Xe “siêu trọng” mặc sức phá đường

Thứ Ba, 06/09/2011, 16:10
Gần một năm nay, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện dày đặc một loại xe tải mới chở đất đá với tải trọng lớn khiến nhiều tuyến đường bị hư hại nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.

Cơ quan đăng kiểm chỉ ra rằng, trọng tải của loại xe này là 28 tấn như hồ sơ thiết kế kỹ thuật nếu chở… nửa thùng xe. Thực tế, các tài xế đều phải chở đầy thùng khiến trọng tải xe có thể lên đến 50 tấn. Và khi những đoàn xe này chất đất đá "vun nóc" chạy đua rầm rập ngày đêm, không có con đường nào chịu nổi.

Chỉ trong vòng 30 phút tại chân cầu vượt Hòa Cầm, chúng tôi nhẩm đếm có hơn 80 chiếc xe chở đất đá từ QL14B đổ xuống, từ Phước Tường chạy vào theo tuyến QL1A để đến điểm cuối cùng là Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (Cẩm Lệ). Trong số này, xấp xỉ 1/2 là xe tải Dongfeng bốn trục, được nhập ồ ạt từ Trung Quốc trong thời gian gần đây. Như vậy, những tuyến đường bộ được thiết kế tải trọng H30 hàng ngày phải oằn mình chịu tải trọng của các đoàn xe "siêu trọng" 45 - 50 tấn.

Bằng mắt thường, có thể thấy rõ thùng của loại xe này dài và cao hơn hẳn các loại xe trọng tải 25 - 30 tấn nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, xe do ôtô Trường Hải lắp ráp và cả những hiệu xe khác do Trung Quốc sản xuất. Thông số kỹ thuật thùng xe Dongfeng 4 trục cao 1,5m; hơn các loại xe khác từ 0,15 đến 0,3m. Riêng chiều dài thùng xe lên đến 7,2m, trong khi thùng các loại xe Kamaz, Huyndai xấp xỉ chỉ 5m. Cũng một chuyến xe, nhưng khối lượng đất đá chở được gần gấp đôi, rất có lợi cho nhà thầu san lấp mặt bằng. Đó là lý do khiến các hiệu xe "siêu trọng" được ưa chuộng.

Một tài xế lái xe của Công ty ĐHT khoe doanh nghiệp này là một trong những đơn vị có nhiều xe 4 trục nhất nhì Đà Nẵng với gần 100 chiếc Dongfeng cùng hàng trăm xe tải khác. Cũng vì thế mà xe của đơn vị này xuất hiện với tầng số dày nhất trên các tuyến quốc lộ. Các doanh nghiệp khác như PN, PHG, SA đều có hàng chục xe Dongfeng. Tính sơ bộ có trên dưới 10 doanh nghiệp sử dụng xe Dongfeng 4 trục tham gia san lấp khu đô thị Hòa Xuân và nhiều doanh nghiệp khác cũng sử dụng loại xe này để tham gia thi công các khu đô thị phía Tây Bắc Đà Nẵng.

Với khối lượng san lấp hàng tỷ mét khối đất cát tại các khu đô thị, hệ thống giao thông ở Đà Nẵng nhiều năm nay đã quá tải, nay càng oằn mình bởi những đoàn xe với tải trọng khổng lồ. Nhiều tuyến đường đầu tư hàng trăm tỷ đồng, chỉ sử dụng vài năm là xuống cấp nghiêm trọng phía luồng xe chở đất đá vào thành phố.

Nhiều tuyến đường bị phá nát bởi lưu lượng xe tải trọng lớn dày đặc.

Đơn cử tại cung đường tránh nam đèo Hải Vân, nhiều kilomet đường nát băm và hình thành những "ổ voi" khổng lồ do những chuyến xe quá tải nườm nượp chở đất san lấp mặt bằng cho khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú. Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân cho biết, cung đường này hư hỏng nặng nhất là đoạn đường tại Km3+286 đến Km6+300.

Theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng, mới đây đơn vị phải tiến hành bóc tách, thảm lại nhựa. Nhưng chỉ sau một tháng, đoạn đường lại bị phá nát như cũ.

Là tuyến đường nối liền các mỏ đất núi, QL14B từ Hòa Nhơn về đến cầu vượt Hoà Cầm, mặt đường CMT8 đoạn nối giữa QL14B và QL1A bị biến dạng nghiêm trọng, gây ra nhiều vụ tai nạn cho người điều khiển xe máy. Các đoạn đường này liên tục được sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn là đâu lại vào đấy. Cùng nằm trên "Cung đường đau khổ" này là đoạn QL1A dài khoảng 4km từ Hòa Cầm vào đến Miếu Bông. Đoạn đường này thuộc tuyến Hoà Cầm - Hòa Phước do một đơn vị đầu tư xây dựng và thu phí theo hình thức BOT.

Mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe tải chở đất đá từ Hòa Nhơn, Hoà Sơn, Phước Tường đi qua đoạn đường này để vào khu đô thị Hòa Xuân nhưng không phải nộp cho đơn vị quản lý khai thác đồng nào bởi quãng đường vận chuyển của các xe này nằm bên trong trạm thu phí khiến đơn vị này bị thiệt hại nặng vì phải thường xuyên sửa chữa hư hại, khôi phục mặt đường.

Việc các tuyến đường hư hại nặng, không những gây thiệt hại về kinh tế mà nguy hiểm hơn là tạo ra những nguy cơ, những vụ giao thông nghiêm trọng đối với các phương tiện tham gia giao thông, nhất là đối với người điều khiển xe máy....

Theo Đại úy Nguyễn Cư - cán bộ tuần tra thuộc Phòng CSGT Công an Đà Nẵng tại chốt Hoà Cầm, tình trạng xe quá tải rất phổ biến. Nhiều xe bị phạt liên tiếp 2 - 3 lần nhưng vẫn vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng cảm quan thì khó có thể xử phạt ô tô quá tải, nhất là đối với loại xe Dongfeng "siêu trọng" vì thùng xe không cơi nới, được phủ bạt che kín.

Khi làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, phát hiện xe có dấu hiệu quá tải, CSGT cũng không thể yêu cầu dừng xe để kiểm tra vì với mật độ xe tải dày đặc, sẽ gây ùn tắc giao thông ngay. Số liệu của Phòng CSGT cho thấy từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 60 trường hợp ô tô bị xử phạt vì quá tải, một con số quá "khiêm tốn" so với thực trạng đang diễn ra hàng ngày.

Tại sao xe Dongfeng 4 trục có thể chở gấp đôi tải trọng thiết kế được phép lưu hành? Trung tâm Đăng kiểm cơ giới Đà Nẵng cho rằng thùng xe của Dongfeng tuy lớn nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu về mặt kỹ thuật nên Cục Đăng kiểm phải cấp giấy chứng nhận cho họ. Còn việc giám sát các xe này có chở đúng tải trọng hay không thì trách nhiệm được đẩy về phía thanh tra giao thông, CSGT. Rõ ràng, đây là một bất cập nữa trong những bất cập trong công tác quản lý đăng kiểm, cấp phép lưu hành.

Bởi đối với các xe tự ý cơi nới thùng xe, dẫn đến việc có thể tăng tải trọng so với thiết kế thì bị cấm; còn việc nhà sản xuất chế tạo thùng xe lớn hơn nhiều so với yêu cầu để lái xe có thể "phù phép" tải trọng thì lại được chấp nhận khi đăng kiểm. Nếu không xử lý kiên quyết và tận gốc thì vấn nạn xe quá tải ở Đà Nẵng sẽ tiếp tục gây những thiệt hại to lớn đến hệ thống hạ tầng, làm gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng

Thân Lai
.
.
.