Xe máy Honda "loạn" giá: Khi quyền lợi người tiêu dùng là… thứ yếu

Thứ Tư, 16/09/2009, 20:50
Việc sản phẩm xe máy Honda tăng giá vô tội vạ trong khi thị trường không hề khan hiếm hàng không chỉ là vấn đề về đạo đức kinh doanh mà còn đặt ra một câu hỏi lớn: Vì sao các cơ quan chức năng lại để cho người tiêu dùng bị móc túi một cách công khai và Nhà nước thất thu thuế trong một thời gian dài như vậy?

Méo mặt vì đang từ "thượng đế" trở thành... "ăn mày"

PV Chuyên đề ANTG khảo sát tại nhiều điểm bán sản phẩm xe máy Honda, có gắn biểu tượng hãng và biển báo cửa hàng HEAD (cửa hàng ủy nhiệm của Hãng Honda). Mặt hàng đang "hot" nhất là xe Air Blade FI (loại này khác với xe Air Blade thường ở hệ thống phun xăng điện tử). Tại cửa hàng HEAD trên đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội, mặt hàng xe Air Blade cũng là mặt hàng được nhiều người tìm mua và PV ANTG đã chứng kiến tương đối nhiều khách hàng tiu nghỉu ra về chỉ vì giá xe bán không được như quảng cáo.

Một chiếc xe Air Blade FI màu đen pha bạc có giá thông báo trên website chính thức của Công ty Honda Việt Nam là 31.990.000 đồng. Tuy nhiên, cửa hàng này lại báo giá là 37 triệu đồng chẵn, tức là cao hơn mức giá công bố hơn 5 triệu đồng. Hầu hết khách hàng thắc mắc đều được nhân viên ở đây giải thích: "Đó chỉ là mức giá đề xuất thôi, còn bây giờ ở đâu người ta cũng bán trên 37 triệu đồng".

Khi đề cập đến mức giá sẽ ghi trên hóa đơn để nộp thuế giá trị gia tăng (5%) thì nhân viên bán hàng cho biết hóa đơn sẽ được ghi đúng với mức giá... đề xuất 31.990.000 đồng.

Chúng tôi yêu cầu hóa đơn phải được ghi đúng như giá xe thực tế 37 triệu đồng, thì nhân viên ở đây chỉ ngay cho chúng tôi một mối lợi bé bằng... sợi tóc: "Bọn em ghi như thế cũng là tốt cho khách hàng đấy chứ! Nếu ghi 37 triệu đồng anh sẽ phải đóng 1.850.000 đồng tiền VAT, ghi 32 triệu thì anh chỉ phải đóng có 1,6 triệu đồng thôi. Hơn đến 250 nghìn đồng chứ không ít". Tuy vậy khi chúng tôi kiên quyết ghi theo đúng giá thực tế thì nhân viên bán hàng cương quyết chỉ ghi đúng mức giá đề xuất, sau đó thì lảng đi, quay sang giới thiệu xe cho khách hàng khác.

Để sở hữu được một chiếc xe Air Blade FI người tiêu dùng sẽ phải mất đến gần 40 triệu đồng (37 triệu tiền xe +1,6 triệu tiền VAT + 1 triệu đồng lệ phí đăng ký làm biển + 300 nghìn tiền dịch vụ nếu nhờ nhân viên cửa hàng làm hộ thủ tục đăng ký). Như vậy, cứ mỗi chiếc xe Air Blade bán ra, không chỉ người tiêu dùng mất thêm hơn 5 triệu đồng mà Nhà nước còn thất thu 250 nghìn đồng tiền thuế.

Cũng có mặt tại cửa hàng HEAD bán sản phẩm Honda, chúng tôi gặp ông Bùi Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) đang ngán ngẩm vì mang tiền đi mua xe cho con thiếu đến... 5 triệu đồng. Con gái của ông Tiến năm nay đỗ đại học và cả nhà đã hứa phần thưởng sẽ là một chiếc xe máy để cháu đi lại hàng ngày vì khoảng cách từ nhà đến Trường ĐH KHXH&NV khá xa. "Thú thật là tôi đã dành dụm tiền lương hưu gần 1 năm nay để thực hiện lời hứa với cháu. Dành được 30 triệu, xem trên mạng, trang web của Honda Việt Nam quảng cáo là 32 triệu đồng nên phải đi vay thêm 2 triệu nữa. Tôi đi nhiều cửa hàng lắm rồi, nghe nói ở đây hay bán rẻ mà vẫn thiếu 5 triệu đồng. Có lẽ đành thất hứa với cháu thôi. Hoặc là đi xe buýt đi học hoặc là mua xe của hãng khác chứ thiếu nhiều thế này chắc nhà tôi không kham được".

