Xử lý vết nứt cầu Rồng trong thời hạn bảo hành

Thứ Năm, 20/03/2014, 08:29
Thời gian qua, thêm nhiều vết nứt xuất hiện tại các ụ vòm cầu Rồng (TP Đà Nẵng); nhưng việc sửa chữa, xử lý những vết nứt bằng phương pháp lạ mắt là lắp đặt hàng trăm ống xilanh trên vết nứt càng khiến người dân khó hiểu và thắc mắc hơn. Sự việc được Sở GTVT Đà Nẵng và các đơn vị liên quan trả lời như thế nào?

Cầu Rồng được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 29/3/2013 sau 4 năm thi công với tổng mức đầu tư 1.739 tỷ đồng. Cầu Rồng có kết cấu khá đặc biệt, các nhịp dẫn là bê-tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực, các nhịp giữa là dầm hộp thép liên tục được treo vào các vòm thép thông qua hệ thống cáp treo, bản mặt cầu bằng BTCT dự ứng lực đặt trên các công-xôn thép. Tổng chiều dài cầu là 666m, bề rộng mặt cầu từ 36-37,5m và vòm cầu gồm 5 ống thép với hình dáng con rồng đang vươn mình ra phía biển. Cầu Rồng trở thành điểm nhấn du lịch của TP Đà Nẵng với hệ thống ánh sáng hiện đại cùng hình ảnh rồng thay đổi màu sắc, phun nước và phun lửa về đêm.

Nhưng vào cuối tháng 10/2013, sau hơn 7 tháng đưa vào sử dụng, đã xuất hiện hàng loạt các vết nứt chằng chịt trên các kết cấu ụ vòm cầu Rồng và mố phía Đông cầu khiến người dân và du khách bức xúc, lo lắng. Nhiều người còn phát hiện nước rỉ từ bên trong các ụ này ra ngoài một cách khó hiểu và quan ngại về tuổi thọ của cây cầu. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, trước khi tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, Sở đã mời Công ty TNHH GTVT thuộc Trường Đại học GTVT Hà Nội tổ chức kiểm định độc lập, đánh giá an toàn chịu lực công trình.

Chằng chịt nhiều vết nứt đang được xử lý tại ụ chân vòm cầu Rồng.

Theo báo cáo kết quả kiểm định, không phát hiện các biểu hiện bất thường của kết cấu; kết cấu vẫn làm việc trong giới hạn đàn hồi. Các chỉ tiêu kỹ thuật như cường độ chịu tải, độ cứng chống biến dạng, chuyển vị đỉnh vòm, chu kỳ dao động riêng đều phù hợp với kết quả phân tích lý thuyết. Công trình đủ khả năng chịu tải theo tải trọng của hoạt tải thiết kế theo tiêu chuẩn 22TCN 272-05. Đối với các vết nứt xuất hiện tại các vị trí tiếp giáp giữa dầm và ụ chân vòm, gờ chắn bánh dải phân cách giữa trên các đoạn dầm hộp thép, tại mố…, đều thuộc phạm vi của kết cấu BTCT thường, bề rộng vết nứt nằm trong giới hạn cho phép.

Cũng theo Sở GTVT, nhà thầu tổ chức bảo hành, bảo trì công trình theo Sổ tay vận hành đã được phê duyệt, trong đó quy định rõ công tác duy tu, kiểm tra công trình bao gồm việc theo dõi các vết nứt cũng như phương án xử lý các vết nứt nói chung, vết nứt BTCT thường nói riêng… Thời gian bảo hành công trình do nhà thầu thi công thực hiện đối với phần cầu chính đến hết ngày 6/6/2015

Viết Nam

.
.
.