Vụ xe lao xuống mương, 4 người chết ngạt: Đáng lên án phẫn nộ

Thứ Ba, 23/09/2014, 19:45
Vụ tai nạn giao thông tại km51 Quốc lộ 62 tại địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An xảy ra vào 4h45 phút ngày 22/9 đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh về lương tâm, đạo đức và thái độ vô cảm của hai tài xế và hành khách lưu thông qua địa điểm xảy ra tai nạn không hỗ trợ, giúp đỡ người và xe ô tô bị nạn khi nhận thấy tín hiệu cầu cứu của người dân.

Sáng ngày 23/9, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công điện yêu cầu làm rõ việc có hay không lái xe cố tình không dừng xe giúp người bị nạn trong vụ TNGT tại Long An khiến 4 người tử vong tại chỗ.

Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGT QG Khuất Việt Hùng chỉ đạo Công an tỉnh Long An khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT; xác minh thông tin về việc có một số lái xe cố ý không cứu giúp người bị TNGT, xử lý nghiêm những người vi phạm theo quy định pháp luật. Tăng cường khả năng về lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đường bộ, đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; Công bố công khai, phổ biến rộng rãi cho người dân biết số điện thoại đường dây nóng của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Nạn nhân bất tỉnh, người xung quanh thờ ơ vô cảm. (Ảnh minh họa)

Hành động không cứu giúp người bị nạn bị xã hội lên án, nhưng để quy trách nhiệm pháp lý, nhất là quy tội đối với họ lại là vấn đề không đơn giản. Theo luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC cho biết: “Theo Bộ luật Hình sự, chỉ bị coi là phạm tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” khi thấy người khác đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới cấu thành tội phạm.

Theo đó, trước tiên người phạm tội phải là người thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu được người đó khỏi chết mà không cứu thì mới bị coi là phạm tội.

Trở lại trường hợp của chiếc xe ô tô xấu số chở gia đình bác sĩ Giang cho thấy, giả sử đúng 2 trường hợp lái xe 12 chỗ và 16 chỗ chạy đến, dừng lại chạy chậm rà rà để nhìn ngó rồi thờ ơ, bỏ mặc anh Trương Văn Tuấn cầu cứu giúp đỡ xe bị nạn, thì đạo đức lương tâm của hai tài xế này chắc chắn cả xã hội lên án.

Nhưng còn một điều cũng rất đáng nói, vào thời điểm đó, trên xe chắc chắn còn có nhiều người khách, liệu có ai đã yêu cầu, đề nghị tài xế phải dừng xe để cứu người hay không? Có thể với nhiều người, pháp luật quy định về việc cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm ra sao, không phải ai cũng biết, trừ tài xế phải là người biết. Nhưng còn lương tâm, đạo đức, tình người thì ai cũng có.

Hiện trường vụ án, vết xe trượt băng trên lề đường, ủi cây cỏ tạo thành một vệt dài trên 64 mét, người dân đứng ra đường giơ tay, vẫy tay cầu cứu, chiếc xe bị nạn đang từ từ chìm dần xuống nước…tất cả hình ảnh ấy không thể không tác động đến mắt nhìn, tai nghe của tài xế và hành khách khi xe đã giảm tốc độ, chạy từ từ  để nhìn ngó…

Tuy là đoạn đường ít xe cộ vào sáng sớm, nhưng không thể không có các xe chạy qua lại và theo lời người dân cứu nạn tại đây cho biết, ngoài 2 ô tô chở khách bỏ đi còn có nhiều xe gắn máy lưu thông.

Diễn tập sơ cấp cứu TNGT và một trường hợp giúp đỡ nạn nhân đưa đi cấp cứu.

Vấn đề bộc lộ rõ nhất ở đây là hành vi không muốn cứu người của 2 tài xế và có cả thái độ thờ ơ, vô cảm của những người có mặt trên hai chuyến xe hôm ấy. Cảm thức về 4 nạn nhân xấu số kia luôn gây cho xã hội một nỗi đau rất lớn, trong đó bao hàm cả việc lên án, phẫn nộ về đạo đức, lương tâm của những người chứng kiến, đã thờ ơ không cứu người.

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 102 Bộ Luật Hình sự, có khung hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì cần xem xét nhiều yếu tố cần thiết. Trước hết, hành vi này phải là cố ý không cứu người.

Theo quy định tại Điều 102 BLHS, “cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết. Ở đây lưu ý “có điều kiện cứu” không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu người được. Ngoài ra, phải xảy ra hậu quả chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì “người có điều kiện mà không cứu giúp” đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cần phải xây dựng một xã hội về an toàn giao thông, trong đó rất cần phải có đạo đức người điều khiển phương tiện lẫn người tham gia giao thông.

Đừng để tiếp diễn những cái chết thương tâm bằng sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cộng đồng và của từng cá nhân như vụ TNGT làm chết 4 người trong gia đình bác sĩ Giang- Liên vừa qua…

Cách đây vài tháng, trên QL1A (đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng, 2 nạn nhân tung rất mạnh gãy cổ xe do chạy ngược chiều, chảy máu quá nhiều, những người xung quanh, tài xế các xe lưu thông, đã dửng dưng không đưa đi cấp cứu.

Một vụ TNGT khác xảy ra tại vòng xoay IC3, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), một chiếc xe tải đâm thẳng vào 3 xe máy chở 4 người đang chờ đèn đỏ làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tài xế Phạm Trần Hoàng Duy (29 tuổi, thuộc DNTN Vận tải Thành Hưng) đã nhảy xuống xe, bỏ mặc nạn nhân đang kêu cứu dưới gầm xe. Anh Đào Tấn Đức ngang qua kể lại: “Khi tôi chạy đến, nạn nhân quơ tay kêu cứu. Tôi nói tài xế lùi xe phía sau một tý, nhưng anh ta thấy nhiều người hô hoán đã bỏ chạy. Người đàn ông nằm dưới bánh xe quơ tay kêu cứu khoảng 5 phút. Sau đó, anh Đức và mọi người đẩy được chiếc xe tải ra, khoảng 3 phút sau nạn nhân ngất lịm”. Anh Đức bức xúc: “Nếu khi đó tài xế kịp thời lùi xe, nhiều khả năng sẽ cứu được nạn nhân”.

Hay như vụ TNGT thảm khốc tại Hốc Môn- TPHCM đến nay vẫn làm bàng hoàng mọi người: hai học sinh Nguyễn Tăng Thanh Ngân và Lê Thị Nhật Phương (cùng lớp 10 trường THPT Phạm Văn Sáng, Hóc Môn) mượn xe máy về nhà lấy tập vở. Đang trên đường đi, một sự cố nhỏ xảy ra khiến Phương văng xuống đường và bị một chiếc xe tải cán ngang người, còn Ngân thì bị bánh trước của chiếc xe tải nặng 38 tấn đè lên. Tài xế xe bỏ chạy. Mặc cho bao người cầu cứu, nhiều tài xế xe buýt, xe ô tô ngang qua nhìn ngó rồi bỏ đi không dám nhích xe lên để cứu người, mặc cho hai cháu quằn quại, đau đớn kêu la thảm thiết. Cảnh tượng kinh hoàng ấy mãi mãi đọng lại trong lòng người không bao giờ quên về đạo đức lương tâm và thái độ thờ ơ, vô cảm của một số người trong xã hội đáng lên án.

Bộ Luật hình sự quy định:

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểmđến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụphải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hoàng Châu
.
.
.