Xây dựng một nền tư pháp vì dân

Thứ Năm, 04/01/2007, 08:06

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu ngành Tư pháp cải tiến thủ tục công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, theo hướng thuận tiện, thuận lợi, thông thoáng có lợi cho dân và doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo đúng pháp luật.

Báo cáo công tác tư pháp năm 2006 của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Uông Chu Lưu trình bày tại Hội nghị cho thấy: Năm 2006 là năm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ quá trình cải cách hành chính, cải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để phát triển kinh tế.

Trên lĩnh vực xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, năm 2006, Bộ Tư pháp đã soạn thảo được nhiều văn bản luật, nghị quyết, pháp lệnh, đề án có ý nghĩa thiết thực, quan trọng.

Những quy định tiến bộ của các đạo luật này tạo tiền đề pháp lý thuận lợi cho hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, chứng thực; đẩy mạnh việc xã hội hoá một số lĩnh vực hoạt động của ngành; đơn giản hoá thủ tục cho người dân; tạo cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý có chất lượng cao; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Năm 2006, toàn ngành Tư pháp đã tiếp nhận 375.021 văn bản để kiểm tra, trong đó bước đầu đã phát hiện 6.782 văn bản có nội dung sai.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: hoạt động công chứng ở các thành phố lớn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, việc công chứng các hợp đồng giao dịch liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất đang gặp nhiều vướng mắc. Đội ngũ cán bộ tư pháp xã còn quá mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những việc mà ngành Tư pháp đã làm được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những việc mà ngành Tư pháp chưa làm tốt và cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó phải tập trung đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát để bãi bỏ những văn bản, quy định trái luật.

Đặc biệt, ngành Tư pháp phải lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm phương châm, giảm bớt và tiến tới chấm dứt cách làm hành chính quan liêu. Cần phát huy tính chủ động dám làm, dám chịu trách nhiệm giải quyết các công việc của dân, không để tình trạng dân trông chờ mà cán bộ thì bàng quan vô tư, làm ngơ trước những bức xúc của dân.

Thủ tục công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, cần tiếp tục cải tiến theo hướng thuận tiện, thuận lợi, thông thoáng có lợi cho dân và doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo đúng pháp luật

Xuân Luận
.
.
.