Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) bị tàn phá nghiêm trọng

Thứ Sáu, 16/11/2012, 15:28
Chưa cần phải vào rừng, chỉ cần nhìn những đống gỗ trong khuôn viên Hạt Kiểm lâm, các trạm kiểm lâm trực thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn (gọi tắt là VQG Yok Đôn) và Công an huyện Buôn Đôn… cũng đủ biết, rừng bị tàn phá như thế nào. Còn khi vào rừng, tôi không dám tin vào mắt mình - rừng bị phá quá tàn ác.

Tìm hiểu về công tác bảo vệ rừng, tôi phát hoảng khi biết, tại khu rừng cấm khai thác nghiêm ngặt này đã xảy ra việc kiểm lâm bắt tay với… lâm tặc. 

Bài 1: Tàn sát gỗ quý trong rừng cấm

Tôi cảm thấy lạ lùng vô cùng khi nhìn thấy những thân gỗ tròn, gỗ hộp nằm rải rác trong VQG Yok Đôn. Rồi tôi ngạc nhiên khi bắt gặp những bãi gỗ đã mốc thếch nằm trong khu rừng đặc dụng này. Để rồi khi tận mắt nhìn thấy những cây cổ thụ mới bị chặt hạ vài hôm, cành lá vẫn còn tươi, thân vẫn rỉ nhựa thì tôi nhận ra rằng, gỗ quý trong khu VQG Yok Đôn này đã và đang bị tàn sát.

Rừng không yên tĩnh trong đêm

Ngày hôm trước, hai cây căm xe cổ thụ vẫn đứng vững như bàn thạch. Thế mà đêm 1/11, nó đã bị người ta dùng cưa máy, cưa đổ. Thân của nó bị cắt thành nhiều khúc. Những khúc “ngon” nhất được chất lên xe để chuẩn bị đưa về… phố. Cành lá của nó nằm lại với rừng già. Trong khi những khúc gỗ dài chừng 3m, nặng trình trịch được bê lên xe “đặc chủng lâm tặc” để vận chuyển đi thì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Vứt xe, vứt gỗ, vứt cưa máy… tất cả tháo chạy. Khi tôi có mặt vào ngày 4/11 thì thấy cành lá của hai cây gỗ mới chỉ heo héo. Nhựa trên thân nó vẫn chảy.

Gỗ thu giữ của lâm tặc.

Điều đáng nói là vụ cưa đổ hai cây căm xe xảy ra vào ban đêm. Các đối tượng cũng vận chuyển gỗ vào lúc nửa đêm. Đêm tối giữa rừng già, cảnh sắc khiến người yếu bóng vía chỉ nghĩ đến thôi cũng toát mồ hôi hột. Thế mà, một nhóm chừng 10 người đã táo bạo cắt rừng đi vào sâu bên trong, nơi có tầng thực vật dày đặc và đốn hạ hai cây gỗ có đường kính chừng 60cm. Bóng tối cộng với sự thâm nghiêm của rừng từ lâu đã không làm cho những kẻ hám lợi sợ. Đôi khi, chúng còn coi đấy là sự đồng lõa. Chẳng thế mà trên con đường chạy từ trung tâm huyện Buôn Đôn về thành phố Buôn Ma Thuột, khi đêm xuống cũng là lúc gỗ được các đầu nậu vận chuyển.

Còn nhớ hồi tháng 7, tháng 8, mấy chục cây gỗ giáng hương, căm xe bị lâm tặc tàn phá tại Tiểu khu 447, 484. Việc lâm tặc sát hại đồng loạt những cây gỗ quý thuộc nhóm 2A khiến người ta ngỡ ngàng về sự táo tợn của chúng. Dư luận cũng ngạc nhiên về vai trò của kiểm lâm của VQG Yok Đôn. Hơn 200 cán bộ kiểm lâm, được bố trí thành hơn 10 trạm, phân bổ rộng khắp trong rừng. Ấy vậy mà gỗ quý của rừng vẫn bị tỉa, bị chặt hạ hàng loạt. Trong “trào lưu” lâm tặc tận diệt gỗ giáng hương ở VQG Yok Đôn, chỉ duy nhất một vụ được khởi tố hình sự.

Đó là vụ việc xảy ra ngày 25/7 và 6/7. Cơ quan Công an xác định, Y Trai Siu, trú tại buôn A1, huyện Ea Sup cùng với 18 đối tượng khác vào Tiểu khu 421, thuộc trạm kiểm lâm số 9, VQG Yok Đôn và dùng cưa máy chặt hạ hai cây giáng hương đường kính hơn 1m. Tận mắt nhìn những khúc gỗ hương, tang vật của vụ án mới thấy rõ độ bề thế và quý giá của cây gỗ này. Cây to, giữa rừng già đã bị săn lùng và đốn ngã một cách không thương tiếc. Để đốn hạ, vận chuyển nó phải rất đông người. Như đối tượng khai, có 18 người tham gia. Thế nhưng đến nay, mới chỉ có một người bị khởi tố. Có lẽ điều này cũng phần nào trả lời câu hỏi – tại sao lâm tặc vẫn phá rừng.