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chúng tôi gặp không dưới 5 trường hợp mua xe... hụt như ông Tiến, thậm chí có người còn bê cả cọc tiền mặt đi nhưng không đủ rồi lại bê về.

Đây là khảo sát ở cửa hàng bán sản phẩm Honda được cho là rẻ nhất ở Hà Nội (thông thường rẻ hơn vài trăm nghìn so với giá thị trường). Mức giá cho xe Honda Air Blade tại cửa hàng này mặc dù đã được đẩy lên cao nhưng vẫn được cho là khá mềm so với các cửa hàng khác.

Khảo sát tại một loạt các cửa hàng HEAD trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy: giá xe Air Blade được đẩy lên chênh lệch so với giá đề xuất từ 6-7 triệu đồng. Có một điều lạ là giá bán cao như vậy nhưng không phải do mặt hàng xe Honda này khan hiếm. Hầu như cửa hàng HEAD nào cũng có vài chiếc xe Air Blade bày bán. Không chỉ mẫu xe Air Blade mới có giá cao hơn mức giá đề xuất mà các mẫu xe khác giá bán cũng cao hơn, tuy nhiên tiền chênh lệch khi mua các mẫu xe cũ không nhiều.

Một số mẫu xe khác của Honda Việt Nam như Wave Alpha, giá công bố của nhà sản xuất là 13.390.000 đồng thì các đại lý tại Hà Nội đang bán ra ở mức 15.390.000 đồng đến 16.200.000 đồng/chiếc. Mẫu xe Wave RSX phiên bản vành đúc giá công bố của nhà máy là 17.900.000 đồng/xe thì các cửa hàng đang bán ra mức 20.000.000 đồng, mẫu xe Wave RS vành đúc giá bán 17.990.000 đồng thì các cửa hàng bán ra mức 18.500.000 đồng/xe.

Theo số liệu của Công ty Honda Việt Nam thì từ tháng 1 đến tháng 7-2009, công ty này đã xuất xưởng 719 nghìn xe các loại. Với số lượng sản phẩm lớn như vậy được bán ra thị trường thông qua các HEAD, số tiền Nhà nước thất thu thuế rõ ràng không nhỏ và số tiền người tiêu dùng bị móc túi thì lại càng... khủng khiếp.

Về các cửa hàng HEAD của Honda, chúng tôi xin trích nguyên giải thích của Công ty Honda Việt Nam trên website chính thức: "Mạng lưới các cửa hàng HEAD (Cửa hàng Bán xe và Dịch vụ do Honda ủy nhiệm) của Honda Việt Nam được xây dựng trên khắp đất nước để khách hàng có thể dễ dàng mua được các sản phẩm chính hiệu của Honda Việt Nam". Kèm theo lời giải thích này là những hình ảnh các nhân viên HEAD niềm nở trao chìa khóa cho khách hàng (đối lập hoàn toàn với cảnh khách hàng "méo mặt" vì phải mất thêm tiền oan thực tế đang diễn ra ở các cửa hàng ủy nhiệm). Người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm của Honda Việt Nam vẫn quen với việc mua, bảo hành, bảo dưỡng ở hệ thống HEAD.

Giới kinh doanh vẫn có khẩu hiệu "khách hàng là thượng đế". Trong trường hợp này, có lẽ phải nói "khách hàng là ăn mày" mới đúng?

Đã thành... hệ thống?

Về việc sản phẩm xe máy Honda loạn giá trên thị trường được cho là... đã thành hệ thống. Cứ mỗi lần hãng này ra một sản phẩm mới thì y như rằng sẽ tạo ra một cơn sốt về sản phẩm, sốt ở đây cũng không hẳn về chất lượng sản phẩm hay do khan hàng mà là một... cơn sốt ảo.

