Xử lý đúng pháp luật kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 10/05/2007, 15:33

Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng “không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội".

10 ngày trước bầu cử, các ứng cử viên tiếp tục tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại địa phương theo sự hướng dẫn của hội đồng bầu cử. Đáng chú ý, hôm nay (10/5) cũng là hạn chót việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và danh sách những người ứng cử.

Theo hội đồng bầu cử, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử, công dân có quyền kiến nghị với ban bầu cử, ủy ban bầu cử về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Ban bầu cử, ủy ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, kiến nghị đã nhận được. Nếu người khiếu nại, kiến nghị không đồng ý với việc giải quyết đó thì có quyền khiếu nại, kiến nghị đến hội đồng bầu cử và quyết định của hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.

Hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết về người ứng cử và danh sách những người ứng cử vào ngày 10/5/2007, tức 10 ngày trước khi bầu cử, sau đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết cụ thể theo quy định pháp luật.

Chủ yếu khiếu nại liên quan đến quản lý đất đai, chế độ chính sách

Ban Công tác đại biểu UBTV Quốc hội cho biết, nhìn chung từ khi các đơn vị bầu cử công bố danh sách những người ứng cử, do danh sách ứng cử đã được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc từ trước đó nên hầu như đều đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu, không xảy ra sai sót nào lớn.

Theo báo cáo của ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số lượng những khiếu nại, tố cáo liên quan công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII không nhiều.

Kết quả giám sát của các đoàn giám sát đợt 2 tại 20 tỉnh, thành phố thì có 4 tỉnh có khiếu nại, tố cáo với tổng số 10 đơn thư. Qua rà soát, có 3 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo nhưng trong đó 4 đơn tố cáo nặc danh. Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của ủy ban bầu cử các tỉnh đã phối hợp cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.

Cũng theo thông tin từ hội đồng bầu cử, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử chủ yếu tập trung các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, chế độ chính sách lao động, thương binh, vụ việc tham nhũng...

Ngoài các khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết, kết luận, còn một số vụ việc đang được chỉ đạo giải quyết kịp thời như khiếu nại về đền bù, quản lý đất đai xảy ra ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh); huyện Diễn Châu (Nghệ An); thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên); một số vụ việc khác ở Quảng Bình, Quảng Trị; vụ đòi đất để xây dựng nhà thờ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh)...

Hội đồng bầu cử cho biết, nhìn chung việc khiếu nại, tố cáo chỉ diễn ra lẻ tẻ, không có tình trạng khiếu kiện đông người, gây sức ép, phức tạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, quá trình giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, hội đồng bầu cử đã tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của 29 ứng cử viên, trong đó có 13 người ở địa phương. Tất cả các đơn thư, khiếu nại, tố cáo đều được tiếp nhận, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Kết quả, hầu hết được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Có 1 trường hợp qua khiếu nại, tố cáo của công dân đã kết luận sai phạm rõ ràng và đã loại ra khỏi danh sách ứng cử sau hội nghị hiệp thương vòng 3 (ông Nguyễn Văn Thưởng - người trước đó có đơn tố cáo sai phạm về vấn đề nhà đất).

Trong danh sách 165 người do Trung ương giới thiệu, một số người trước đó có đơn thư tố cáo cũng đã được làm rõ và kết luận đủ tiêu chuẩn như ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ông Hồng bị tố cáo về việc đi xe ôtô vượt tiêu chuẩn và chuyện lương bổng.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Ông Vũ Xuân Hồng tiêu chuẩn được mua xe loại 800 triệu đồng nhưng ông đã mua lên đến 914 triệu đồng. Việc này được kết luận là có khuyết điểm, còn về lương bổng, ông Hồng có kết luận là thực hiện không nghiêm túc. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, những sai sót này không lớn và qua bỏ phiếu, ông Vũ Xuân Hồng vẫn đủ tỷ lệ để được giới thiệu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội. Đối với ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đơn thư tố cáo cũng đã có kết luận.

Về vấn đề này, trong buổi trao đổi mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết: Vừa qua, đối với một số ứng cử viên, trong đó có ông Vũ Xuân Hồng, ông Nguyễn Bá Thanh đã có đơn khiếu nại về việc vi phạm các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Đối với một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc HĐND mà các ứng cử viên có khiếu nại cũng là chuyện bình thường.

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp đã có khiếu nại về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì hội đồng bầu cử hoặc ủy ban bầu cử các tỉnh phải giao cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác minh để kết luận. Trước hội nghị hiệp thương vòng 3, các trường hợp có khiếu nại, tố cáo đã được xem xét, kết luận, trong đó có trường hợp của 2 ông Vũ Xuân Hồng và ông Nguyễn Bá Thanh.

"Theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền thì hai ông này không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu nói.

Có hay chưa có việc làm không phải là quyết định

Cũng liên quan đến danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, vừa qua có một số ý kiến đề nghị cần xem xét lại một số ứng cử viên. Chẳng hạn, một số ý kiến kiến nghị xem xét lại danh sách ứng cử viên của thành phố Điện Biên Phủ vì cho rằng, trong 5 người được giới thiệu ở thành phố Điện Biên thì có 2 người không có công ăn việc làm, tuổi đời quá trẻ (sinh năm 1983 đến 1985), 1 người là nhân viên phục vụ trường THCS  ở xã.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cho biết: "Trong số 876 ứng cử viên đã được Hội đồng Bầu cử Trung ương chính thức công bố, có 5 ứng cử viên của thành phố Điện Biên để bầu lấy 3 đại biểu Quốc hội. Điều đó có nghĩa các ứng cử viên này đáp ứng đủ các điều kiện. Vấn đề đã có việc làm hay chưa có việc làm không phải là quyết định".

Theo Ban Công tác đại biểu - UBTV Quốc hội, do đã gần ngày bầu cử nên các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức cho những người ứng cử vận động bầu cử.

Đảm bảo việc vận động bầu cử công khai, công bằng, bình đẳng giữa những người ứng cử, tuyệt đối không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Tạo điều kiện thuận lợi để những ứng cử viên tiếp xúc cử tri, báo cáo về dự kiến chương trình hành động giúp cử tri nắm bắt được thông tin, có quyết định sáng suốt khi lựa chọn lá phiếu của mình

Phan Đăng - Anh Hiếu
.
.
.