Xử lý nghiêm sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho lao động

Thứ Ba, 07/05/2013, 14:06
Trước những bất ổn về an ninh trật tự, dịch bệnh đe dọa đến tính mạng của lao động Việt Nam đang làm việc chui tại Angola, để thông tin tới bạn đọc về hướng giải quyết, giảm thiệt hại cho người lao động ở nhiều địa phương trên cả nước, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần XKLĐ và Thương mại Du lịch (Colecto) và các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vấn đề này.
>> Bộ mặt thật của các doanh nghiệp XKLĐ kiểu “ném đá giấu tay”

Công ty Colecto vòng vo trong việc khắc phục hậu quả

Danh sách lao động được Công ty cổ phần XKLĐ và Thương mại Du lịch (Colecto) đưa đi trở về nước ngày một dài thêm.

Ngày 4/5, chúng tôi đã liên hệ để làm việc với lãnh đạo công ty này, nằm trong khuôn viên Trường Đào tạo cán bộ Hội Nông dân, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Học, Phó Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Minh Thuận, trợ lý Tổng Giám đốc đều thừa nhận việc công ty đưa lao động sang Angola khi chưa được Bộ LĐ-TB&XH cho phép là sai phạm.

Ông Nguyễn Minh Thuận còn khẳng định: “Chúng tôi chỉ là đơn vị làm XKLĐ, trong quá trình làm chúng tôi là đơn vị làm sau chứ không phải làm trước. Người lao động đến đặt vấn đề, công ty muốn làm thí điểm. Khi có vấn đề xảy ra bên Angola, Bộ LĐ-TB&XH lên tiếng, chúng tôi đang tích cực xử lý”. Tuy nhiên cả hai vị này đều vòng vo khi đề cập đến việc giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Thậm chí ông Nguyễn Bá Học, Phó Tổng Giám đốc còn thể hiện thái độ không hợp tác, không trả lời báo chí vì lý do: “Công ty trực thuộc Trung ương Hội Nông dân, việc này đưa ra ảnh hưởng đến uy tín, xâm hại rất lớn đến TƯ Hội, đương nhiên là câu chuyện rất là to”.

Công ty khẳng đinh họ giải quyết trên tinh thần thỏa thuận, thương lượng và không đẩy lao động vào thế bị ép. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi lao động đi Angola, đều phải nộp cho công ty này 6.300 USD, nhưng khi về nước, họ chỉ được công ty hoàn trả từ 45 đến 60 triệu đồng, chưa bằng một nửa số tiền họ đã nộp trước khi đi.

Một nhóm lao động ở Thái Bình, Nam Định quá bức xúc với cách giải quyết của công ty, cho biết, nước cuối cùng là họ đành phải làm đơn kiện công ty. Còn một số lao động do công ty đưa đi đang mắc kẹt tại Angola chưa dám về nước vì lo sợ về công ty không trả lại tiền.

Liên hệ qua điện thoại với lao động Nguyễn Thế Nhân ở Hoằng Đông (Hoằng Hóa -Thanh Hóa), đang ở Angola, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự hoang mang, tiến thoái lưỡng nan của người lao động. Anh Nhân cho biết: “Em sang đây gọi điện về công ty nhưng họ không giải quyết, phải nhờ chú em can thiệp mới có việc làm. Em cũng muốn về lắm nhưng sợ về công ty lại nói ra ngoài làm bất hợp pháp không trả lại tiền thì em không dám về”.

Lán trọ tồi tàn của lao động Việt Nam tại Angola. (Ảnh do lao động cung cấp)

Các địa phương tìm cách ngăn chặn đưa lao động đi “chui”

Sau nhiều cái chết liên tiếp của lao động Nghệ An tại Angola, mới đây, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Phòng Lao động các huyện, thị yêu cầu kiểm tra, thống kê, báo cáo số lượng lao động đi làm việc tại Angola. Bên cạnh đó, Sở cũng có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền nhằm ngăn chặn tình trạng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Angola bất hợp pháp, gây thiệt hại về nhiều mặt cho người lao động.

