"Xẻ" núi, khai thác trộm đá

Thứ Bảy, 04/10/2008, 12:06
Tại núi Đồng Quàng (Hà Nam), việc khai thác đá diễn ra nhộn nhịp. Nhìn đống máy móc ngổn ngang dọc đường, bà Lê Thị My, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Sơn nói rằng chỉ để tạm máy móc đấy nhưng không hề khai thác đá. Tuy nhiên, khi đến khu vực khai thác đá thì thực tế lại khác xa so với lời bà giám đốc…

Trong 2 ngày 29 và 30/9, đoàn kiểm tra gồm lực lượng Đội 2, Phòng 3, Cục Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đồng loạt kiểm tra, khảo sát thực tế việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân, trụ sở tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; Công ty cổ phần Vĩnh Sơn, trụ sở tại xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Bước đầu, đoàn công tác đã lập biên bản và sẽ có những kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam trong thời gian tới để việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của 2 công ty nêu trên diễn ra theo đúng luật, từ đó các doanh nghiệp khắc phục những vi phạm để tiếp tục sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

"Xẻ thịt" núi để khai thác trộm đá

Từ thị xã Phủ Lý (Hà Nam), chúng tôi đi theo con đường dẫn đến xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng để tìm hiểu về công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Vĩnh Sơn.

Men theo con đường từ khu vực Đền, qua khu vực tường bao của Nhà máy Xi măng Tiên Sơn (Hà Nội), chúng tôi đến núi Đồng Quàng. Nơi đây, việc khai thác đá đang diễn ra nhộn nhịp.

Trên đường đi, nhìn đống máy móc ngổn ngang dọc đường, bà Lê Thị My, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Sơn nói rằng chỉ để tạm máy móc đấy nhưng không hề khai thác đá. Tuy nhiên, khi đến khu vực khai thác đá thì thực tế lại khác xa so với lời bà giám đốc.

Bà My nhìn số công nhân đang làm việc ở sườn núi, nhanh nhảu phân bua rằng nơi sườn núi đang có công nhân khai thác đá không phải là công nhân của Công ty Vĩnh Sơn mà là của Nhà máy Xi măng Tiên Sơn.

Chúng tôi nói rằng, đoàn kiểm tra đã từng làm việc với Nhà máy Xi măng Tiên Sơn và theo tìm hiểu thì khu vực công nhân đang khai thác đá là của nhà máy nhưng hiện tại đã hết hạn khai thác, chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Bà My lại phân bua chỉ mượn tạm khu vực của Nhà máy Xi măng Tiên Sơn làm nơi tập kết xe ôtô và đập đá. Trước thái độ quanh co của bà Giám đốc, Trưởng đoàn kiểm tra đã chỉ ra những vi phạm, cụ thể là khai thác trộm đá ở sườn núi, nơi không được cấp phép thì bà My mới im lặng.

Sau một hồi quanh co, cuối cùng bà Giám đốc cũng buộc phải ký vào biên bản và khăng khăng khẳng định rằng, từ ngày mai sẽ chấm dứt hoạt động khai thác đá trái phép.

Trước đó, nhân dân quanh khu vực đã có đơn thư phản ánh về việc Công ty cổ phần Vĩnh Sơn thuộc xã Tân Sơn, giáp ranh với quần thể di tích chùa Hương và đền Đức Thánh Cả (Hà Nội) ngang nhiên khai thác đá trái phép, "xẻ thịt" núi, làm mất cảnh đẹp thiên nhiên, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân trong vùng…

Sản xuất vào đêm vẫn gây ô nhiễm môi trường

Khi đoàn công tác đến Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân, trụ sở tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng thì nơi đây đang mất điện, phải tạm dừng sản xuất.

Giám đốc Công ty phân trần rằng đã 10 ngày qua, nhà máy bị cắt điện ban ngày, chỉ đêm mới có nên công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đoàn công tác đã yêu cầu Công ty cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà máy cũng như công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tiến hành khảo sát thực tế.

Quá trình kiểm tra thực tế và tại hiện trường cho thấy, Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân đã vi phạm như sau: Chưa có hệ thống xử lý khí thải và các biện pháp giảm thiểu bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất; giám sát môi trường chưa đúng tần suất; chưa đăng ký chủ nguồn thải, chưa có hợp đồng thu gom chất thải nguy hại với cơ quan chức năng…

Bước đầu, đại diện công ty thừa nhận một số vấn đề còn thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường và cam kết sẽ khắc phục…

Anh Hiếu
.
.
.