Xóm "nhảy dù" nhiều không...giữa lòng thành phố

Thứ Năm, 20/08/2009, 19:31
Ngay giữa lòng thành phố Huế xuất hiện một khu dân cư với 80 hộ/400 nhân khẩu chọn làm nơi sinh sống, được người dân quen gọi là xóm Khe, hay xóm "nhảy dù" nhiều không. Mặc dầu đã tồn tại gần 20 năm, nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ và đang ở trong tình cảnh "đi không nỡ, ở không xong".

Vào xóm "nhảy dù" nhiều không

Xóm Khe thuộc tổ 16, khu vực V, phường Trường An (thành phố Huế). Toàn xóm Khe có 80 căn nhà ở san sát nhau với đủ các kiểu kiến trúc. Trong căn nhà ẩm thấp, chật chội, ông Trần Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố 16 cho biết, xóm Khe được hình thành từ năm 1990 bởi một vài hộ tự đến dựng nhà ở và đến nay đã phát triển lên 80 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Những hộ dân đến đây sinh sống chủ yếu là người trước giới thiệu cho người sau và mua bán đất qua giấy tay. Đa số người dân ở đây là những người dân thật thà, chất phác, sống bằng các nghề buôn bán nhỏ, đạp xích lô, thợ xây, lao động…

Ngay sau xóm nhảy dù là khu chung cư khang trang.

Ông Dũng nói thêm, tiếng là ở thành phố nhưng người dân ở đây thiếu thốn đủ thứ. Rồi ông kê ra một loạt những khó khăn mà lẽ ra người dân thành phố như ở xóm Khe không phải gánh chịu, như: không được sử dụng nước máy; đường vào xóm không được đầu tư xây dựng; nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa; dùng điện thì phải kéo rất xa với những cột tre tạm bợ; đa số người dân không có hộ khẩu, giấy chứng minh…

Và ông Dũng khẳng định, vì rất nhiều nguyên nhân nói trên nên đời sống kinh tế của người dân ở đây đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

Chúng tôi được ông Trần Dũng dẫn đi "mục sở thị" một vòng quanh xóm. Tới đầu xóm, bắt gặp bà con đang góp tiền lại để thảm bê tông đường hẻm của xóm vì sợ mùa mưa tới đất sẽ bị cuốn trôi. Chị Phan Sửu, cư dân của xóm từ năm 2000 cho hay, vợ chồng tui lúc mới lên làm một căn nhà tạm để ở. Sau này, do xuống cấp nhưng vẫn không được sửa chữa vì UBND phường không cho. Để bây giờ, sau mỗi cơn mưa phải vá víu từng mảnh ni lông cho đỡ dột ướt ở tạm. Chị Sửu cũng bức xúc nói, mặc dầu chỉ cách khu chung cư vài chục mét, nhưng chúng tôi cũng phải sử dụng nước giếng đào không đảm bảo vệ sinh.

Ông Trần Dũng thêm vào, quá khổ các anh ạ! Cả xóm 80 hộ dân nhưng chỉ đào được 6 cái giếng dùng chung. Nhưng chất lượng nước ở đây không đảm bảo vì đào giếng trong khu vực cồn mồ và vùng thấp trũng. Nói rồi ông thở dài, vẫn biết thế nhưng làm sao được, rồi cũng phải dùng hết.

Ông Trần Văn Hen được xem là những cư dân đầu tiên đến đây sinh sống từ năm 1990. Bây giờ, những người con của ông đã lớn, lập gia đình, nhưng cả 3 thế hệ đều phải cùng nhau tá túc trong căn nhà xiêu vẹo không biết sập lúc nào. Cả khu có 80 căn nhà, nói là nhà vì đấy là nơi trú ngụ của cả gia đình, nhưng hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng và đang ở trong tình trạng… chờ sập.

Những hệ luỵ mà người dân xóm Khe phải gánh chịu chưa dừng lại ở đó. Vì không có hộ khẩu nên không thể làm giấy chứng minh, mà không có giấy chứng minh thì không làm được việc gì. Trong xóm có 40-50 thanh niên đến tuổi đi học nghề, đi làm, nhưng không có giấy chứng minh nhân dân nên không thể thi vào các trường dạy nghề, không xin được việc làm. 

"Đi không nỡ, ở không xong"

Bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An cho biết, trước năm 2003, ở xóm Khe có khoảng 40 hộ dân sinh sống. Các công trình phúc lợi, dân sinh như: bê tông đường kiệt, điện sinh hoạt, nước máy đều được UBND phường quan tâm. Nhưng sau này, số hộ dân ở đây ngày một tăng do tách hộ và có một số hộ tự ý đến ở.

Đặc biệt, năm 2004, khu vực này được UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu biệt thự Thủy Trường, phường Trường An. Cho nên, UBND phường đã có chỉ thị và tổ chức họp dân yêu cầu tất cả các hộ dân ở đây không được cơi nới, sửa chữa, xây dựng thêm nhà ở trong khu vực. Đồng thời, cắt tất cả các ưu tiên về phúc lợi, dân sinh như: điện, nước, bê tông đường kiệt.

Tháng 11/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết khu biệt thự Thủy Trường, phường Trường An với tổng diện tích 7,3 ha (trong đó có cả khu xóm Khe), tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ gần 24 tỷ đồng. Người dân ở đây cho rằng, một dự án được thực hiện với thời gian quá lâu đã gây bao khó khăn, phiền hà cho họ. Và không biết dự án trên còn "treo" đến bao giờ, để cho người dân ở đây vẫn sống trong tình cảnh "đi không nỡ, ở không xong"

Công Bình
.
.
.