Sở đã ra văn bản yêu cầu các địa phương tuyệt đối không giới thiệu bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa đi Angola. Khi phát hiện báo ngay cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Các huyện có biện pháp ngăn ngừa, yêu cầu các gia đình nào có con đi kêu gọi về nước.

Về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Nghệ An kiến nghị cần phải kiểm soát chặt đối với việc đưa người đi sang những thị trường nóng, có chiến sự. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan các cấp kiểm soát đường dây đưa lao động đi chui. Để làm được việc này cần có sự hỗ trợ của cơ quan Công an từ Trung ương tới địa phương phát giác đường dây đưa người đi.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là “điểm nóng” đi XKLĐ chui sang Angola, mới đây Sở LĐ - TB&XH cũng đã có thông báo cảnh báo cho người dân không nên đi Angola.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm và Bình đẳng giới, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, hiện Hà Tĩnh có 4.000 lao động làm việc tại Angola, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Can Lộc. Họ đi theo 2 hình thức: xin cấp visa du lịch 3 tháng hoặc 1 năm. Sau đó cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Angola.

Đây là vấn đề Sở LĐ - TB&XH Hà Tĩnh rất quan tâm. 4.000 lao động Hà Tĩnh tại Angola đều không hợp pháp, không có hợp đồng, không được đảm bảo thu nhập, luật pháp cũng như điều kiện xã hội khác.

Mới nhất chúng tôi đã yêu cầu các huyện, thị không được hợp tác với các tổ chức, cá nhân, tư vấn, hướng dẫn người lao động đi Angola. Cũng đã chỉ đạo 262 xã, phường lập danh sách chi tiết về công việc, khó khăn, nguyên nhân mà lao động gặp phải khi làm việc tại Angola. Người lao động của Hà Tĩnh sang Angola chủ yếu làm xây dựng và dịch vụ, mới đây còn làm tại các cơ sở trồng cây công nghiệp...

Theo ông Dũng thì Sở LĐ - TB&XH Hà Tĩnh cũng đang tổng hợp chi tiết về số người tử vong tại Angola.

Theo nguồn tin riêng của Báo CAND, thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề xuất mức xử phạt cao nhất là rút giấy phép hoạt động XKLĐ đối với Công ty Colecto trong việc tuyển và đưa người trái phép sang Angola.

Tuy nhiên do có nhiều lao động đã nộp tiền để công ty này đưa sang Angola buộc công ty này phải khắc phục hậu quả, nên mức phạt có thể sẽ là dừng hoạt động XKLĐ trong vòng 1 năm để công ty giải quyết quyền lợi cho người lao động. 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ - TB&XH: Xử lý mạnh nhất là rút giấy phép

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục QLLĐNN, Bộ LĐ - TB&XH.

PV: Về phía cơ quan quản lý Nhà nước về XKLĐ, ông có nắm được tình hình đưa lao động “chui” sang Angola hiện đang rất rầm rộ không?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Lao động Việt Nam qua Angola rất nhiều bằng đường tự do. Bên đó có những công ty được phép nhận lao động nước ngoài và người ta nhượng lại giấy phép cho lao động Việt Nam sang.

Đi sang Angola không bắt buộc phải qua công ty XKLĐ nên có thể trực tiếp ký với người lao động. Chỉ cần có hồ sơ gửi sang, được phía Angola nhận vào làm việc, chuyển hồ sơ về ĐSQ Angola tại Hà Nội, phía ĐSQ Angola sẽ căn cứ hồ sơ, cấp visa cho lao động.

Về mặt hình thức, giấy tờ thì người lao động sang Angola đều hợp pháp nhưng luật pháp của Angola quy định người chủ sử dụng lao động bảo lãnh, thuê lao động thì lao động đó phải làm cho người đó mới là hợp pháp, nếu làm cho chủ sử dụng khác là bất hợp pháp.

