Vụ ngộ độc nghiêm trọng từ nước uống ngâm rễ cây rừng ở xã Si Pa Phìn, Mường Chà (Điện Biên)

Thứ Sáu, 08/01/2010, 08:45
Báo CAND đã đề cập hiểm họa khôn lường từ những bài thuốc của các thầy lang vườn, cũng như thói quen uống rượu ngâm từ các loại rễ cây rừng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 3/1/2010, trên địa bàn xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà (Điện Biên) lại tiếp tục xảy ra một vụ ngộ độc kinh hoàng do uống nước từ một loại cây rừng làm 3 người chết, 12 người phải cấp cứu tại bệnh viện.

>> Những bài thuốc của các thầy lang vườn: Hậu quả khôn lường

Tai họa từ nồi nước "Co cáy củm"

Chập tối ngày 3/1/2010, bà Mồ Thị Phẹn, 57 tuổi ở bản Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn đun một nồi nước uống từ một loại cây rừng, tiếng dân tộc gọi là co cáy củm, để gia đình uống và tắm cho con gái vừa sinh cháu ngoại được 3 ngày. Khi nước sôi, bà Phẹn rót nước vào phích và ngửi phải hơi nước bốc lên thấy bị chóng mặt, hoa mắt, khó thở. Cho rằng mình bị cảm do buổi chiều tắm nước lạnh, bà đi nằm sớm. Tối hôm đó, gần hai chục người là anh em họ hàng và hàng xóm đến nhà bà Phẹn để thăm hỏi. Mọi người quây quần nói chuyện và uống nước co cáy củm do bà Phẹn đun từ chập tối…

Đến 2h ngày 4/1, ông Lò Văn Vẳn (59 tuổi) - chồng bà Phẹn và Lò Văn Hương (25 tuổi), con rể bà Phẹn, bị chóng mặt, hoa mắt, sùi bọt mép và co giật. Gia đình bà Phẹn hô hoán, mọi người vội vàng cáng 2 người đến Phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn, nhưng cả 2 đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Gần sáng, 13 người khác (có mặt tại nhà bà Phẹn) cũng có những triệu chứng tương tự và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn.

Bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Mường Chà chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc chập tối ngày 3/1.

Theo BS Đào Duy Phúc, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Si Pa Phìn trao đổi với phóng viên, các ca đều có chung một triệu chứng, trong đó bệnh nhân Lò Văn Ngổ (43 tuổi), Công an viên bản Tân Phong 1, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó 10 phút.

Mặc dù các y bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn đã làm tất cả để cứu chữa, kịp thời điều trị thải độc cho các trường hợp bằng cách rửa dạ dày, gây nôn, truyền dịch thải độc và điều trị triệu chứng, nhưng cũng chỉ cứu được 12 trên tổng số 15 bệnh nhân được đưa đến cấp cứu.

Theo tin mới nhất chúng tôi nắm được, ngày 6/1, 12 ca ngộ độc đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện, chỉ còn cháu Vàng Thị Vi, 3 tuổi (cháu ngoại bà Mồ Thị Phẹn), sức khoẻ còn yếu, đang nằm lại bệnh viện tiếp tục theo dõi. Rất may trong vụ việc này, ông Trưởng bản Tân Phong 1, Hoàng Văn Vân (cũng là người có mặt và uống nước tại nhà bà Phẹn), khi đưa ông Lò Văn Vẳn và anh Lò Văn Hương đi cấp cứu về, thấy có biểu hiện choáng nhẹ, đã cho người đến các gia đình những người có mặt hôm đó, thông báo và đi đến bệnh viện ngay. Sự cảnh giác và nhanh trí của ông Vân đã cứu sống những người còn lại, trong đó có bản thân ông…

Bài học đắt giá

Qua tìm hiểu được biết, người dân vùng cao ở Si Pa Phìn lâu nay vẫn có thói quen sử dụng các loại nước uống và rượu ngâm từ các loại rễ cây thu hái từ rừng. Co cáy củm là một loại cây có vị ngọt và mát, bà con dân tộc Thái vẫn thường thu hái cả thân lẫn rễ, sử dụng để đun nước uống và tắm cho trẻ em khi mới sinh. Nhưng rất có thể, trong khi thu hái loại cây này trên rừng, bà Mồ Thị Phẹn và mọi người đã hái nhầm vào một loại cây độc, (rất có thể là lá cây lá ngón). Hiện nay, Công an tỉnh Điện Biên và các cơ quan chức năng đã vào cuộc, các mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi trưng cầu giám định…

Thống kê sơ bộ, chỉ riêng để sử dụng đun nước uống (theo kiểu giải nhiệt, giải độc), hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có ít nhất 21 loài cây, cỏ; chưa kể hàng trăm loài cây khác được sử dụng như những bài thuốc nam để chữa bệnh. Ông Trần Văn Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết: "Những loại cây này hầu như chưa được các cơ quan y tế thẩm định, kiểm nghiệm, người dân chỉ sử dụng theo thói quen, hay từ kinh nghiệm dân gian". Trong thực tế, cho đến bây giờ, dạo quanh các khu chợ ở TP. Điện Biên Phủ, các điểm bán hàng rong tại các khu di tích lịch sử, du khách choáng ngợp trước hàng chục loại cây, loại thuốc "thần dược" được phơi khô, ngâm rượu đóng chai bày bán công khai. Chất lượng và tác dụng của các loại thuốc này thì chẳng ai dám đảm bảo và nói trước!?.

Những năm gần đây, ở Điện Biên đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc khi sử dụng các đồ uống ngâm, đun nấu từ các loại cây rừng, trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ ngộ độc rượu ngâm thuốc... bổ làm 6 người chết và bị thương ở xã Sam Mứn, huyện Điện Biên; vụ thầy lang vườn Poòng Văn Sưn ở bản Vằng Xôn, xã Chà Tở, huyện Mường Chà chữa dạ dày bằng cây xan tả khoạng, dẫn đến cái chết tức tưởi của anh Poòng Văn Cươi ở cùng bản...

Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho thói quen sử dụng tuỳ tiện các loại cây rừng để bồi bổ, tăng cường sức khoẻ. Đã đến lúc, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan phải tích cực vào cuộc, trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi thói quen sử dụng các loại "thần dược" từ đại ngàn một cách vô tội vạ….

Vũ Mạnh Hà
.
.
.