Xử lý "điểm nóng" về an ninh nông thôn: Dân cần, chính quyên phải vội
"Doanh nghiệp (DN) móc ngoặc với một số cán bộ tiêu cực ở địa phương để được giao đất, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng để kiếm lời; có DN với danh nghĩa là làm dự án đã ép dân giao đất, thuê đất dài hạn, sau đó tự chuyển đổi mục đích sử dụng, chia lô, nhà xây thô rồi rao bán gây bất bình trong nhân dân...".
Khá nhiều những chiêu "ăn đất" tương tự đã được dư luận báo chí phản ánh thời gian qua và là nguyên nhân dẫn đến không ít những "điểm nóng". Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bộ Công an cũng cho đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến tình hình an ninh nông thôn thời gian qua trở nên nóng bỏng.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì 6 tháng đầu năm 2006, trong số những người kéo về TW khiếu kiện thì trên 60% khiếu kiện có liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Như đã nêu trên, một số DN, cá nhân đã bày ra rất nhiều chiêu thức "ăn đất" kiếm tư lợi. Thậm chí tại một số nơi, các trò "ăn đất" còn khá lộ liễu, nhiều doanh nghiệp sau khi được giao đất chỉ đầu tư không nhiều vào cơ sở hạ tầng, rồi bán lại với giá gấp hàng trăm lần giá đền bù cho dân.
Theo tổng hợp của cơ quan chức năng thì hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có sai phạm về bán đất, cho thuê đất, sang nhượng đất trái pháp luật. Một số tỉnh điển hình như Hà Tây có tới 274/324 xã kiểm tra có sai phạm. Ngay địa bàn một số huyện của Hà Nội việc bán đất cũng phổ biến và dễ dàng...
Tuy nhiên, điều đáng nói là một số địa phương đã không tập trung chỉ đạo giải quyết khiến người dân phải kéo lên TW ngày càng nhiều. Một số vụ việc dù Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, kiên quyết nhưng đáng tiếc lại không được lãnh đạo một số tỉnh chấp hành nghiêm. Điểm lại 172 vụ việc khiếu kiện đông người và kéo dài mà Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và kết luận thời gian qua thì có đến 114 vụ việc dân khiếu nại đúng và đúng một phần.
Điều đó cho thấy, việc dân khiếu kiện gay gắt, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương có nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu trách nhiệm, thậm chí sai phạm của cán bộ, chính quyền các cấp. Có thể dẫn chứng một số vụ việc như: Vụ Lý Công Sinh, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) thông đồng với cán bộ huyện chiếm đoạt đất, buôn bán đất với số lượng lớn, dân khiếu kiện kéo dài nhưng thanh tra, kiểm tra không đến nơi đến chốn.
Chỉ khi báo chí vào cuộc, sự việc mới được làm rõ. Kết cục 12 bị cáo đã bị xử tù. Dự án của Công ty Giống lợn - Bộ NN&PTNT thuê 70.000m2 đất ở Hoài Đức (Hà Tây) nhưng lấn chiếm trên 94.000m2, rồi sau đó chuyển đổi 34.000m2 đất nông nghiệp thành đất chuyên dùng cho 14 DN khác thuê lại mặt bằng...
Nhận diện những nguyên nhân
Về nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện trong dân liên quan đến đất đai ngày càng "nóng bỏng", theo phân tích của cơ quan chức năng thì một phần là do các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vấn đề thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng tuy có được sửa đổi, bổ sung nhưng còn chậm và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được quyền lợi chính đáng của người dân. Phần khác là thái độ xử lý thiếu khách quan của chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ khi phân tích về vấn đề này cũng chỉ ra rằng, trong 3 lợi ích: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, thì chính quyền địa phương thường rất ít khi quan tâm đến lợi ích của người dân bị thu hồi đất...
Bị thiệt thòi, người dân buộc phải đấu tranh, khiếu kiện. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên nhiều khi họ khiếu kiện không đúng, thậm chí có những hành động quá khích vi phạm pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.617 vụ án và 3.008 bị can phạm tội liên quan đến đất đai, trong đó có tới 1.334 bị can là cán bộ các cấp phạm tội, còn lại là những người đấu tranh quá khích, vi phạm pháp luật. Điều đáng quan tâm là từ chỗ cán bộ có sai phạm, thậm chí tham nhũng đất đai, dân bất bình đi khiếu kiện; từ chỗ khiếu kiện kéo dài không được giải quyết, dẫn đến bức xúc, có hành động manh động chống đối dẫn đến phạm tội và bị truy tố trước pháp luật.
Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu phân tích: "Qua số liệu này chúng ta có thể rút ra: nếu cán bộ ta không sai phạm thì cũng không dẫn đến người dân sai phạm, vì vậy cái gốc là phải ngăn chặn sai phạm của cán bộ, đảng viên trước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lên án và xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng khiếu kiện để xúi giục, kích động gây rối, vi phạm pháp luật".
Đảm bảo an ninh nông thôn chính là việc phòng ngừa, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, "điểm nóng". Kết quả công tác này của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an những năm qua ngày càng được cải tiến, nâng cao hiệu quả và góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục An ninh thì nhìn tổng thể việc giải quyết những phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển ở khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Nhiều vụ không được giải quyết dứt điểm, để kéo dài tích tụ thành vấn đề lớn và từ một vài người khiếu kiện kéo theo đông người, thậm chí hình thành tổ chức đi khiếu kiện, trở thành vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh - trật tự ở từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc.
Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu cho rằng, đảm bảo an ninh nông thôn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, với những chủ trương, giải pháp đồng bộ. Trong đó, muốn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, "điểm nóng" thì cần giải quyết vấn đề quyền lợi, kinh tế, quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhưng phải giữ được ổn định chính trị, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Như vậy, để đảm bảo yên dân, trước hết phải có các giải pháp đảm bảo quyền lợi chính đáng và chính sách công bằng cho họ