Xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia
Là tỉnh miền núi vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình bị chia cắt với nhiều tiểu vùng có điều kiện khí hậu rất khác nhau, điều kiện sản xuất và sinh hoạt hết sức khó khăn. Đến nay tỉnh vẫn còn 6/11 huyện, thành phố được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a thuộc diện nghèo nhất cả nước. 6 huyện nghèo của tỉnh nằm trong Chương trình 30a có 112 xã thì có tới 94 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện tích của 6 huyện chiếm 45% diện tích của cả tỉnh, nhưng chủ yếu là núi đá và núi đất có độ dốc lớn, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Được thiên nhiên ưu đãi, 6 huyện nằm trong Chương trình 30a của Hà Giang lại có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển. Qua kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện Dược liệu và Viện Rau quả Trung ương cho thấy: Vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang lại rất phù hợp để trồng cây dược liệu… Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại đây như: thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam, atiso, bạch chỉ... đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển xanh tươi trên vùng đất Cao nguyên đá. Với quy mô sản xuất khoảng 100ha, công ty đã xuống giống khoảng 30 giống dược liệu, trong đó có 20 loại thuộc danh mục dược liệu khuyến khích sản xuất của Bộ Y tế. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, với mức lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Một vườn cây dược liệu tại Hà Giang. |
Với những thành công ban đầu của mô hình dự án trồng cây dược liệu tại xã Quyết Tiến - huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xin Chính phủ lập dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện nghèo 30a. Mới đây Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện trong Chương trình 30a của tỉnh, bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Hà Giang hiện có trên 1.000 loài dược liệu với tổng diện tích 7.939ha. Tiêu biểu là các loại: thảo quả, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện... phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh. Dự án "Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo" tại 6 huyện nghèo 30a sẽ được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện theo hướng lồng ghép các dự án, chương trình đã có trên địa bàn. Đặc biệt, dự án còn có sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Viện Dược liệu, Viện Rau quả Trung ương phối hợp với địa phương triển khai