Xăng dầu tăng giá, tàu thuyền "mắc cạn"

Thứ Bảy, 29/12/2007, 16:48
Đang vào vụ cá bắc, song trong các âu thuyền ở dọc bãi biển miền Trung, hàng ngàn tàu thuyền của bà con ngư dân vẫn nằm gối bãi. Xăng dầu tăng vùn vụt nên hàng vạn ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản đành bất lực đứng nhìn những chiếc tàu trị giá tiền tỷ… mắc cạn.

Trước đây ngư dân miền Trung chủ yếu đánh bắt trên biển với nghề giã cào truyền thống, hoặc đăng lưới thuyền đơn chỉ quẩn quanh gần bờ. Nhận thấy sự hào phóng của biển cả, hàng ngàn ngư dân đã vay vốn ngân hàng, bán nhà vay nợ mua tàu lớn băng thẳng ra đại dương đánh cá.

Nghề nhiều rủi ro

Gần chục năm trời, số lượng đánh bắt thủy hải sản của ngư dân ở các tỉnh miền Trung năm sau đều cao hơn năm trước. Cuộc chinh phục biển cả của người dân biển đã không ít lần nhận được tiếng vỗ tay tán thưởng trong các hội nghị về phát triển kinh tế. Song ngư dân miền Trung vẫn nghèo.

Tỷ lệ con em bỏ học giữa chừng số lớn thuộc về bà con ngư phủ. Những khoản nợ để mua tàu đã làm cho nhiều ngư dân còng dần lưng xuống vì gánh nợ. Gần đây xăng dầu tăng giá lại làm cho bà con ngư dân thêm phần điêu đứng. Rồi những tai nạn đau lòng trên biển cả vẫn liên tục xảy ra đối với ngư dân…

Sản lượng thủy sản tăng, hằng năm cơ quan này, đơn vị nọ nhận phần thưởng. Còn với ngư dân nghèo có chăng họ chỉ có phần thưởng từ biển cả cho biển lặng trời im. Điều đáng nói, khi ngư dân gặp khó khăn thì ngành Thủy sản các địa phương không hề đưa ra được biện pháp nào thực sự tối ưu để giúp bà con.

Kể cả ngay những lúc gặp mưa bão, bà con ngư dân cũng chỉ biết trông chờ vào Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an ứng cứu. Còn ngành Thủy sản có vẻ như chỉ chú ý hơn đến số liệu đánh bắt, thu mua, xuất khẩu…

Do vậy ngư dân đổi đời nhưng cũng đau đời nhiều lắm. Cách xa đất liền hàng chục kilômét, chiếc tàu câu mực định vị một chỗ mỗi thuyền viên lấy một chiếc thuyền thúng thả cách nhau hàng kilômét để câu mực.

Trên biển cả, chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi như chiếc lá chiến đấu với sóng biển. Các thuyền viên miệt mài câu đến tận gần sáng ngày hôm sau mới ngừng nghỉ. Hàng chục ngày trời lao động nặng nhọc, cô đơn trên biển nhưng thu nhập một chuyến đi biển của ngư dân không được 3 triệu đồng.

Chấp nhận đi biển là chấp nhận "hồn treo cột buồm", sự thi gan với biển cả không phải ai cũng thắng. Ngư dân miền Trung vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói đến cơn bão Chanchu đã cướp đi hơn 100 ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong số ngư dân mất tích có người vợ vừa mang thai, có người cả cha và con đều gặp nạn, có người định đi chuyến câu mực về để có tiền cưới vợ.... Hầu như tuần nào cũng có ngư dân mắc nạn trên biển, sự thảng thốt của ngư dân đang rất cần sự quan tâm của ngành Thủy sản.

Dầu tăng giá, ngư dân đành xót xa nhìn biển

Mấy năm trước giá nhiên liệu thấp nên ngư dân ở các tỉnh miền Trung còn có đồng ra, đồng vào. Nhiều nhà xây được nhà cao tầng, sắm tiện nghi đắt tiền... Nhưng rồi giá nhiên liệu, nhân công cao trong lúc giá thủy hải sản ngày một sút giảm, nhiều ngư dân đã gạt nước mắt bán nhà trả nợ.

Khi đề cập đến việc đánh bắt thủy sản hiện nay, anh Nguyễn Hải Thắng, một ngư dân ở Bố Trạch, Quảng Bình xót xa nói: "Mấy tháng liên tục biển động, tàu thuyền đều phải neo đậu. Giờ đây biển lặng, ngư dân như tui vẫn tiếp tục phải neo thuyền vì giá dầu quá cao, đi thì bán tàu mà trả lỗ".

Không có sẵn tiền mặt nên nhiều ngư dân đành phải chấp nhận mua nợ dầu với giá cao, hoặc trả lãi cao ở các tư thương buôn bán xăng dầu rồi trả dần.

Theo như chủ tàu Nguyễn Văn Lượng ở Đà Nẵng thì: "Tụi tui đóng tàu mất cả tỷ, chẳng lẽ để tàu gối bãi nên phải đi biển, và đi thì phải mua giá dầu cao và bán tôm, cá, mực với giá thấp cho tư thương".

Giá nhiên liệu tăng, giá hải sản tăng không đáng kể nên ngư dân đành để tàu nằm bờ.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 3.500 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, trong đó có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ. Trung bình một chuyến đi trong vòng 1 tuần, tàu đánh bắt xa bờ phải chi 25 đến 30 triệu đồng, trong đó riêng tiền dầu đã chiếm 18 triệu đồng. Hơn 350 tàu thuyền của xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đành gối bãi vì trung bình mỗi chuyển ra khơi, ngư dân thua lỗ 5-10 triệu đồng.

Theo số liệu điều tra của Vụ Nghề cá (Bộ Thủy sản cũ): Để đánh bắt được 1kg hải sản, ngư dân phải chi từ 1.533 đến 1.735 đồng, tương đương 0,374 đến 0,423kg dầu diezen. Như vậy để đánh bắt được 1kg hải sản, ngư dân phải nộp vào ngân sách thông qua giá xăng dầu khoảng 605 đồng (giá cũ-PV), bằng 15-17% giá thành sản phẩm.

Còn có một nghịch lý đến xót lòng trong cuộc sống của ngư dân miền Trung: Thói thường ai đi biển cũng trông cho trời yên biển lặng, với ngư dân miền Trung biển động cũng chết, mà biển lặng thì cũng chẳng vui vẻ gì, vì khi biển lặng đánh bắt được nhiều thủy sản thì giá lại rớt thảm hại, do bị tiểu thương ép giá.

Để chống chọi với giá xăng dầu tăng quá cao, một số ngư dân ở miền Trung đang hình thành các tổ, nhóm đánh bắt thủy sản. Các ngư dân tự bàn bạc đề ra hình thức, nội dung hợp tác, phương pháp quản lý và phân phối thu nhập bằng các quy ước được thỏa thuận giữa các thành viên trong tổ, nhóm với nhau.

Việc liên kết sản xuất của ngư dân theo kiểu "thêm bạn bớt tàu" đang hạn chế sự thua lỗ của ngư dân nhưng đồng thời kéo theo số lượng đánh bắt thủy sản giảm sút.

Qua quá trình gặp gỡ ngư dân tìm hiểu để lấy tư liệu cho bài viết này, chúng tôi được biết ngư dân đang rất cần sự trợ vốn, trợ cước từ các ban, ngành liên quan để hàng ngàn chiếc tàu thuyền không phải chịu cảnh gối bãi

Dương Sông Lam
.
.
.