Vừa sang "Tây" kiếm sống đã phải tình nguyện về nước

Thứ Hai, 10/08/2009, 11:15
Sau khi chi phí hết khoảng 7.000 USD để được sang Slovakia làm thợ hàn, anh Dương Huy Hoàng, trú tại huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ) phải viết đơn tình nguyện xin về nước. Cũng như anh, nhiều người lao động sang đây vào tháng 9/2008 cũng làm như vậy. Tại sao lại có chuyện người lao động sau khi đến nơi mình đã tốn kém tiền triệu để tìm việc lại xin quay về?

Xin về nước vì thất nghiệp

Anh Dương Duy Hoàng trước khi đi xuất khẩu lao động sang Slovakia vào ngày 13/9/2008 vốn là một thợ hàn lành nghề. Quê anh, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất vốn có nghề truyền thống làm sắt nên ngay từ bé anh đã quen với công việc hàn, gò.

Qua giới thiệu, anh đến gặp một người đàn bà có nhà ở khu vực chân cầu Thăng Long. Người này lại đưa anh đến Trung tâm đào tạo và xuất khẩu lao động (LEAPRODEXIM), Công ty cổ phần Da giày Việt Nam, trụ sở tại khu Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi học nghề và được cấp chứng nhận, anh cùng một số người đưa sang Thái Lan để làm visa.

Ngày 13/9/2008, anh cùng 47 người khác có mặt tại sân bay Nội Bài để đi sang Slovakia. Đến nơi, anh chỉ có việc làm ít ngày đầu còn lại là chơi dài. Thất nghiệp, lo sợ bị trục xuất nên ngày 5/4/2009, anh viết đơn tình nguyện xin về nước.

Trong đơn tình nguyện, anh Hoàng viết: "Ngày 16/12/2008, tôi được đi làm tại Nhà máy RP HUJOSPOI. S.N.O. Ngày 9/2/2009 thì nhà máy hết việc và cho tôi nghỉ không lương để chờ có việc thì đi làm trở lại. Thế nhưng, đến ngày 5/4/2009 vẫn chưa có việc nên tôi thỏa thuận với bên môi giới là chú Lợi để xin về. Bên môi giới đã đồng ý mua vé máy bay và cho tôi 500 euro. Đơn này là tôi tình nguyện viết và sẽ không kiện cáo gì bên môi giới nữa".

Sau khi về nước, anh Hoàng đã đến LEAPRODEXIM để thanh lý hợp đồng và nhận khoản hỗ trợ 300 USD.

Những lao động trở về từ Slovakia tại Tòa soạn Báo CAND.

Cũng giống anh Hoàng, anh Phạm Ngọc Đức, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng nằm trong số 48 người xuất cảnh sang Slovakia ngày 13/9/2008. Anh Đức đi theo môi giới của Công ty Xuất khẩu lao động có trụ sở ở đường Trường Chinh, Hà Nội. Anh Đức đến công ty này qua sự môi giới của người họ hàng.

Anh cho biết, tổng chi phí cho chuyến đi là 6.000 USD. Cùng đến lao động tại một nhà máy, ở một quốc gia và cùng làm thợ hàn, nhưng mức chi phí của hai người lao động này lại chênh nhau tới 1.000 USD.

Anh Hoàng cho biết, trong số 48 người trong đoàn, mỗi người lại có mức chi phí khác nhau, người ít thì 5.500 USD, người nhiều thì 8.000 USD. Tùy vào từng người, ai phải qua nhiều khâu trung gian thì tốn nhiều tiền hơn. Khi hỏi về biên lai thu các khoản tiền đã nộp, cả hai người đều khẳng định không được nhận lại.

Khi tôi hỏi về hợp đồng đi xuất khẩu lao động, anh Hoàng đưa ra bản hợp đồng chỉ có tên, địa chỉ và điểm chỉ của anh Hoàng. Không có những giấy tờ liên quan và mù mờ về những quy định hiện hành của pháp luật, về chính vấn đề của mình là một trong những nguyên nhân khiến những lao động gặp rắc rối trong quá trình đi xuất khẩu lao động. 

Tình nguyện trở về nước, đơn vị môi giới hết trách nhiệm(?!)

Cả hai anh Hoàng và Đức đều khẳng định, họ không thể nằm dài chờ việc nên xin về nước và chấp nhận viết đơn tình nguyện. "Chỉ viết đơn tình nguyện xin về nước, mới được phía môi giới cho phép và hỗ trợ tiền về", anh Hoàng nói.

Tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quang Trung, Giám đốc LEAPRODEXIM về trường hợp của anh Hoàng. Ngoài Hợp đồng đi làm việc có thời hạn tại Slovakia giữa công ty và anh Hoàng (gọi tắt là Hợp đồng lao động), còn có bản thanh lý hợp đồng, phiếu thu (số tiến 36.660.000đ), bảng kê chi phí của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài (số tiền 3.560.000đ)... Còn việc anh Hoàng về nước là tình nguyện, bằng chứng là đơn tình nguyện mà anh đã viết gửi môi giới tại Slovakia.

Khi tôi nêu lý do anh Hoàng phải xin về nước là do không có việc làm, sợ bị trục xuất, ông Trung cho rằng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, phía sử dụng lao động đã không có việc làm như cam kết. Thế nhưng, bên môi giới của đơn vị ông vẫn tạo điều kiện để người lao động ăn, nghỉ. Khi anh Hoàng xin về nước, đơn vị ông đã động viên ở lại để chờ việc nhưng anh không chấp nhận.

Sau khi về nước, giữa hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Vì thế, hiện tại đơn vị ông không có trách nhiệm với anh Hoàng. Còn những chi phí thực tế của anh Hoàng lớn hơn nhiều số tiền mà đơn vị ông thu theo quy định, có thể do anh phải đi qua các khâu trung gian.

Trong Hợp đồng lao động giữa anh Hoàng và LEAPRODEXIM nêu "LEAPRODEXIM đưa lao động đi làm việc số 01/03/2007 ký kết giữa LEAPRODEXIM với Công ty Môi giới CPROFI AGRO sport s.r.c Slovakia: Thời hạn hợp đồng 3 năm tính từ ngày lao động xuất cảnh; loại công việc: Thợ hàn; chủ sử dụng lao động: PRS GRUOP A.S". Cũng theo hợp đồng này, tiền lương cơ bản "không thấp hơn 700 USD".

Trong mục giải quyết những tình huống bất ngờ ghi "trong trường hợp doanh nghiệp người lao động Việt Nam làm việc bị phá sản hoặc người lao động bị tai nạn nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo hay vi phạm pháp luật Slovakia, nhà máy và đại diện chi nhánh của Công ty Da giày sẽ nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết và giải quyết để đảm bảo lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động...".

Thực tế, chủ sử dụng lao động đã không có việc làm cho anh Hoàng theo điều lệ ràng buộc trong hợp đồng. Như vậy, bên vi phạm không phải anh Hoàng. Có thể tạm coi khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến chủ sử dụng lao động nên có thể coi đây là tình huống rủi ro cũng được. Vì vậy, người lao động cũng cần được bảo đảm lợi ích hợp pháp chứ không thể để họ rơi vào cảnh tiền mất, việc làm không có buộc phải xin về.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Quản lý lao động ngoài nước cần có hướng dẫn cũng như biện pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này

Cao Hồng
.
.
.