Xử lý DN “bức tử” môi trường vùng nuôi tôm trọng điểm

Thứ Tư, 10/07/2013, 21:14
Nhà máy của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Anh Tuấn (gọi tắt là Công ty Anh Tuấn) đặt cạnh đầu Kênh 9 thuộc địa bàn ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Đấy cũng là con kênh cung cấp nguồn nước cho vùng nuôi tôm trọng điểm, hình thành theo quy hoạch của tỉnh. Và hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra đối với vùng nuôi tôm trọng điểm do doanh nghiệp (DN) đã đổ thẳng nước thải chưa qua xử lý xuống Kênh 9.

Dòng “kênh chết”

Công ty TNHH Chế biến thủy sản Anh Tuấn (trước đây là Công ty TNHH Gia Khang) là DN chuyên thu mua, chế biến đầu, vỏ tôm để phục vụ cho việc chiết xuất chitin – chitozan – một vật liệu có nhiều ứng dụng trong các ngành công, nông nghiệp, y dược…

Người dân kể không thể diễn tả được mùi hôi thối rất khó chịu được bốc hơi từ nơi ủ đầu, vỏ tôm lâu ngày. “Để có được sản phẩm sơ chế đạt tiêu chuẩn, họ bỏ đầu vỏ tôm vào mấy bồn chứa a xít theo tỷ lệ nhất định và tiến hành khử nhiều lần. Sau lần khử thứ ba, họ sẽ vớt đầu, vỏ tôm ra. Phần nước trong bồn được đổ thẳng ra ngoài, chẳng qua công đoạn xử lý nào. Và con Kênh 9 chết dần, chết mòn từ đó”, một thanh niên cho biết.

Hôm chúng tôi đến tìm hiểu vụ việc, được biết DN đặt tại vị trí này từng bị chính quyền địa phương lập biên bản đến 5 lần. Cụ thể, lần đầu cách nay vừa tròn một năm, ngày 28/6/2012. Lần thứ hai sau đó 2 tuần. Lần thứ ba vào ngày 3/8/2012. Cũng như hai lần trước, UBND xã đề nghị công ty phải xử lý nước thải trước khi xả ra kênh nhưng DN này không chấp hành. Hai lần tiếp sau đó, chính quyền địa phương đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với Công ty Gia Khang nhưng ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc công ty lúc bấy giờ vẫn bất hợp tác.

Đến cuối tháng 5/2013 vừa qua, Công ty Gia Khang đã đổi chủ và đổi tên thành Công ty TNHH Anh Tuấn, chính quyền địa phương cùng đại diện các sở, ban, ngành chức năng đến kiểm tra, phát hiện và lập biên bản về hành vi xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Lãnh đạo công ty hứa sẽ khắc phục nhưng rốt cuộc vẫn kiểu “hứa cho… có hứa” (!).

Người nuôi tôm méo mặt vì lo

Trao đổi với PV Báo CAND, người dân có nuôi tôm tại ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, kể hồi trước, nguồn tôm ngoài tự nhiên nhiều lắm. Vào mỗi con nước hằng tháng, bà con thu hoạch tôm tự nhiên khoảng 5kg/ha. Còn từ lúc nhà máy đi vào hoạt động thì nguồn tôm tự nhiên giảm đáng kể, cụ thể mỗi con nước bà con thu hoạch chưa tới 1kg/ha. Đối với nuôi tôm công nghiệp, rất nhiều trường hợp tôm bị chết sau thời gian 3 tuần thả nuôi.

Vùng nuôi tôm trọng điểm của xã Vĩnh Hậu A sẽ “chết” nếu như Kênh 9 tiếp tục bị “bức tử”.

“Năm 2012, số hộ nuôi tôm lấy nước từ Kênh 9 bị thiệt hại đến 90% và hiện nay tôm vẫn tiếp tục chết hàng loạt, phải tạm ngưng sản xuất. Bà con không dám nuôi tôm nữa vì sợ lún sâu vào thua lỗ, nợ nần”, ông Lại Văn Tích, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm xã Vĩnh Hậu A cho biết.

Ông Tích thống kê có hơn 200 hộ nuôi tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhà máy nằm ngay đầu Kênh 9. “Tôm chết, bà con bị thiệt, Nhà nước cũng bị thiệt do phải chi trả hỗ trợ và tiền bảo hiểm tôm nuôi cho bà con. Con số lên tới cả trăm tỷ đồng”, ông Tích kể thêm.

Ở ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, ông Vũ Xuân Huy buồn bã cho biết, hồi trước khi có nhà máy này, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Giờ thì ông mất danh hiệu này do nguồn nước bị ô nhiễm, tôm thả xuống là chết.

Người dân kể thêm, do nguồn nước dưới Kênh 9 ô nhiễm còn làm điêu đứng số hộ nuôi sò huyết. “Hồi trước, chỉ sau 8 - 10 tháng là thu hoạch còn bây giờ, gần 2 năm mà vẫn chưa con nào vô chuẩn” .

Xử lý kiên quyết (!)

Ông Phạm Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết, Sở đã cử cán bộ đến nhà máy của DN trên tìm hiểu thì phát hiện tình trạng ô nhiễm ở đây là rất nghiêm trọng. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy không đảm bảo và nhà máy có xả thải nước chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường (Kênh 9).

Trao đổi với PV Báo CAND mới đây, bà Cao Xuân Thu Vân, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngay sau khi tiếp nhận tin báo từ các PV và đề xuất từ ngành chức năng, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Bạc Liêu vào ngày 5-7 vừa qua đến kiểm tra và phát hiện hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo công suất, dẫn đến không đảm bảo môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

“Trước yêu cầu của đông đảo người dân nuôi tôm tại đây, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo tạm thời đóng cửa nhà máy này để có các bước xử lý tiếp theo”, bà Vân nói.

Trao đổi thêm với chúng tôi, một lãnh đạo cho biết ngành chức năng cũng đã đề nghị Sở KH&ĐT rút giấy phép hoạt động kinh doanh đối với DN này. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, chính quyền và ngành chức năng địa phương yêu cầu DN không được nhập nguyên liệu đầu vào và phải xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản hộ dân chung quanh. Đối với lượng nguyên liệu chưa kịp xử lý, DN được phép di chuyển đi nơi khác…

Người dân đồng thuận với thái độ kiên quyết của UBND tỉnh lần này; đồng thời yêu cầu xem xét xử lý theo pháp luật đối với hành vi vi phạm của DN này chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính

Binh Huyền
.
.
.