Xây dựng các điểm đỗ xe ở Hà Nội: Vì sao DN ít mặn mà?

Thứ Bảy, 25/02/2012, 12:04
Xã hội hóa trong đầu tư xây dựng giao thông đã và đang thu hút được một số tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở lĩnh vực giao thông tĩnh tại một thành phố lớn như Hà Nội thì đây lại là “khu vực” mà rất ít doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Làm thế nào để mọi thành phần kinh tế trong xã hội cùng tham gia đầu tư, vận hành, khai thác điểm trông giữ xe? Trao đổi với một số chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này, họ đều có chung một mong muốn, đó là thành phố nên tạo cơ chế, giao mặt bằng sạch...

Sau quyết định Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng tại Hà Nội năm 2003, Hà Nội tiếp tục đưa ra quy hoạch mạng lưới 50 điểm đỗ trên cao. Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2011-2015, sẽ xây dựng 50 điểm đỗ trên cao. Thế nhưng, nhiều người vẫn lo lắng tự hỏi, trong vòng 5 năm tới, các điểm đỗ xe có được “khai sinh” như kế hoạch và có đủ “tải” hay không.

Chúng tôi được biết, chỉ có 2/4 điểm đỗ trên cao theo kiểu giàn thép của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có khả năng được đưa vào sử dụng trong năm nay. Lý giải những khó khăn trong việc triển khai dự án điểm đỗ xe trên cao, đại diện Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, một dự án điểm đỗ xe trên cao mà công ty đang triển khai phải tốn khoảng 25 tỷ đồng. Đó là không tính đến những chi phí liên quan đến mặt bằng. Bởi 2 dự án điểm đỗ tại Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan đều được coi là “đất sạch” công ty đang quản lý, không phải giải phóng mặt bằng. Nếu đất cần phải giải phóng mặt bằng để làm bãi đỗ xe thì chi phí sẽ rất cao.

Đối với điểm đỗ ngầm, việc đầu tư xây dựng cũng vô cùng tốn kém. Chi phí đầu tư cao trong khi việc thu phí lại kéo dài, nhỏ giọt nên phải mất thời gian lâu doanh nghiệp mới thu hồi được vốn. Do vậy, các doanh nghiệp tư nhân không mặn mà với loại hình kinh doanh này, thậm chí là né tránh.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết có một số dự án bãi đỗ xe triển khai theo hình thức xã hội hóa nhưng nó đã bị bóp méo. Thậm chí đó chỉ là những dự án trên giấy rồi chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hiện nay, Hà Nội có 400.000 ôtô và 3,5 triệu xe máy. Mỗi năm, số lượng ôtô, xe máy đều tăng hàng trăm nghìn chiếc. Điều này càng tạo áp lực về chỗ đỗ xe khi vốn dĩ đang thiếu trầm trọng. Rà soát lại toàn bộ các dự án đã, đang và sẽ triển khai theo quy hoạch từ 2003 cho đến nay để có hướng đi cho phù hợp với thực tế hiện nay. Sau đó, thành phố phải tạo cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm đỗ.

Hà Nội thiếu trầm trọng điểm đỗ xe.

Tiến sỹ Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông: Thành phố cần rà soát, đánh giá và đưa ra giải pháp căn cơ trong việc đầu tư, xây dựng điểm đỗ xe.

Tính trung bình 1 ôtô cần 15m2 để đỗ, với 400.000 ôtô hiện nay, vị chi phải có 6 triệu m2 đất để làm việc này. Thế nên, khi xóa các điểm trông giữ xe ở 262 tuyến phố, thành phố cần phải tính đến chỗ đỗ phương tiện. Phân loại để biết, có bao nhiêu xe có điểm đỗ trong gia đình, công sở và bao nhiêu phải đỗ ở vỉa hè, lòng đường cũng là cách để biết nhu cầu thực tế là bao nhiêu. Từ đó, phải có phương án bố trí các điểm trông giữ xe phù hợp. Có như vậy, việc thực hiện các giải pháp để đường thông, hè thoáng mới đạt được nhiều mục tiêu.

Về việc xây dựng mạng lưới đỗ xe, tôi thấy từ lâu Hà Nội đã đụng đến vấn đề này như quy định các nhà cao tầng phải xây dựng tầng hầm làm nơi đỗ xe; có kế hoạch xây dựng các điểm đỗ xe trên cao; cho phép xây dựng bãi xe thông minh... Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì thấy rằng, có những nhà cao tầng không đủ chỗ để xe cho cư dân tòa nhà hay như việc thu phí ở bãi xe thông minh lại không hề rẻ...

Tôi nghĩ rằng, cần phải để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nên vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Với thành phần kinh tế tư nhân, họ chỉ đầu tư khi nhìn thấy khả năng sinh lời...

Để giải quyết bài toán điểm đỗ xe về lâu dài lẫn giải pháp tình thế như Hà Nội đang thực hiện thì cần phải có tư vấn. Tư vấn sẽ khảo sát, đánh giá tình hình, đề ra giải pháp và trình bày trước cấp quản lý. Cấp quản lý sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn, cơ chế chính sách để quyết định chứ không nên để cơ quan quản lý phải làm từ đầu đến cuối như hiện nay. Có như vậy, mới giải quyết căn bản vấn đề.

Một doanh nghiệp tư nhân về giao thông vận tải: “Thành phố nên ban hành giá trông xe phù hợp chứ không phải là lệ phí”.

Trao đổi với một lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, chúng tôi được biết doanh nghiệp này sẵn sàng tham gia đầu tư điểm đỗ xe. Vấn đề doanh nghiệp này quan tâm là thành phố cần đưa ra giá trông giữ xe phù hợp (chứ không phải là lệ phí); giao mặt bằng sạch...

Để giải quyết tình trạng thiếu điểm trông giữ xe như hiện nay, các cơ quan (ví dụ bệnh viện) cần giao cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng điểm trông giữ xe phù hợp trong khuôn viên của mình. Cách làm này vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân đến khám chữa bệnh, vừa có doanh thu nộp cho bệnh viện mà không để xảy ra việc thu phí quá quy định như hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Minh, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Nên giao doanh nghiệp tư nhân xây dựng điểm đỗ rồi có cơ chế thu hồi vốn”.

Các cơ quan chức năng không nên thu phí tham gia giao thông trong khi quyền lợi về điểm đỗ của người tham gia giao thông chưa được đảm bảo. Mục đích thu phí giao thông để giảm tải áp lực giao thông. Nhưng tôi nghĩ điều đó không phù hợp. Việc thu phí giao thông nên thực hiện sau khi chúng ta đã có điểm đỗ đáp ứng nhu cầu.

Giải pháp là có thể dùng vốn ngân sách hoặc Nhà nước hỗ trợ vốn, giao doanh nghiệp xây dựng điểm đỗ, thỏa thuận giá trông giữ xe với doanh nghiệp, hoặc xã hội hóa công tác đầu tư, xây dựng và giảm thuế để kêu gọi đầu tư…

C.Hồng – V.Hà
.
.
.