Xoá sổ xóm mồ côi?

Thứ Tư, 12/04/2006, 15:00

Những ngày qua, người dân xóm mồ côi thấp thỏm bởi “hung tin” tỉnh Bình Dương sẽ thu hồi toàn bộ đất của xóm để làm trại heo. Xóm mồ côi sẽ được di dời đến Nông trường Cờ Đỏ. Cuộc sống lại bắt đầu từ con số 0. Con cái họ sẽ ăn học làm sao, những người "sống lậu" như họ có được bồi thường công sức đã đổ ra gần hai chục năm trên mảnh đất này?

16 năm trước, các em ở xóm mồ côi đều là học viên của Trường Thiếu niên III (Trường Nuôi dạy thiếu niên số 3 Gò Vấp), trực thuộc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh. Chị Phan Thị Liên Hoa, nguyên Hiệu trưởng trường những năm 1989-1993 cho biết, chị đã đi nhiều nơi trước khi tình nguyện về trường, nhưng chưa bao giờ chị thấy trường học nào giống Trường Thiếu niên số III.

Thực chất trường là nơi tập trung của hơn 400 em mồ côi, lang thang bụi đời đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi được thu gom về để dạy dỗ. Các cán bộ phải chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, chăm sóc sức khỏe… Thế rồi ngày qua ngày, từ mái Trường Thiếu niên III, nhiều học viên cũng lớn lên và gia nhập lực lượng thanh niên xung phong hay đi nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Thân phận mồ côi không nơi nương tựa, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ, các em chỉ còn một con đường là trở về mái trường xưa. Và vì thế gánh nặng của trường ngày càng thêm chồng chất.

Để giảm áp lực cho trường, năm 1990, Sở LĐTB&XH TP HCM có chủ trương đưa các em đủ tuổi lao động đi lập nghiệp ở tỉnh Sông Bé (cũ) và xóm mồ côi thuộc ấp 4, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Những ngày đầu, cô Phan Thị Liên Hoa đưa 63 em vác cuốc, xẻng lên đây khai phá đất đai. Những đứa trẻ bụi đời quen sống hè phố, nay phải tự cắt cỏ tranh dựng lán để ở, tự cầm cuốc cày để cuốc đất trồng cây. Chỉ số ít em biết nghe lời, còn lại là lười biếng và đầy chất giang hồ. Ngày nào cũng xảy ra đánh lộn.

Thế rồi dần dần, các em cũng được dạy dỗ vào khuôn vào phép. Nhưng khó khăn này chưa hết đã chồng chất khó khăn khác. Tháng 6/1992, trong số tiền các tổ chức từ thiện giúp đỡ Trường Thiếu niên III chưa sử dụng, Bí thư và Chủ tịch xã Trừ Văn Thố hỏi mượn để giải quyết một số khó khăn của xã rồi không chịu trả. Chị Hoa với cương vị là Hiệu trưởng ký giấy cho mượn đã bị một số người hiểu lầm và làm đơn tố cáo rằng chị đã cấu kết với địa phương để chiếm số tiền đó, chị Hoa bị đình chỉ công tác để làm rõ. Từ đó, các em trong Trại mồ côi cũng bị vạ lây. Khoản tiền 86.000đ hàng tháng của mỗi em bị cắt, trại bị giải thể. Sau đó, Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cũng bỏ rơi Trại mồ côi...

Lúc này các em không muốn rời bỏ mảnh đất mà mình đã bỏ mồ hôi công sức ra khai phá. Những con người mồ côi lại đoàn kết và quyết tâm xây dựng quê hương mới trên mảnh đất này. Thế là một số em tiếp tục cày cuốc khai hoang trồng tỉa hoa màu, một số em đi lượm phế liệu chiến tranh đem bán lấy tiền sinh sống và mua cây giống. Cán bộ trại thì về nhà xin quần áo cũ, tiền bạc đem lên lo cho các em.

