Gian nan cuộc chiến giữ rừng:

Vườn quốc gia Yok Đôn kêu cứu

Thứ Năm, 10/04/2008, 15:55
Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk đang bị tàn phá từng ngày và đứng trước nguy cơ xóa sổ nhiều loại gỗ quý. Các động vật quý hiếm cũng sẽ bị mất môi trường sống. Mỗi ngày có hàng trăm người dân dùng xe công nông, xe đạp vào Vườn quốc gia Yok Đôn để mưu sinh bằng cách... chặt trộm gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm.

Theo tiếng M'nông, Yok là núi, Đôn là đảo. Tên gọi Yok Đôn là tên một quả núi cao 482m, từ ngàn xưa ở đó đã tồn tại và phát triển một quần thể rừng xanh nhiệt đới nổi giữa một vùng rừng lá rụng về mùa khô.

Toàn bộ địa hình Vườn quốc gia Yok Đôn nằm ở độ cao trung bình 200m so mặt nước biển, phân bố rải rác dọc theo bờ phải dòng sông Sêrêpôk là dãy Cư Mlan chạy suốt từ biên giới Việt Nam - Campuchia, tới gần trung tâm huyện Buôn Đôn, đỉnh cao nhất Cư Mlan là 502m. Địa hình tích tụ phân bố dọc sông Sêrêpôk còn có các suối lớn trong vùng, thuận lợi cho sự tồn tại các loài thú lớn như voi, trâu rừng, bò rừng, bò tót...

Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk được thành lập năm 1991, trên cơ sở từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Yok Đôn, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545ha được chia làm 115 tiểu khu, trong đó 80.947ha được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 30.426ha phân khu phục hồi sinh thái.

Tại đây có 566 loài thực vật, thuộc 108 họ, 290 chi, trong đó có 19 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Khu hệ động vật có 391 loài, gồm 77 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 30 loài cá, trong đó có 70 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam... Vườn quốc gia Yok Đôn, được xem lớn nhất nước ta hiện nay, có giá trị phòng hộ không chỉ với Đắk Lắk mà cả vùng Đông Dương.

Đáng buồn hiện nay rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn đang bị tàn phá từng ngày và đứng trước nguy cơ xóa sổ nhiều loại gỗ quý và các động vật quý hiếm cũng sẽ bị mất môi trường sống. Mỗi ngày có hàng trăm người dân dùng xe công nông, xe đạp từ nhiều ngả đường vào Vườn quốc gia Yok Đôn để mưu sinh bằng cách chặt trộm gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm.

Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Ngô Tiến Dũng than thở: vì giá gỗ hương cao đến hàng chục triệu đồng/m3 nên nhiều đầu nậu đứng sau lôi kéo người dân địa phương đi phá rừng để lấy tiền. Đồng thời cũng không loại trừ những "con sâu" nội bộ bên trong tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Tháng 12 năm 2007, nhân viên của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tiếp tay cho toán lâm tặc chặt hạ 3 cây gỗ hương quý hiếm ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt...

Theo QĐ 186/2006/TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng thì cứ 500ha rừng đặc dụng được bố trí 1 biên chế kiểm lâm, với diện tích 115.545ha ở Vườn quốc gia Yok Đôn phải có 231 cán bộ quản lý bảo vệ, nhưng hiện tại còn thiếu 151 người. Vì vậy cuộc chiến bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn hiện nay là không cân sức.

Trong khi Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn và chính quyền địa phương hô hào công tác bảo vệ rừng thì ngay tại vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn, kề phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vẫn tồn tại một buôn của đồng bào Êđê và một số hộ người Kinh gồm 85 hộ và có tới 60 cưa máy có thể cắt gỗ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó giải pháp giao khoán 33.900 ha rừng cho người dân chăm sóc bảo vệ trong những năm qua cũng bị phá vỡ vì không quản lý được sự xâm hại của chính những người dân trong vùng. Cùng với việc bất chấp pháp luật của người dân, bọn lâm tặc hám lợi vì tiền đã xông vào Vườn quốc gia Yok Đôn lấy gỗ quý khiến lực lượng tại chỗ không thể kiểm soát hết được, còn có nhiều bất cập khác nữa do chính cơ chế "đẻ ra".

Cụ thể như: xung quanh khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn được cấp phép nhiều xưởng xẻ gỗ hoạt động đã tạo điều kiện cho lâm tặc tiêu thụ gỗ lậu dễ dàng. Cũng trong năm 2007, phía UBND tỉnh Đắk Lắk lại cho phép chủ trương tận thu mua gỗ trắc nương rẫy, vườn nhà dân và UBND huyện Buôn Đôn lại cho phép các đơn vị chức năng được tận thu gỗ trắc có nguồn gốc từ rừng tự nhiên... nên đã tạo những khe hở để dễ nảy sinh tình trạng hợp lý hóa gỗ lậu.

Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Ngô Tiến Dũng cũng như những người có tâm huyết bảo vệ rừng đều thừa nhận, chuyện giữ rừng ở đây hiện nay là bất ổn và nhiều vấn đề bất cập, nếu không kịp thời chấn chỉnh, giải quyết thỏa đáng thì một ngày không xa nữa Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ chỉ còn trên giấy

(Còn tiếp)

Ngọc Như
.
.
.