Xã Vĩnh Ngọc, Hà Nội: Vì sao số trẻ mắc bệnh xơ hóa cơ delta nhiều nhất nước?

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:10

"Nếu được khám thêm, số trẻ phát hiện bệnh có thể tăng gấp đôi", Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Ngọc, bác sỹ Hoàng Hữu Thành, nói. Bác sỹ Thành cho biết, số lượng bệnh nhân bị mắc căn bệnh xơ hóa cơ delta trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc nhiều một cách bất ngờ, lại tập trung tới 90% ở thôn Ngọc Chi.

218 trường hợp khám trong ngày 26/5 đã được chỉ định mổ. Bệnh viện Xanh Pôn đã phải dành riêng 2/3 số lượng ca mổ cho xã Vĩnh Ngọc mỗi tuần, vậy mà lượng bệnh nhân được mổ đến nay mới chỉ 77 trường hợp, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân được chỉ định mổ đợt này.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Đinh Thị Hằng ở xóm Mới, thôn Ngọc Giang nằm sát mép bãi sông Hồng. Mỗi mùa nước lên, cả nhà chị lại vất vả lo nước ngập lưng nhà. Nhưng nỗi lo lớn hơn là cả hai đứa con đều bị mắc bệnh xơ hóa cơ delta.

Đứa lớn mới học hết lớp 4, đứa nhỏ vừa tròn 6 tuổi. Cậu bé Nguyễn Văn Hiếu mắc bệnh khá nặng, cả hai tay, hai chân. Theo lời kể của chị, cháu lớn khi mới sinh được 1 tháng rưỡi đã phải tiêm kháng sinh vì bị viêm phế quản mãn tính. Từ nhỏ đến nay cháu Hiếu đã tiêm hơn 1.000 mũi kháng sinh vào bắp tay và đùi. Nhưng còn đứa bé thì chẳng hiểu vì sao, mới 3 tuổi mà hai bả vai đã nhô rất rõ.

Do sốt ruột muốn mổ sớm, họ đưa con đi mổ trái tuyến nên phải chịu chi phí toàn bộ. Hiện hai vợ chồng lại chuẩn bị cho ca mổ chân tiếp theo của con trai và mổ tay cho cháu gái bé bỏng. Gia đình anh Bùi Văn Hải ở thôn Ngọc Chi có cả ba con bị mắc bệnh teo cơ delta. Hai cô bé 11 tuổi và 14 tuổi đã được mổ. Anh Hải kể rằng, lúc bé các cháu chẳng chút ốm đau và không bao giờ phải tiêm kháng sinh, vậy mà cách đây nhiều năm anh phát hiện các con không khép được hai cùi tay vào nhau.

Theo bác sỹ Thành, từ năm 2003, cán bộ y tế xã đã phát hiện khớp vai của một vài học sinh có biểu hiện bất thường, cùng gia đình đưa các em đi khám tại một số bệnh viện tại Hà Nội nhưng được chẩn đoán bệnh "bả vai nhô cao" và cho về luyện tập. Mãi sau này, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về căn bệnh xơ hóa cơ delta ở trẻ em, lãnh đạo xã yêu cầu trạm y tế xã kiểm tra, sàng lọc phát hiện bệnh nhân trên địa bàn. Cũng không ai ngờ rằng, sau khi thông báo, các gia đình đưa con đến trạm xá khám đông chưa từng thấy.

Chỉ trong ngày 26/5, Bệnh viện Xanh Pôn, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh và Trạm y tế xã Vĩnh Ngọc phối hợp khám cho 480 người, chỉ định phẫu thuật 218 người, trong đó có 98,5% là học sinh từ 6-18 tuổi, 90% thuộc địa bàn thôn Ngọc Chi, còn lại 19 trường hợp của thôn Vĩnh Thanh, 8 trường hợp của thôn Ngọc Giang và 3 trường hợp ở thôn Phương Trạch.

Đâu là nguyên nhân gây bệnh?

So sánh với các địa phương có tỷ lệ trẻ em bị mắc teo cơ delta, xã Vĩnh Ngọc có số lượng trẻ em bị mắc căn bệnh này cao nhất nước. Và không chỉ trẻ em, Vĩnh Ngọc cũng có cả người lớn bị mắc căn bệnh này. Đặc biệt hơn nữa, số trẻ bị teo cơ delta lại chủ yếu tập trung trong một thôn, cá biệt có tới 20 gia đình có 2 con bị bệnh.

Bác sỹ Lê Văn Điềm, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, nơi trực tiếp tiếp nhận và mổ cho các cháu ở xã Vĩnh Ngọc cho biết, hiện nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân gây bệnh. Vấn đề tìm hiểu nguyên nhân phải chờ đề tài nghiên cứu sắp tới của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã mời cả Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc. Nhưng theo bác sỹ Điềm, trẻ ở vùng nông thôn bị mắc bệnh xơ hóa cơ delta nhiều hơn ở thành phố nên có thể do điều kiện sống, sinh hoạt kém hơn.

Rời khỏi thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, những thân hình gầy gò, những bờ vai nhô cao, những cánh tay không thẳng của các bé gái, bé trai cứ ám ảnh chúng tôi. Theo như người dân nói, ở đây vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh như thế mà chưa được khám. Mong muốn của các cán bộ y tế và lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc là được Sở Y tế Hà Nội đáp ứng nguyện vọng tổ chức khám bệnh tại địa phương một lần nữa, vì hiện giờ họ vẫn tiếp tục phát hiện thêm nhiều bệnh nhân mới

Việt Hà - Ngọc Yến
.
.
.