Xung quanh dự thảo “Luật về Hội”

Thứ Ba, 20/06/2006, 08:11

Trong quá trình soạn thảo dự luật về Hội, vô hình trung những người soạn thảo đã không xem xét một cách thấu đáo, có lý có tình đối với đối tượng trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo là các đối tượng sẽ áp dụng luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay.

Hướng tới xây dựng một nhà nước Pháp quyền, xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, đặc biệt là thời kỳ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, các tổ chức Hội ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ ở cả khu vực Trung ương và địa phương.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ và khả năng trong quá trình hội nhập hiện nay, số lượng các tổ chức Hội sẽ còn tăng hơn nữa, hiện nay cả nước ta có gần 350 tổ chức Hội - do Trung ương quản lý và hơn 2.200 tổ chức Hội do các tỉnh, thành phố quản lý. Với cơ chế lãnh đạo quản lý mới của Đảng và Nhà nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần  thứ X xác định, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, xã hội hóa ngày càng cao, việc tổ chức Hội cần được thành lập và phát triển thực sự là một nhu cầu thiết thực, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, của thực tiễn đời sống.

Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Quốc hội nước ta đã đặt vấn đề cần gấp rút xây dựng “Dự thảo Luật về Hội”. Gần 15 năm trôi qua, Tiểu ban soạn thảo Luật về Hội đã xúc tiến nhiều cuộc khảo sát, đánh giá kiểm tra và bắt tay xây dựng bộ luật quan trọng này

 Đã có nhiều cuộc hội thảo ở nhiều cấp, nhiều ngành để lấy ý kiến dân chủ về từng điều khoản trong các bản dự thảo. Báo chí đã đưa tin, in thành sách hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, quần chúng nhân dân là các thành viên tham gia các Hội… Song có thể thấy, nhiều vấn đề trong bản dự thảo mới nhất vẫn còn có những điều bất cập, chưa phù hợp. Chỉ xét riêng về đối tượng áp dụng luật, đã có những ý kiến chưa tán thành.

Về cơ bản, ở nước ta hiện nay có những tổ chức Hội mang tính chất khác nhau: Đó là các Hội mang tính chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và xã hội - nghề nghiệp. Có các loại hình tổ chức trên đây là do đặc thù của cách mạng nước ta, thực tiễn của đời sống xã hội Việt Nam… hơn 70 năm qua kể từ khi có Đảng (1930).

Các đoàn thể chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học -  Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam,… là những tổ chức Hội do Đảng lập ra và trực tiếp chỉ đạo.

Đơn cử như Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam mà tiền thân của nó là Hội Văn hóa Cứu quốc đã được Đảng ta thành lập từ năm 1943, với bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do nguyên cố Tổng Bí thư  Trường Chinh khởi thảo đã thực sự trở thành kim chỉ nam chỉ đạo Văn hóa Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc 2/9/1945 và xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Đường lối văn hoá, văn nghệ đúng đắn đã tập hợp được đội ngũ trí thức, văn nghệ của nước ta dưới ngọn cờ của Đảng, trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong khối đại đoàn kết công - nông - binh - trí cùng với những tầng lớp khác nữa tạo nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc, làm nên những kỳ tích của lịch sử nước ta ở thời đại Hồ Chí Minh.

Đã có hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Ngày nay tổ chức các Hội Văn học, Nghệ thuật, Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Nhà báo đã trở thành một tổ chức Hội có hệ thống toàn quốc, được tổ chức chặt chẽ và thực sự là một lực lượng quan trọng của những người làm công tác tư tưởng văn hóa. Bằng lao động sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong quá trình soạn thảo dự luật về Hội, vô hình trung những người soạn thảo đã không xem xét một cách thấu đáo, có lý có tình đối với đối tượng trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo là các đối tượng sẽ áp dụng luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay.

Nhiều người cho rằng với “Dự thảo Luật về Hội” dự kiến trình Quốc hội (khóa X) nay mai, rất mong các đại biểu quốc hội quan tâm tới đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và tổ chức của họ, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã ghi: “Các tổ chức văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, được nhà nước tài trợ về kinh phí để hoạt động” phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhà nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do vậy, dự thảo “Luật về Hội” cần xác định rõ đối tượng áp dụng luật, nên chăng khái quát là: “Luật này không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức tôn giáo…”

.
.
.