Mấy chục ngàn lao động Việt Nam sang Angola đều không làm cho người bảo lãnh nên đều là bất hợp pháp, không được bảo vệ quyền lợi. Vài năm qua có rất nhiều lao động sang Angola làm việc theo đường như vậy. Chúng tôi đã cảnh báo không có công ty nào được chấp thuận đưa lao động sang Angola.

PV: Nhưng trên thực tế thì đã có một số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động XKLĐ đưa lao động sang Angola?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:  Cục chưa chấp thuận cho bất cứ DN nào đưa lao động sang Angola cả. Nếu DN nào đưa sang là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang thanh tra một vài DN, nếu có việc đưa lao động đi như vậy sẽ xử lý theo Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cao nhất là tước giấy phép. Cá nhân lừa đảo XKLĐ sẽ phải theo Luật Hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm mới biết xử lý như thế nào.

PV: Được biết, Cục QLLĐNN đã tiến hành thanh tra đột xuất việc đưa người sang Angola của Công ty Colecto? Kết quả xử lý ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đoàn thanh tra thực hiện khoảng 3 tuần trước. Đã định kết luận nhưng có thêm thông tin từ phía địa phương, thông tin thêm về những vấn đề liên quan đến công ty này nên lại phải làm thêm với địa phương đó. Sau thanh tra mới có thể quyết định hình thức xử phạt, kể cả các biện pháp khắc phục hậu quả.

PV: Ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An có số lượng lớn lao động đi làm việc tại Angola, có cách nào để đảm bảo quyền lợi cho các lao động đi chui này? Đặc biệt là đối với các lao động đang mắc kẹt tại Angola, có nguyện vọng về nước?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Cục đã có cảnh báo tới các địa phương. Chúng tôi đã thông báo và yêu cầu các địa phương nắm tình hình. Việc quản lý tuyển chọn lao động xuất khẩu còn là trách nhiệm của các địa phương.

Chúng tôi thiết tha đề nghị người lao động khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ. Vì quyền lợi của mình không để bị lừa đảo, sang đến nơi còn bị coi là không hợp pháp. Đừng chỉ nghe ngóng thu nhập cao là lên đường.

Bộ Ngoại giao có Quỹ Bảo hộ công dân. Người lao động có nhu cầu cần giúp đỡ thì liên hệ với ĐSQ Việt Nam tại nước sở tại. Người nhà lao động có thể liên hệ với Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao làm cam kết, nhờ giúp đỡ.

Ông Lều Quang Điều, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam: Công ty Colecto không còn trực thuộc TƯ Hội Nông dân Việt Nam 

Trước việc lãnh đạo Công ty Colecto khẳng định, công ty là cơ quan trực thuộc Trung ương (TƯ) Hội Nông dân Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với ông Lều Quang Điều, Phó Chủ tịch TƯ Hội. Ông Điều khẳng định: Công ty Colecto trước kia trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam.

Sau khi thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội đã tiến hành cổ phần hóa, trở thành công ty cổ phần và chính thức đầu mối Colecto không trực thuộc Hội nữa. Vì gốc là của Hội trước kia, nên Hội đã tạo điều kiện cho mượn trụ sở của Hội thêm 4 năm, công ty phải chủ động đi thuê trụ sở. Từ khi cổ phần hóa, công ty không trực thuộc lãnh đạo của Hội.

Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ một số nông dân được công ty đưa này đi một số nước, như Angola nhưng không đúng như thỏa thuận. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp những gì họ gây ra thì họ hoàn toàn phải tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã yêu cầu công ty sang làm việc cụ thể, nhưng bên đó vẫn nói là bận.

Trách nhiệm của cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi của người nông dân, chúng tôi sẽ có buổi làm việc để bảo vệ quyền lợi cho họ. Nếu không thỏa đáng thì yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm về những gì họ gây ra, bồi thường thỏa đáng, đặc biệt là những người đã bỏ số tiền lớn, công ty phải trả lại toàn bộ cho người lao động.

Thu Uyên
.
.
.