, chúng tôi cũng đề nghị ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết rõ vấn đề này.

Phương án tối ưu sẽ được các bên lựa chọn

Ông Nguyễn Huy Việt cho biết, sau khi nghe  kiến nghị của nhân dân liên quan đến việc triển khai dự án cũng như nghe lãnh đạo xã Ninh Hiệp và các chủ đầu tư báo cáo khó khăn, vướng mắc trong mấy ngày qua, UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung và Liên danh đầu tư Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Kim Điền chưa thực hiện dự án xây dựng chợ và TTTM tại ô đất 10.000m2. Hiện nay, chính quyền và chủ đầu tư giải thích rõ về dự án để người dân hiểu. Từ đó, sẽ giúp họ thấy rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc làm này. Qua đó, sẽ tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ lập dự án đầu tư theo các quy định của pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chỉ triển khai thực hiện dự án sau khi có văn bản chấp thuận của UBND huyện Gia Lâm.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng giao cho UBND xã Ninh Hiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn ANTT, chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các dự án công trình hạ tầng và hạ tầng xã hội để góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Ninh Hiệp…

Người kinh doanh cần tính đến môi trường kinh doanh an toàn lâu dài chứ không chỉ là lợi ích trước mắt. Để hài hòa lợi ích của các bên, tiểu thương, nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu, đồng thuận trên cơ sở chấp hành chính sách pháp luật. Các cơ quan chức năng và nhà đầu tư cần công khai phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ, làm rõ quyền lợi của người kinh doanh sau khi chuyển đổi. Nếu người kinh doanh biết rõ lợi ích, hiệu quả lâu dài, môi trường kinh doanh an toàn, văn minh thì tất yếu họ sẽ ủng hộ thực hiện dự án

Nhóm PVPL
.
.
.