Xuất ngoại dạy chữ cho trẻ em Việt

Thứ Ba, 08/03/2011, 11:50
Gần 5 năm gieo chữ cho trẻ em Việt trên đất nước Campuchia, ở vùng đất đầy nắng gió và lắm nhọc nhằn, nước da trắng trẻo của cô thôn nữ miền Tây nay sạm đen nhưng tấm lòng mà cô giáo Việt Ái dành cho các học trò thì vẫn nguyên vẹn. Một lớp học của cả cô lẫn trò đều nghèo nhưng giàu ý chí và ân tình.

Năm nay 27 tuổi, tên đầy đủ của cô giáo nặng lòng với trẻ em Việt sinh sống trên nước bạn Campuchia là Võ Thị Việt Ái. Giữa lớp học trống trước hụt sau với hơn 30 học trò mà nhiều em đến lớp với cái bụng đói, với đôi chân trần lấm lem…

Ái rơm rớm nói về cơ duyên đưa mình sang gieo chữ ở đất nước chùa Tháp: "Tiếng là cô giáo chứ em chẳng có chuyên môn, bằng cấp sư phạm gì. Năm 2003, thi đậu Đại học Bách Khoa nhưng vì gia cảnh khó khăn nên em làm bảo lưu kết quả để có thời gian đi làm thêm đặng tích lũy phục vụ cho việc học sau này. Trước khi lao vào cuộc sống, em rời quê nhà ở An Giang sang thăm mẹ đang sinh sống ở khu vực chợ Chbar Ampeou thuộc quận ngoại thành Miêng-Chay. Đây là nơi tập trung cộng đồng người Việt đông nhất Phnôm Pênh với khoảng 1.000 hộ gia đình. Phần lớn bà con sống bằng nghề lao động phổ thông, thu nhập thấp, con đông, lo chạy ăn từng bữa nên không chú trọng và không có điều kiện cho con học chữ". 

Nói về mình thì Ái kiệm lời nhưng khi đề cập đến chuyện học chữ của hàng trăm em nhỏ được cô lặng lẽ dạy chữ trong những năm qua thì Ái say sưa. Cô giáo trẻ giàu ân tình với trẻ em nghèo hiếu học nhớ lại những ngày đầu đứng trên bục giảng nơi đất lạ: "Trước khi em đến đây thì khu vực này có lớp học của vợ chồng thầy Tuấn - cô Hường quê ở Quảng Nam vì kế sinh nhai sang đây sinh sống. Tình cờ gặp em đi khảo sát tình hình mù chữ của bà con, thầy Tuấn - cô Hường mời em về phụ vợ chồng thầy đứng lớp. Qua trò chuyện với thầy cô, em mới biết ý định mở lớp dạy chữ cho thanh niên không khả thi, riêng việc dạy chữ cho bọn trẻ thì rất cần thiết. Thời gian đầu, em cùng cô Hường thay phiên nhau đứng lớp, sau đó thì em thường trực do cô Hường bận nhiều việc".

Cô giáo Việt  Ái (bìa trái) cùng một số học sinh cơ hàn của mình.

Ái tâm tình lúc đầu cô chỉ nghĩ dạy vài tháng, nhưng rồi tình cảm quyến luyến cô trò đã "trói" chân cô giáo trẻ. Học trò em nào cũng có tình cảnh đáng thương. Các em hầu như không có tuổi thơ. Nhiều em mới 12-13 tuổi đầu nhưng đã là lao động chính của gia đình.

Cuộc trò chuyện với cô giáo Ái gián đoạn khi lớp học vào giờ. Nhìn lớp học trống trước hụt sau, bàn ghế được các phụ huynh tận dụng từ gỗ vụn, bàn dạy học của cô giáo chỉ là chiếc bàn nhựa, ghế nhựa xiêu vẹo thấp lè tè sao mà thương quá đỗi.

Chị Cao Thị Sắc, có 2 con một trai, một gái đang theo học tại đây, lúc ghé thăm lớp học, cho biết lớp được duy trì ngày 2 bữa sáng chiều, một tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật, học sinh đến học chữ không phải tốn tiền. Để duy trì lớp học, cô giáo Ái tranh thủ lúc bãi lớp khi đi lột tỏi thuê, lúc đi làm massage để kiếm tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ tập sách, quần áo cho những em thơ hiếu học. "Thương cô giáo hết lòng với bọn trẻ, các phụ huynh và những Mạnh Thường Quân kẻ ít người nhiều góp lại gửi phụ cô mỗi tháng khoảng 200.000 rieal, tương đương 800.000VNĐ".

Chị Sắc nhấn mạnh: "Số tiền ấy nếu qui ra đôla khoảng 40 USD. Đây chỉ là đóng góp nhỏ nhoi của bà con để thể hiện tình cảm, sẻ chia với cô Ái. Chứ riêng tiền thuê nhà để tạm ở của cô giáo mỗi tháng cũng trên 50 USD rồi".

Học sinh của cô giáo Ái gồm nhiều độ tuổi. Có em mới lên 7 nhưng cũng có em xấp xỉ 20. Anh Nguyễn Văn Hồ, có con gái tên Nương, 17 tuổi đang học đánh vần, bộc bạch: "Ở đây cô Ái dạy từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu dạy cho sắp nhỏ biết đọc thông viết thạo, biết làm phép tính toán để mai này vào đời không bị thua thiệt với người ta".  

Gần 5 năm gieo chữ cho trẻ em Việt trên đất nước Campuchia, ở vùng đất đầy nắng gió và lắm nhọc nhằn, nước da trắng trẻo của cô thôn nữ miền Tây nay sạm đen nhưng tấm lòng mà Ái dành cho các học trò thì vẫn nguyên vẹn.  

Một ngày nào đó nếu có dịp đến tham quan Thủ đô Phnôm Pênh, bạn hãy dành chút thời gian đến chợ Chbar Ampeou thăm lớp học cơ hàn của cô giáo Ái. Lớp học nghèo lắm, cả cô giáo và học sinh đều nghèo nhưng giàu ý chí, giàu ân tình. Hãy ghé thăm để cảm nhận được cái tình cái nghĩa mà người Việt mình dành cho nhau. Và biết đâu khi ấy, từ trong tâm khảm sẽ thôi thúc bạn làm gì đó để sẻ chia với những khó khăn, nhọc nhằn cho lớp học Việt bên dòng Ba-sắc!

N.Thành Dũng
.
.
.