Xe khách miền Trung: Đi vào “nhét" khách, đi ra… “khuyến mãi”

Thứ Tư, 04/02/2009, 13:16
Theo các chủ xe ở miền Trung, họ chỉ chạy được 1 chiều, tức là chiều từ Bắc vào Nam thì "nêm" khách, còn ngược lại thì xe vắng hoe. Vì thế, các chủ xe tranh thủ mấy ngày sau Tết chạy "quay đầu" để bù lại chi phí cho chiều ngược lại. Hoặc đã có nhiều chủ xe đưa ra hình thức "khuyến mãi" khách hàng là nếu hành khách đi chiều Nam ra Bắc sẽ được giảm giá vé 30% cộng với khăn lau, nước uống.

Cùng với sự sôi động vận tải khách tại bến xe các tỉnh phía Bắc, tại miền Trung, vận tải khách các tuyến liên tỉnh sôi động từ mùng 6 Tết. Tuy nhiên, theo đánh giá thì năm nay lượng khách đi các tuyến đường dài sau Tết giảm hơn nhiều so với mọi năm.

Tấp nập khách tại các bến xe liên tỉnh

Từ ngày mùng 6 Tết, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách trên địa bàn phải huy động tối đa phương tiện mới đáp ứng được nhu cầu đi các tỉnh phía Nam của hành khách.

Tại Bến xe phía Nam Thừa Thiên - Huế, vận tải khách sôi động từ mùng 4 Tết Kỷ Sửu (29/1). Theo ghi nhận, lượng hành khách tại Huế trở lại miền Nam làm việc sau khi về quê ăn Tết bắt đầu tăng đột biến, Bến xe phía Nam TP Huế tăng cường gấp đôi lượng xe khách phục vụ người dân đi lại sau Tết. Giá vé chiều vào Nam cũng tăng 60% so với ngày thường. Theo thống kê, mỗi ngày tại bến xe phía Nam có trên 60 xe chạy tuyến Huế - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuyến Huế - Đà Nẵng cũng có gần 60 xe khách vận hành liên tục... Vì thế, việc chủ động phương tiện, tăng cường lượng xe khách phục vụ người dân của Bến xe phía Nam Huế đã cơ bản giải quyết vấn đề ùn ứ hành khách tại bến, giảm thiểu tình trạng nhà xe ép giá, nhồi nhét khách trái quy định. Theo đánh giá thì phải sau ngày 16 tháng Giêng, lượng hành khách từ Huế vào miền Nam mới trở lại bình thường.

Tại các bến xe Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị), Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng… lượng hành khách đi lại các tuyến đường ngắn cũng sôi động không kém.

Tại Bến xe Đông Hà sáng mùng 8 Tết, lượng hành khách đi Huế, Đà Nẵng… tăng gấp 2 lần so với ngày thường, tuy nhiên các tuyến đường dài đi TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông thì lượng khách vẫn không nhiều. Theo thống kê, hiện tại tuyến Đông Hà - Đà Nẵng và ngược lại có trên 80 xe khách hoạt động đúng tuyến. Tuy nhiên, theo tâm sự của các chủ xe thì họ chỉ chạy được 1 chiều, tức là chiều từ Bắc vào Nam thì "nêm" khách, còn ngược lại thì xe vắng hoe. Vì thế, các chủ xe tranh thủ mấy ngày sau Tết chạy "quay đầu" để bù lại chi phí cho chiều ngược lại. Hoặc đã có nhiều chủ xe đưa ra hình thức "khuyến mãi" khách hàng là nếu hành khách đi chiều Nam ra Bắc sẽ được giảm giá vé 30% cộng với khăn lau, nước uống.

Ghi nhận tại TP Đà Nẵng, lượng khách sau Tết đông nhất vẫn là các tuyến xe buýt đi Hội An và Tam Kỳ (Quảng Nam). Mặc dù ngành Vận tải đã tăng từ 32 chuyến lên 40 chuyến/ngày nhưng có nhiều chuyến hành khách phải chen chúc và không có chỗ ngồi.

Bên cạnh sự sôi động vận tải khách đường bộ, ngành Đường sắt cũng tấp nập hành khách. Tại ga Đà Nẵng, không khí khá sôi động ngay từ mồng 2 Tết. Mặc dù các tàu SE1, SE2, SE3, SE4, SE5 và SE7 cùng  tàu VQ đi Vinh vẫn hoạt động bình thường, không nghỉ Tết, nhưng đều đông khách. Từ ngày 29-1, có thêm các tàu từ TN1 đến TN5 hoạt động trở lại, sau đó sẽ bổ sung thêm các tàu từ TN7 đến TN13. Đây là các chuyến tàu vé đã được bán từ trước Tết. Hiện nay ga Đà Nẵng đang bán bổ sung một số ghế còn trống.

Xử phạt xe khách vi phạm: Vẫn "du di"

Tại thời điểm này hiếm có xe khách nào chạy từ Bắc vào Nam mà không vi phạm chở quá số người quy định. Tuy nhiên, dường như điệp khúc trước và sau Tết vận tải khách luôn nóng bỏng đã thành thông lệ, vì thế các ngành chức năng hay "du di" cho qua. Điều này cũng dễ hiểu vì xét cho cùng để sắm được một phương tiện chở khách, chủ phương tiện phải bỏ vốn rất lớn, phải vay vốn ngân hàng, vì thế họ "kiếm chác" mấy ngày trước và sau Tết để bù trừ trong năm cũng là bình thường.

Trên chuyến xe khách chất lượng cao loại 32 ghế ngồi từ Đông Hà vào Đà Nẵng, chúng tôi đếm được gần 50 hành khách đang "được nhét" nhưng vẫn vui vẻ với nhà xe vì xe nào cũng thế.

Được biết, khi bị CSGT kiểm tra thì các chủ xe thường có nhiều "bài" để nài nỉ van xin, để không bị phạt. Ví dụ như khi gặp CSGT Đà Nẵng thì "bịa" ra là "xe em vừa mới bị CSGT Huế lập biên bản xong, anh cho qua đi, đừng lập biên bản nữa tội em", hoặc có chủ xe còn "cao tay" hơn là… bỗng dưng khóc lóc, kể nào là trong năm chạy ít khách, rồi bị lập biên bản nhiều… thế nhưng khi lên xe mặt lại tỉnh bơ. Nên đa số CSGT thường cho qua, chỉ có xe nào vi phạm trắng trợn hoặc quá mức cho phép mới xử phạt nghiêm minh. Âu đó cũng là vì sự mưu sinh của từng người.

Vì thế, suốt cuộc hành trình từ Đông Hà vào Đà Nẵng gần 300km, xe khách chất lượng cao loại 32 ghế ngồi chở gần 50 hành khách vẫn ung dung về bến an toàn, không một biên bản xử phạt hay một hình thức xử lý từ các cơ quan chức năng nào

Trần Ánh
.
.
.