Đến cuối năm 1993, các em mồ côi vẫn cần mẫn trên vùng đất mới, nhiều em cũng đã lập gia đình. Vì thế tháng 3.1993, Sở LĐTB&XH TP HCM ra quyết định giao Trại mồ côi cho Trung tâm Tân Hiệp đóng tại Bình Long, Sông Bé quản lý và thành lập Phân hiệu III. Cũng thời gian này, chị Phan Tị Liên Hoa được minh oan và được phục hồi chức vụ. Tuy nhiên khi về với Tân Hiệp thì Tân Hiệp đang trong giai đoạn khủng hoảng về tài chính. Một số em bị cắt tiền ăn trợ cấp, chị Hoa cũng không có lương, vì thế trại tiếp tục đi "lượm ve chai" để sống.

Sau nhiều nỗ lực, năm 1995, UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận công nhận quyền sử dụng 90ha đất cho Trại mồ côi. Vậy là mồ hôi, nước mắt của các em đổ ra nay đã được công nhận, các em càng hăng say cải tạo, chăm sóc thành quả lao động của mình.

Tháng 7/1997, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, Võ Thị Bạch Tuyết đến thăm Trại mồ côi, bà Tuyết hứa hẹn rất nhiều… nhưng điều các em mừng nhất là Giám đốc hứa sẽ làm hộ khẩu và CMND cho các em. Nhưng chỉ 3 tháng sau, niềm hạnh phúc mong manh ấy đã lại tắt ngấm bởi chính Giám đốc Võ Thị Bạch Tuyết đã ký quyết định đồng loạt cho các em mồ côi hồi gia. Nhiều em đã khóc: mồ côi "đích thực" thì làm gì có gia đình mà hồi. Hơn thế tiền trợ cấp cho Trại trẻ mồ côi do Tân Hiệp cấp hàng tháng cũng bị cắt, có tháng 100 trẻ mồ côi chỉ được cấp có 500 ngàn đồng…

Không tiền ăn, không tiền mua cây, con giống để lo cuộc sống. Để cứu mình và cứu những đứa trẻ mồ côi, chị Phan Thị Liên Hoa đã phân cho mỗi hộ gia đình từ 1-2ha đất trong 90ha được công nhận quyền sử dụng để tự họ canh tác và sinh sống. Còn lại, chị Hoa phân một ít cho một số con em gia đình liệt sĩ không nơi nương tựa và chuyển đổi cho một người để đổi lấy cây giống, phân bón, còn thu lại một số tiền nhỏ gọi là bù đắp công sức khai phá để lo cho cuộc sống trước mắt của các trẻ mồ côi.

Mặc dù không tư túi một đồng, nhưng chính vì quyết định nôn nóng và thiếu hiểu biết này mà chị Hoa đã phải trả giá đắt về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai".

Những ngày vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại xóm mồ côi thì những con người mồ côi lại đang thấp thỏm bởi “hung tin” là tỉnh Bình Dương chuẩn bị thu hồi toàn bộ đất đai của xóm mồ côi để làm trại heo. Xóm mồ côi được di dời đến Nông trường Cờ Đỏ. Ai cũng biết Nông trường Cờ Đỏ là một vùng kinh tế mới khó khăn hơn gấp bội nơi xóm mồ côi đang sinh sống. Họ càng lo lắng hơn khi lại bắt đầu từ con số 0. Rồi con cái họ ăn học làm sao, rồi là những người "sống lậu" thì họ có được bồi thường công sức mồ hôi nước mắt đã đổ ra gần hai chục năm trời trên mảnh đất này?

Nhìn mảnh đất từ chỗ hoang vu, sau 16 năm đổ mồ hôi nước mắt ra chăm sóc thành những vườn tre, vườn điều xanh ngắt chuẩn bị được thu hoạch, nay sắp sửa tay trắng ra đi, lòng họ càng thắt lại. Cả chị Hoa và đàn con mồ côi của chị đang ngày đêm mỏi mòn đợi chờ công lý sớm giải quyết thỏa đáng cho những nỗi đau đang chồng chất, đan dày này.

Tin rằng, những người làm cho đất cỗi cằn đã nở hoa kia sẽ không còn cô đơn. Công lý và tình người sẽ đứng về phía những người từng tự đứng lên, tựa vào nhau để quyết định số phận của mình

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.