Xe quá tải hoành hành, DN hưởng lợi, giao thông xuống cấp

Thứ Bảy, 23/02/2013, 19:43
Hàng loạt cung đường, cây cầu bị xuống cấp nhanh chóng trong khi mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi đến vài chục tỷ đồng nâng cấp, cải tạo. Đó được xem như một hệ lụy buồn: doanh nghiệp lợi một - Nhà nước thiệt con số trăm xung quanh vấn nạn xe quá tải đang hoành hành trên địa bàn TP Cảng Hải Phòng.

Hiểm họa với những cung đường, cây cầu

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, toàn thành phố hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải chuyên ngành với hơn 6.000 đầu xe kéo moóc, xe container. Cộng với một số lượng lớn nữa các loại xe tải hạng nặng từ ngoại tỉnh tới lui mỗi ngày bốc dỡ hàng hóa, có thể nói, hệ thống giao thông đường bộ ở Hải Phòng đang phải gánh một áp lực chưa từng có về vấn nạn xe quá tải gây xuống cấp rất nhanh và nghiêm trọng cho từng cung đường, cây cầu.

Có thể thấy ngay, do cạnh tranh về doanh thu, tăng thu giảm chi, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải chấp nhận vận chuyển quá tải. Gần như tất cả những tuyến giao thông cho phép xe tải lớn đang lưu thông như: QL5, QL10, QL10 (cũ) - giờ là tỉnh lộ 360, đường vào Cảng Đình Vũ, đường Lê Thánh Tông, tỉnh lộ 355, đường Lê Lai, đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Lê Hồng Phong... mặt bị cày xới, mấp mô, lồi lõm, ẩn họa những vụ tai nạn giao thông khó lường.

Theo cơ quan chức năng, thông thường, xe quá tải thường dính vào 2 lỗi. Đó là quá trọng tải của xe và quá trọng tải của cầu, đường. Thực tế kiểm tra cân tải trọng xe cho thấy, có tới trên 70% phương tiện vi phạm vào 2 lỗi này là những xe siêu trường, siêu trọng.

Theo Đội trưởng Đội TTGT số 1 Vũ Ngọc Văn, xe quá tải không chỉ làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông mà nguy cơ  mất  an toàn giao thông cao hơn bất kỳ phương tiện nào khác. Thứ nhất, xe quá tải khi đang chạy, hệ thống phanh sẽ không được đạt chuẩn như thiết kế ban đầu. Do đó, khi chạy với tốc độ cao, gặp chướng ngại vật, lái xe sẽ không dám phanh gấp vì sợ hàng hóa chở sẽ bị dồn lên. Xe quá tải theo quán tính còn trượt thêm một đoạn nữa (độ dài tùy theo tốc độ), nên người đi đường gặp nguy hiểm. Thứ hai, khi xe chở quá tải, hệ thống lái cũng không đạt chuẩn và lái xe cũng không dám đánh tay lái vì sợ lật xe. Vì vậy, họ sẽ cố gắng giữ thẳng lái để xe không bị lật, còn việc có đâm vào đâu hay không là tùy thuộc vào... ý trời!

Nhiều tuyến đường Hải Phòng bị “băm nát” bởi tình trạng xe quá tải hoạt động rầm rộ.

Đường đã vậy, cầu còn thê thảm hơn, những đợt rung lắc do xe quá tải gây ra khiến những cây cầu trọng điểm ở nội thành như cầu vượt Lạch Tray, cầu An Đồng, cầu Kiền, cầu Niệm... và tại khu vực ngoại thành như cầu Vàng, cầu Tiên Cựu, Quý Cao, cầu Đá bạc... cũng nằm trong tình trạng phải sửa chữa gấp. Mặt đường gồ ghề, cầu trở nên yếu, đó là thảm họa đối với người tham gia giao thông. Như vậy, việc xe chở quá tải trên địa bàn thành phố đang diễn ra cảnh “quýt làm cam chịu”. Doanh nghiệp nghiễm nhiên hưởng lợi còn Nhà nước thì thiệt ngân sách vì phải đầu tư khắc phục hậu quả.

Thiếu đồng bộ, kiên quyết trong kiểm tra, xử lý?

Theo Nghị định 71/CP, lái xe chở quá tải trên 40% sẽ bị phạt 4 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Tuy nhiên, việc các vi phạm quá tải trên các cung đường ở Hải Phòng dường như vẫn không mang lại hiệu quả tích cực như trông đợi. Được biết, kiểm soát xe quá tải hiện có 2 lực lượng là Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT). Thế nhưng, 2 lực lượng này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vì cả 2 cùng có khiếm khuyết. Phía CSGT thì có người nhưng thiếu phương tiện, còn TTGT có phương tiện nhưng lại... thiếu người. Việc phối hợp chủ động với nhau không phải ngày nào, tuần nào cũng diễn ra. Đặc biệt, tại một số tuyến đường ra vào cảng biển Hải Phòng hầu như bị bỏ ngỏ, chưa được kiểm soát chặt chẽ do doanh nghiệp không chịu hợp tác. Cái khó và cũng là cái “lý” của việc kiểm tra xe quá tải là cần phải hài hòa giữa xử lý với việc giải phóng hàng hóa từ hệ thống cảng biển Hải Phòng...

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng, ước tính sơ bộ, các tuyến đường trọng điểm vận chuyển hàng hóa trong toàn thành phố có tới 20-50% xe quá tải. Lúc cao điểm lên tới 80%. Đáng nói, không phải tuyến đường nào TTGT cũng có thể đặt điểm cân xe mà còn phải tùy thuộc vào những tuyến đường có đường thoát (tức là tránh bị tắc đường nếu tổ chức cân). Việc đặt cân xe có thể xử phạt được người lái và phương tiện, song vì cả thành phố không có điểm hạ tải nên xử phạt rồi vẫn phải cho đi. Vì thế, tuy có thể biết được xe quá tải nhưng không thể hạ được tải thì vẫn không thể kiểm soát được xe.

Còn theo một số doanh nghiệp, mức xử phạt tuy cao nhưng giá trị vận chuyển 1 chuyến hàng còn có thể cao hơn và vẫn có lãi. Thậm chí, nếu xử phạt lái xe này, có lái xe khách sẵn sàng thay thế và không bị dỡ hàng xuống. Thậm chí còn đối phó bằng cách, khi phát hiện có TTGT tổ chức cân xe bên ngoài, các xe sẽ ở lại trong cảng, chỉ khi nào TTGT rút, xe mới chạy. hậu quả của sự vô lương tâm này là các tuyến đường trong thành phố tiếp tục bị tàn phá, hàng năm, ngân sách bỏ ra càng lớn.

Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT – ông Đinh Viết Hùng, ở góc độ luật pháp, hiện chưa có quy định xử phạt chủ phương tiện và chủ hàng vận chuyển xe quá tải. Điều này khiến tình trạng xe quá tải không những không giảm mà còn có chiều hướng phức tạp hơn.

Vấn nạn xe quá tải gây ra không chỉ thiệt hại cho Hải Phòng mà hệ thống giao thông của cả nước cũng đang bị tàn phá. Việc xử lý rõ ràng đang cần sự đồng bộ, quyết liệt và phải trừ tận gốc. Chỉ khi nào có quy định xử phạt xe quá tải sẽ xử phạt cả chủ hàng, chủ xe, khi ấy tình trạng xe quá tải mới chấm dứt và ngân sách nhà nước mới giảm bớt lãng phí

Mai Lâm
.
.
.