Tp.HCM:

Xây kè chống sạt lở ở bán đảo Thanh Đa

Thứ Năm, 16/06/2005, 07:27

Trước thực trạng sạt lở ở khu vực bán đảo Thanh Đa, ông Hà Văn Dũng, Giám đốc Sở Giao thông công chính, đồng ý ưu tiên xây dựng bờ kè để chống sạt lở ở khu vực cầu Kinh và một số khu vực nguy hiểm.

Ngày 8/6, vụ sạt lở đầu tiên trong năm nay ở khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã làm sập toàn bộ bờ kè dài 40m (với kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng), phá huỷ toàn bộ công trình xây dựng gồm một nhà thuỷ tạ, một nhà lồng và làm sạt lở khu đất rộng khoảng 1.500m2 tại CLB Lý Hoàng (đường Bình Qưới, phường 27). Nhiều vết nứt mới cũng đã xuất hiện dọc bờ sông Sài Gòn, ăn sâu vào đất liền khiến các hộ dân ngụ ở khu vực gần đó có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng này, ông Tần Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đã yêu cầu UBND phường 27 khẩn trương làm việc với các hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm không được ở lại đêm và hỗ trợ chi phí để họ tìm nơi tạm cư an toàn.

Bà Dương Thuý Mậu, Chủ tịch UBND phường 27 cho biết: Các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao ở địa bàn phường gồm 49 hộ nhưng đến nay chỉ có 10 hộ ở khu vực sạt lở CLB Lý Hoàng chịu nhận tiền hỗ trợ để tìm chỗ ở khác, số còn lại vẫn không chịu di dời.

Hiện trên địa bàn quận Bình Thạnh, số hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao tập trung ở khu vực chân cầu Kinh và các hộ kinh doanh quán ăn, quán cà phê dọc triền sông Sài Gòn. Chỉ riêng phường 26, theo thống kê của UBND phường thì số hộ dân trong diện "nguy cơ sạt lở cao" là 105 hộ với 586 nhân khẩu (đoạn từ cầu Kinh đến cầu Bình Triệu), trong đó có 168 nhân khẩu tạm trú.

Ông Lê Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường 26 cho biết: "Thông thường chu trình "sạt lở" xảy ra ở khu vực này từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch. Vì vậy, UBND phường có kế hoạch đi khảo sát hiện trạng các khu vực, đồng thời thông báo đến các hộ dân cùng có trách nhiệm giám sát nơi ở của mình để sớm phát hiện những hiện tượng như sụt, lún đất, nứt tường… để chúng tôi có hướng xử lý kịp thời.

Ngoài ra, phường cũng vận động người dân đến ở khu vực an toàn để tránh thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có hộ dân nào ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao chịu di dời".

UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có những phương án xây dựng bờ kè chống sạt lở, nhưng đến nay, tại 12 khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn quận Bình Thạnh chỉ có khu vực nhà thờ La San Mai Thôn vừa được xây dựng bờ kè... Trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng sạt lở đang diễn biến ngày càng phức tạp thì lãnh đạo quận Bình Thạnh đã khuyến khích người dân xây dựng bờ kè để "tự cứu lấy mình".

Đây là một giải pháp được nhiều người đồng tình, nhưng vấn đề xây dựng bờ kè lại gặp phải khó khăn vì theo yêu cầu của Sở Giao thông công chính, các hộ dân phải có giấy chủ quyền nhà mới được giải quyết thủ tục. Song, hầu hết các hộ này đều không có giấy chủ quyền nhà.

Tại buổi họp với Sở Giao thông công chính để tìm hướng giải quyết tình trạng sạt lở đang diễn biến, ông Tần Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đã nêu nhiều khó khăn: ở khu vực cầu Kinh nằm trong diện nguy hiểm nhất nhưng đến nay vẫn chưa được ưu tiên xây dựng bờ kè chống sạt lở, khó khăn trong việc khuyến khích người dân xây dựng bờ kè,  các hộ dân sống trong nguy cơ cao không chịu di dời...

Ông Hà Văn Dũng cũng đề nghị UBND quận Bình Thạnh lấy đất ở phường 28 xây dựng chung cư để sắp xếp chỗ ở cho các hộ dân trong khu vực bị giải tỏa. Trước mắt là xây nhà tiền chế cho các hộ dân ở tạm trong thời gian chung cư xây dựng

Thuý Hà
.
.
.