Khởi đầu cho dạng khát ảo này có thể được bắt đầu từ lúc xe Honda Wave Alpha ra đời cách đây khoảng 7-8 năm. Thời điểm đó chiếc xe được chào giá gần 11 triệu đồng nhưng thực tế khách hàng phải mua với giá cao hơn khoảng 2 triệu đồng. Chưa hết, muốn có xe thì phải đặt mua, đặt cọc tiền trước cả tháng trời.

Khách hàng bị "móc túi" ngay tại các cửa hàng do Honda ủy nhiệm.

Bẵng đi một thời gian, những cơn sốt giá ảo của xe Honda lại bùng lên với loại xe tay ga LEAD. Cơn sốt này diễn ra từ đầu năm 2009 và dư luận cũng sôi sục lên vì không hiểu sao giá xe lại tăng một cách phi lý như vậy?! Dư luận chưa hết bức xúc, được vài tháng, cơn sốt ảo LEAD chưa "xẹp" hẳn thì cơn sốt Air Blade lại bùng lên và còn mạnh hơn cả cơn sốt LEAD. Cơn sốt LEAD còn có thể viện vào cớ thiếu xe nhưng chuyện của xe Air Blade lại khác hẳn: xe Air Blade được bày bán nhan nhản khắp các mạng lưới cửa hàng ủy nhiệm của Honda, không có dấu hiệu gì của việc khan hiếm.

Các diễn đàn trên mạng Internet nhận được vô số lời than phiền vì chuyện phải mua xe Honda loạn giá, nhiều người tỏ ra tức giận về việc khách hàng bị móc túi, bị coi thường. Có nhiều luồng ý kiến đòi tẩy chay sản phẩm vì cho rằng Honda Việt Nam tham gia vào "liên minh làm giá". Vậy có hay không chuyện Honda Việt Nam bắt tay với các HEAD, bỏ rơi người tiêu dùng?

Đã 3-4 tháng nay người tiêu dùng Việt Nam bị "quay tiền" bởi sản phẩm Air Blade nhưng tuyệt nhiên chưa có một vụ việc nào các cơ quan chức năng xử lý các HAED vì tăng giá vô tội vạ và... làm thất thu thuế.

Từ nhiều tháng nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của người tiêu dùng khắp cả nước về tình trạng xe Honda "loạn" giá.

Trao đổi với PV ANTG, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chánh Văn phòng VINASTAS cho biết cơ quan này đã có công văn gửi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) và Công ty Honda Việt Nam để làm rõ những thắc mắc của người tiêu dùng. Công ty Honda Việt Nam giải thích bằng công văn cho biết: hợp đồng mua bán sản phẩm giữa Honda Việt Nam và các HEAD là hợp đồng mua đứt bán đoạn, vậy nên Honda không có quyền can thiệp và việc định giá cho sản phẩm mà chỉ có đưa ra mức giá... đề nghị. Tức là các HEAD không phải là các đại lý của Honda lập nên mà là các nhà phân phối độc lập.

Tuy nhiên, cũng đã có những điểm khó hiểu trong hợp đồng ký kết giữa Honda Việt Nam với các HEAD được bộc lộ: đó là Honda tuy một mặt đề xuất bán theo giá hãng đề nghị, song mặt khác, lại chỉ coi các HEAD là nhà phân phối.

Theo Luật Cạnh tranh, khái niệm phân phối và đại lý hoàn toàn khác nhau. Nếu là đại lý thì HEAD bán hàng theo giá của hãng và chỉ ăn hoa hồng mà không được quyền tăng giá bán. Còn nếu là nhà phân phối thì họ có thể mua một sản lượng nhất định của Honda sau đó bán với giá tùy thích.

Ông Sơn cho rằng: "Nếu xét về đạo đức kinh doanh, văn minh doanh nghiệp vì cộng đồng, trong trường hợp này chúng tôi cho là khó có thể biện minh được. Hiện chưa chứng minh được họ có tham gia "liên minh làm giá" người tiêu dùng hay không, việc này phải chờ các cơ quan chức năng điều tra. Nhưng có một điều mà chúng ta khẳng định rõ ràng: họ biết "thượng đế" của mình đang bị móc túi".

Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin từ các cơ quan chức năng và đón nhận những phản hồi của độc giả về vấn đề này để làm sáng tỏ việc: Honda có tham gia vào "liên minh làm giá" hay không và ai phải chịu trách nhiệm trước việc người dân bị móc túi, Nhà nước bị thất thu thuế diễn ra một cách "có hệ thống" này

Hoàng Thắng
.
.
.