Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân giao lưu trực tuyến về Giáo dục - Đào tạo trước thềm năm học mới:

Xây nền giáo dục hiện đại, tiên tiến

Thứ Ba, 01/09/2009, 12:03

Đã có gần 100 câu hỏi mà đông đảo dư luận quan tâm được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời một cách thẳng thắn trong buổi đối thoại trực tuyến "Giáo dục - Đào tạo Việt Nam trước thềm năm học mới" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cục CNTT Bộ GD&ĐT và Báo Điện tử Dân trí tổ chức chiều 31/8, tại Hà Nội. Đổi mới toàn diện cách dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục từ năm học này trở đi.

Nhiều câu hỏi tập trung quan tâm đến tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 có phản ánh đúng thực chất? Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn trả lời: Khi kết thúc kỳ thi 2006-2007, thấy trắng trường phao thi, Bộ GD&ĐT đã đặt ra nhiều câu hỏi và quyết định chọn hướng đột phá "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử". Khởi đầu làm thế nào để học sinh hiểu được giá trị, năng lực làm người chứ không phải bằng mọi giá để có được tấm bằng. Sau 3 năm, thi cử diễn ra nghiêm túc, đã không còn cảnh bắc thang, trèo bờ tường.

Năm 2007, cả nước có 2.600 học sinh vi phạm qui chế, năm vừa rồi giảm còn 299 em vi phạm. Học sinh đã tập trung cho học chứ không trông đợi vào tiêu cực, giáo viên cũng không còn vi phạm, từ 35 giáo viên vi phạm xuống còn 3. Tỷ lệ bỏ học giảm 81%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 là 66,7%, năm 2008 là 76%, năm 2009 là  88,3% .Với đà này lên năm 2010 đạt trên 90%. Trật tự, kỷ cương trong học tập và thi cử được lập lại.

Các câu hỏi được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời thẳng thắn.

Nghề giáo không phải là nghề để có thu nhập cao

Trước câu hỏi mang tính thời sự về tình trạng đội ngũ giảng viên trẻ, có năng lực đang có xu hướng chuyển sang các ngành nghề khác để có thu nhập cao hơn, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Đã chọn nghề giáo thì ít nhất cũng có lòng yêu nghề. Để giữ chân thầy giỏi, chính sách Nhà nước cần tạo đủ sức hấp dẫn để họ có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT đã có chủ trương đào tạo tiến sỹ, đưa giảng viên đi nước ngoài học tiến sỹ không mất tiền. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần điều chỉnh. Sắp tới, sẽ có phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Ngoài ra, nghề giáo được tôn vinh về xã hội với các danh hiệu của nhà giáo, được phụ huynh và học sinh yêu quí. Chọn làm nghề giáo để có thu nhập cao nhất thì sẽ không đạt được.

Đến năm 2010, phải xây đủ nhà vệ sinh trong các trường học

Chuyện tưởng nhỏ là nhà vệ sinh trong trường học lại được đặt hỏi nhiều nhất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến năm 2010, các trường ở tất cả các địa phương phải xây dựng đủ nhà vệ sinh. Đến thời điểm này đã có 81% số trường đã có nhà vệ sinh, 3/4 trong số đó là nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá "trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Giáo dục phổ thông là giáo dục làm người

Đào tạo học sinh phổ thông để có được năng lực thực sự bước vào đời. Đấy là mục tiêu đang được Bộ GD&ĐT triển khai, chăm lo giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh. Giáo dục phổ thông là giáo dục làm người: có trình độ, hiểu biết khoa học kỹ thuật, có tình yêu đất nước, tôn trọng các giá trị văn hóa lịch sử. Năm học này vận động trong các trường đại học, cao đẳng phong trào "Sinh viên không tiêu cực trong thi cử" và "Thầy cô giáo không chấp nhận tiêu cực trong sinh viên". Hình thành được cơ chế giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh là một trong những điều tôi tâm đắc nhất trong thời gian 3 năm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng có chịu đi thực tế không?

Câu hỏi thẳng thắn này được Bộ trưởng rất tâm đắc. Ông khẳng định, số lượng trường quá lớn, đã phân cho các đồng chí Thứ trưởng chuyên trách. Nhưng mỗi lần đi địa phương, ông đều tranh thủ gặp, nghe và thảo luận với các thầy cô. Đây là một kênh rất hiệu quả để có thể kiểm nghiệm được hiệu quả của công tác chỉ đạo, quản lý và tiếp tục sáng tạo. Một lần đi trao xe đạp cho học sinh ở Cà Mau, thấy cậu học trò dắt xe đạp mà chỉ cao hơn ghi đông xe một chút, mới thấy học sinh suy dinh dưỡng còn nhiều quá. Xã hội và ngành Giáo dục không chỉ tạo điều kiện để tất cả học sinh Việt Nam đủ ăn, đủ mặc để đi học mà còn phải tích cực chống suy dinh dưỡng. Đi thực tế học được rất nhiều, an tâm hơn trong việc chỉ đạo

Sẽ có nhiều chương trình đào tạo ở bậc đại học được dạy bằng tiếng Anh

Trước nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, để chủ động đưa nền kinh tế đất nước hội nhập sâu vào tiến trình toàn cầu hóa, Bộ GD-ĐT đã trình và được Thủ tướng phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020. Căn cứ trên đề án này, Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Đề án đã được thành lập và Bộ GD&ĐT đang hoàn chỉnh Đề án dạy và học tiếng Anh là một trong những đề án lớn trong đề án chung về dạy và học ngoại ngữ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào tháng 9 này. Đề án đã nêu ra những nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu tập trung vào xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy, vấn đề thi, kiểm tra, đánh giá để chuyển hẳn việc dạy tiếng Anh như một môn học thành dạy một công cụ giao tiếp và phục vụ việc học tập của học sinh.

Trong thời gian tới, môn Toán và một số môn học sẽ được dạy bằng tiếng Anh. Đến năm 2013, nhiều trường đại học sẽ dạy một phần hoặc toàn bộ các chương trình chuyên ngành (quản trị kinh doanh, du lịch, công nghệ thông tin, kế toán, kiểm toán…) sang giảng dạy bằng tiếng Anh. Chúng tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ có nhiều chương trình quốc tế ở bậc đại học dạy bằng tiếng Anh cho các chuyên ngành khoa học khác.

Các Sở GD&ĐT có trách nhiệm "đón" các giáo viên tình nguyện dạy học ở vùng sâu vùng xa trở về

10 năm qua có chủ trương đưa giáo viên mới tốt nghiệp ra trường đi công tác vùng cao, nam 5 năm, nữ 3 năm rồi trở về giảng dạy tại trường ở địa phương cũ. Từ năm học vừa rồi, mỗi năm giảng dạy ở vùng cao được tính bằng 1,5 năm. Những người gốc ở đâu đi thì Sở GD&ĐT địa phương phải có trách nhiệm phải đón các thầy cô giáo trở về

Thu Uyên
.
.
.