Vùng nuôi bò sữa Ba Vì: Hồi sinh sau "bão melamine"
Hơn lúc nào hết, sự hồi sinh của "rốn sữa" Ba Vì lại chứng tỏ một điều, chỉ có cách làm ăn gắn chặt giữa lợi nhuận của người kinh doanh với cuộc sống mưu sinh của nông dân nuôi bò và sức khỏe của người tiêu dùng, mới là con đường đúng.
Thoát cảnh "chân lấm, tay bùn" nhờ nuôi bò sữa
Từ chỗ chỉ biết trông vào cây lúa, cây chè, thu nhập thấp, bấp bênh và lao động nặng nhọc, gia đình anh Nguyễn Viết Điệp (thôn Hát Giang, Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) đã có nguồn thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn nhiều nhờ quyết định nuôi bò sữa. Mỗi ngày, đàn bò sữa 5 con nhà anh cho lượng sữa khoảng 60kg. Với giá sữa đang ở mức 8.700 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí thì anh được lãi 40%, cao hơn nhiều so với trồng lúa (chỉ lãi khoảng 25% nếu không mất mùa).
Anh Điệp phấn khởi khoe với chúng tôi: "Giá sữa thời điểm này đang lên cao". Suốt 3 năm nuôi bò, sữa của nhà anh Điệp luôn đảm bảo chất lượng tốt, bán giá cao và được công ty thu mua sữa tin tưởng. Vốn là những nông dân hiền lành, chăm chỉ, việc chăn nuôi bò của gia đình anh không chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian như chọn con giống tốt, cho bò ăn cỏ ngon mà còn phải tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc, quy trình vắt sữa… thì bò mới cho sữa chất lượng tốt và lâu dài.
Với đà làm ăn này, anh Điệp dự tính trong năm nay sẽ đầu tư thêm 2 con bò sữa cao sản nữa để tăng nguồn thu nhập. Cùng chăn nuôi bò sữa như anh Điệp, nhớ lại thời điểm "bão" melamine hoành hành hồi cuối năm 2008, anh Nguyễn Gia Hiệp (thôn Hát Giang, Tản Lĩnh, Ba Vì) bùi ngùi, sữa bán không ai mua mà bò thì vẫn phải cho ăn, vắt sữa hằng ngày, nhiều hộ buộc phải rao bán bò giá rẻ vì không gánh nổi tiền lãi vay vốn.
Nhưng ngay khi "bão" đi qua, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) đã mạnh dạn hỗ trợ 50% giá bò sữa giống cho các hộ chăn nuôi, không phải trả lãi mà chỉ trả vốn bằng sữa, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sữa của các hộ trong xã với giá cao, ổn định.
Gia đình anh Hiệp được công ty hỗ trợ vốn mua thêm 4 con bò sữa, nâng số bò lên 7 con, hiện mỗi ngày anh thu được khoảng 1 tạ sữa và lãi 300.000 - 400.000 đồng. Trong năm 2009, IDP đã hỗ trợ cho các hộ trong xã số vốn 3 tỷ đồng để mua 200 con bò sữa. Đàn bò sữa ở toàn xã đã lên đến gần 1.000 con, cho tổng lượng sữa khoảng 7 tấn/ngày. Từ đó tới nay, nghề chăn nuôi bò sữa ở vùng đồng cỏ Ba Vì này hồi sinh mạnh mẽ.
Giấc mơ vùng nguyên liệu sữa nội chất lượng quốc tế
Với khí hậu lý tưởng của vùng bán sơn địa, Ba Vì có nguồn đất trồng cỏ, nguồn nước rất phù hợp cho phát triển đàn bò sữa, lại nằm ngay gần trung tâm Hà Nội - ông Tăng Xuân Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và Phát triển đồng cỏ Ba Vì phân tích - giấc mơ về vùng nguyên liệu sữa nội có chất lượng quốc tế là hoàn toàn có cơ sở.
Thế nhưng nhiều năm qua, đàn bò sữa Ba Vì vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Hiện toàn huyện có khoảng 7.000 con bò sữa, phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng lên 20.000 con. Khó khăn chủ yếu nằm ở việc các hộ chăn nuôi thiếu kiến thức về bò sữa, ít vốn nên khó gánh được tỷ lệ rủi ro khá cao trong chăn nuôi bò sữa (12%-15%).
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết thêm, huyện có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho toàn miền Bắc và luôn khuyến khích mọi cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đầu tư phát triển nghề chăn nuôi bò sữa của huyện.
Tới đây, với sự giúp đỡ của IDP - đơn vị có công đầu trong việc hồi sinh "rốn sữa" Ba Vì và hiện đang thu mua 60% lượng sữa tại đây, 1.000 nông dân Ba Vì sẽ được… đi học về chăn nuôi bò sữa.
Đầu tháng 3/2010, tại Pháp, IDP đã được nhận giải thưởng Chất lượng vàng tiêu chuẩn châu Âu 2009 với thương hiệu sữa Ba Vì - điều này càng khẳng định cho giấc mơ sữa nội có chất lượng quốc tế sẽ sớm trở thành hiện thực