Đáng sợ những con số ghi trên giấy

Quan trọng là giữ được cây ở trong rừng chứ không phải là tịch thu gỗ rồi bán đấu giá, nộp ngân sách. Thế nhưng những gì đang xảy ra ở VQG Yok Đôn lại cho thấy, cây vẫn tiếp tục bị chặt hạ. Kiểm lâm vẫn thu được gỗ lậu. Báo chí vẫn tiếp tục đăng bài, ảnh về nạn phá rừng. Dư luận sôi sùng sục. Chính phủ yêu cầu bộ chủ quản, chính quyền địa phương kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng. Ấy vậy nhưng, những cây gỗ quý trong rừng vẫn tiếp tục bị đốn ngã.

VQG Yok Đôn là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất nước ta, có diện tích 115.000 ha với đặc trưng nổi bật là rừng khộp (rừng rụng lá). Sự đa dạng sinh học thể hiện ở chỗ có 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài sinh sống. Hệ thống thực vật của rừng cũng rất phong phú với gần 500 loài. Đặc biệt, đây còn là nơi sinh trưởng của các loài gỗ quý thuộc nhóm 1A, 2A như cẩm lai, giáng hương cà te, trắc… Đây là những loài cây được xem như báu vật của VQG Yok Đôn và cũng là thứ mà lâm tặc săn lùng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, nguy cơ biến mất của các loài gỗ quý này sẽ là hiện thực.

“Hết cẩm lai, trắc, cà te rồi. Bây giờ người ta đang tìm cách hạ giáng hương, căm xe… Hết những cây này sẽ đến gõ, chích…”, một người chuyên đi rừng thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nói vậy khi tôi gặp anh bên bờ sông Sêrêpôk. Nhìn vẻ mặt của anh, tôi tin anh nói thật. Lớn lên từ rừng, sống bám rừng bằng nghề đi lấy mật ong rừng, hẳn là anh biết rất rõ điều ấy. Còn một chủ xưởng chế biến đồ gỗ ở ven đường Buôn Đôn đi Buôn Ma Thuột khi nghe tôi ngỏ ý muốn đặt bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai thì lắc đầu bảo, “hơi khó. Giáng hương thì Ok ngay”. Theo anh này, cẩm lai trong VQG Yok Đôn giờ còn ít lắm.

Theo chân một người dân bản đi sâu vào VQG Yok Đôn, tận mắt chứng kiến những thân gỗ mốc thếch bị đốn hạ, tôi mới thấy rõ sự chảy máu của rừng. Rất nhiều cây bị đốn hạ, rất nhiều bãi gỗ nằm ngay con đường nội địa của vườn. Ôtô, xe máy, xe đạp đều có thể đi trên con đường này được. Xe tuần tra của VQG, của kiểm lâm hẳn hàng ngày vẫn qua đây. Tại sao cây lại bị đốn hạ?

Trong báo cáo 9 tháng đầu năm của VQG Yok Đôn về công tác bảo vệ rừng có nêu con số 349 vụ phá rừng; 106 vụ mua bán gỗ, lâm sản trái phép; phạt hành chính 230 triệu; tổng số tiền phạt hành chính, tiền bán lâm sản, phương tiện nộp ngân sách Nhà nước 2,3 tỷ đồng. 2,3 tỷ đồng là số tiền “thu được” từ 349 vụ phá rừng? Một con số thật nghiệt ngã.

Trước tình trạng phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại VQG Yok Đôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp kiểm tra. Vậy nhưng trong tháng 10, vẫn có 64  cây gỗ bị đốn hạ. Quyết liệt, tăng cường quân số, phối kết hợp với các ngành chức năng song rừng vẫn bị phá. Tại sao nỗ lực bảo vệ rừng ở VQG Yok Đôn không có hiệu quả? Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ phần nào lý giải hiện trạng này.

Điều chuyển công tác một số lãnh đạo VQG Yok Đôn

Trong cuộc họp ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn đã chủ trì cuộc họp về công tác cán bộ đối với VQG Yok Đôn và kết luận: Báo cáo số 912/BC – VYĐ của VQG Yok Đôn là thẳng thắn thực trạng công tác cán bộ, nhất là biểu hiện tư tưởng cục bộ, bè phái, nể nang; tình trạng phá rừng trên địa bàn của Vườn có giảm nhưng những nguyên nhân cơ bản chưa giải quyết được. Nếu không xử lý dứt điểm đồng bộ các vấn đề mà trước hết là công tác cán bộ, tình hình sẽ còn phức tạp.

- Điều động ông Hồ Văn Cầu, Phó Giám đốc VQG Yok Đôn về công tác tại Đại diện Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

- Có văn bản miễn nhiệm chức danh Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đối với ông Nguyễn Còn do năng lực công tác hạn chế, thiếu quyết liệt trong bảo vệ rừng, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

(Theo Văn bản số 1543/TCLN-VP ngày 7/11/2012) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cao Hồng
.
.
.