Vụ mất nguồn phóng xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm: Nguy cơ vẫn còn bỏ ngỏ

Thứ Sáu, 07/07/2006, 08:46
Hơn 1 tháng trước, vụ việc Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) làm mất nguồn đồng vị phóng xạ Eu-152 (Europi-152) từng gây sốc cho công luận. Viện này đã bị xử phạt 44 triệu đồng và đang kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá  nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện nhiều chi tiết chưa từng được tiết lộ.

Trong đó, việc xem xét trách nhiệm và các biện pháp cần làm ngay để tránh một sự việc đáng tiếc, nghiêm trọng như thế tái diễn lại chưa được quan tâm thấu đáo...

Theo thông lệ và thực tế ở nhiều nước trên thế giới thì các đơn vị nghiên cứu phóng xạ, thậm chí chỉ là nơi sử dụng thiết bị có nguồn phát xạ như y tế, khai thác mỏ... luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Hẳn Viện CNXH không nằm ngoài quy luật này. Song đến nay, muốn vào Viện CNXH thì người ta chỉ cần nói là vào giao dịch với một... công ty khác.

Phía ngoài Viện CNXH là 1 phòng trưng bày ôtô, bên cạnh phòng trưng bày là một cửa hàng làm lốp ôtô với hàng chồng lốp đen sì, cao ngất, bên cạnh là một văn phòng giao dịch của Công ty VIT Metal và rồi mới đến phòng thường trực của bảo vệ. Phía góc sân bên trong viện là một sân cây cảnh rộng với đủ các loại cây thế, khách khứa khá đông. Phía đường Vũ Ngọc Phan là 18 cửa hàng kinh doanh từ cafe đến gội đầu massage đều nằm trên diện tích của viện. Nếu chỉ quan sát bề ngoài thì cả 2 mặt tiền của viện đều được "bao vây" bởi các đơn vị khác.

Chưa hết, ngay tầng 2 của tòa nhà nằm sâu trong khuôn viên của viện, nơi gần các phòng thí nghiệm có nguồn phóng xạ lại có 7 phòng do Công ty VIT Metal mượn suốt 10 năm nay. Khi khách vào sửa xe, xem ôtô, xem cây cảnh đều có thể tiếp cận phía ngoài của Viện CNXH, còn một số khách của Công ty VIT Metal thì đương nhiên là có thể vào khu vực bên trong của viện. Người ta đặt ra câu hỏi nếu kẻ xấu lọt qua cửa bảo vệ với những lý do hết sức đơn giản kia và mưu đồ lấy cắp nguồn phóng xạ thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Ông Trần Anh Khoa, Phó Viện trưởng Viện CNXH cho biết: Việc các đơn vị thuê đất của viện là hệ quả của lịch sử. Từ năm 1994-1995, khi nền kinh tế đất nước còn khó khăn, viện còn chưa có hàng rào bao quanh, nhiều hàng quán định lấn chiếm, Công ty Vận tải đường biển đã tự bỏ tiền ra xây dựng khu nhà mà bây giờ là phòng trưng bày ôtô.

Trước đây họ đã nộp 1.000 USD/tháng tiền thuê đất, từ năm 2002 đến nay, họ không trả 1.000 USD nữa mà hỗ trợ viện 10 triệu đồng/tháng. Công ty VIT Metal là một đối tác của viện, họ đã giúp viện một số lĩnh vực nên việc cho mượn 7-8 phòng làm việc diện tích 15m2/phòng ở tầng 2 trong tòa nhà của viện là hoàn toàn... miễn phí. Phía văn phòng ngoài mặt đường Láng Hạ diện tích chừng 50m2-60m2 mỗi tháng họ hỗ trợ 5-6 triệu; chỗ đặt cây cảnh là của một cơ sở kinh doanh cây cảnh, họ trả 1 triệu/tháng.

Còn 18 kiốt phía đường Vũ Ngọc Phan, từ 10 năm trước viện cho mượn đất, các phòng, ban hoặc nhóm anh em cán bộ góp tiền xây dựng kiốt và bây giờ họ cho thuê và tự nhận tiền thuê nhà, viện không được hưởng. Nếu tính khấu hao để hóa giá trở thành tài sản của viện thì phải đến năm 2020 mới hết khấu hao xây dựng.

Như thế là rõ, một nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang hàng ngày đe dọa một nơi đáng lẽ phải được bảo vệ tuyệt đối. Bản thân ông Khoa thừa nhận rằng, để các công ty khác ở trong khuôn viên của viện CNXH là phải xem xét. Ông cũng đưa ra một kế hoạch từ nay đến ngày 31/12/2006, tất cả các diện tích cho thuê sẽ được di dời

Lâm Phong
.
.
.