Vụ lật ca-nô ở Cần Giờ: Đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân vụ chìm tàu

Thứ Hai, 05/08/2013, 09:20
Trước vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng làm mất tích 9 người trên vùng biển thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) vào đêm 2/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi công điện yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của TP Hồ Chí Minh tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích.

UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc họp khẩn giữa các ban, ngành tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả và tìm ra nguyên nhân gây ra vụ lật ca-nô nghiêm trọng trên do Chủ tịch Lê Hoàng Quân chủ trì. Đến 14h ngày 4/8, 5/9 nạn nhân trong vụ chìm ca-nô đã được tìm thấy và đưa về Bà Rịa - Vũng Tàu chờ người thân đến nhận dạng đem về quê an táng.

Sáng 4/8, ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng huyện Cần Giờ, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 TP Vũng Tàu, Sư đoàn Không quân 370, ngư dân Cần Giờ… tiến hành tìm kiếm trên mặt nước gần khu vực ca-nô chìm thì Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn đưa 4 ca-nô phối hợp với các đơn vị tìm kiếm dọc các con sông Cần Giờ, Sài Gòn, Thị Vải, Soài Rạp, Vàm Cỏ để tìm những nạn nhân bị sóng cuốn trôi. Cũng trong buổi sáng 4-8, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã đến nắm lại toàn bộ tình hình vụ việc và chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân.

Công tác tìm kiếm các nạn nhân và thi thể các nạn nhân.

Trong cuộc họp khẩn với UBND TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu làm rõ việc chiếc ca-nô trên đủ điều kiện để lưu hành hay không. Việc ca-nô chở quá tải và áo phao trên ca-nô không đáp ứng đủ cho số hành khách trên tàu đã quá rõ. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là vì sao ca-nô được lưu hành?

Qua phân tích: Nguyên nhân ban đầu làm chiếc ca-nô bị chìm là do mưa, sóng to, gió lớn và ca-nô chở vượt quy định cho phép (chở 12-18 người nhưng thực tế trên ca-nô có 30 hành khách). Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, chiếc ca-nô số hiệu HP29DP là một trong hai chiếc được Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro) và Công ty Việt - Czech tài trợ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đơn vị đóng hai ca-nô này là Công ty Việt - Czech với giá trị mỗi chiếc là 1,6 tỷ đồng.

Sau khi nhận hai chiếc ca-nô này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã bàn giao cho Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng. Thượng tá Hoàng Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau khi tiếp nhận và đưa vào sử dụng thì phát hiện hai chiếc ca-nô còn khiếm khuyết nhiều nên Biên phòng cửa khẩu đã gửi lại cho đơn vị sản xuất để bổ sung. Việc ca-nô được đưa vào sử dụng với mục đích đi ăn tiệc cưới rồi gặp nạn ở Nhà Bè, phía Biên phòng cửa khẩu Bà Rịa-Vũng Tàu không biết vì sao ca-nô lại được lưu thông.

Các nạn nhân được tìm thấy tính đến 18h ngày 4/8 gồm: Nông Thị Thiên (SN 1979, quê quán Bắc Kạn) được phát hiện mặc áo phao kẹt trong khoang ca-nô, Cao Hoàng Phương Khanh (SN 1980, quê quán tiền Giang), Hà Tiên Sơn (SN 1988, quê quán Phú Thọ), Nguyễn Thị Khiêm Hoàng (SN 1993, quê quán Tiền Giang) được tìm thấy khu vực xung quanh hiện trường ca-nô bị nạn, còn lái tàu Phạm Duy Phúc (SN 1950) được một tàu chở gas phát hiện cách vị trí ca-nô chìm hơn 3 hải lý, Hoàng Trung Biên (28 tuổi) và thi thể nạn nhân thứ 7 trong vụ chìm ca nô ở Cần giờ là anh Nguyễn Hữu Hiệp (SN 1988), quê quán Nghệ An đã được tìm thấy, cách khu vực ca nô bị chìm khoảng 1 hải lý về phía Vũng Tàu.

Ông Mai Thế Hùng, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Từ Vũng Tàu có tuyến đường thủy nội địa đi Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) nhưng chỉ cấp phép cho các tàu gỗ loại lớn. Có khả năng hai ca-nô này đi chui (?).

Ông Trần Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam khẳng định, công ty không hề có chủ trương thuê ca-nô cho anh em công nhân đi đám cưới, có khả năng anh em tự mướn.

Tuy nhiên, chiều 4/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận điều tra ban đầu về việc vì sao ca-nô lại được hoạt động khi đang sửa chữa. Ca-nô số hiệu HP 29DP và 1 ca-nô khác là hai phương tiện thuộc trang bị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 9/7, 2 ca nô trên được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu Cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đưa sang Công ty cổ phần Công nghệ Việt – Czech để bảo dưỡng định kỳ (có ký kết thỏa thuận giữa 2 bên).

Ngày 2/8, hai ca-nô trên đã được bảo hành xong, chờ xuất xưởng. Khoảng 15h ngày 2/8, anh Quyết là Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marine (trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) sang mượn trực tiếp ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt – Czech 3 ca-nô (trong đó có 2 ca-nô đang gửi sửa chữa) để đi đón công nhân tại Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (thị trấn Kiển Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và ông Đảo đã đồng ý cho mượn. Khoảng 15h30’ ngày 2/8, 3 ca-nô khởi hành từ xưởng đóng tàu Việt - Czech sang Tiền Giang chở công nhân chạy về lại Vũng Tàu. Trên đường chạy về, ca nô HP 29DP do Phạm Duy Phúc (SN 1950) lái và thợ máy Nguyễn Duy Dương (SN 1985) chở theo 28 công nhân đã bị tai nạn tại tọa độ 10o2143N – 106o5744E (thuộc vùng biển Cần Giờ).

Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân gây ra vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng trên.

Trách nhiệm phải thuộc về đơn vị cho mượn ca-nô

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Trách nhiệm trước hết phải thuộc về đơn vị cho mượn tàu là Công ty cổ phần Việt - Czech. Theo quy định ca-nô chỉ chở được 12 người, tuy nhiên ca-nô này đã chở gấp 2,5 lần so với quy định. Tàu chưa kiểm định, chưa được phép xuất bến, các thủ tục chở hành khách liên quan như thế này cũng sai. Ca-nô chở người trong điều kiện tàu không an toàn, áo phao chưa đầy đủ…

Chậm cứu nạn là do tin báo nạn trễ (?)

Theo nhật ký cứu nạn của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu. Khoảng 21h ngày 2/8, Cảng vụ nhận được tin báo từ ông Tuấn (Công ty cổ phần Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) có phương tiện thủy bị chết máy biển Cần Giờ nhưng không nói cụ thể là bao nhiêu người trên phương tiện. Như vậy, tin ông Tuấn báo sau khi ca-nô gặp nạn được hai giờ.

21h25’, thông tin vụ ca-nô mới được xác thực khi Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu nhận được từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3. Đến 22h30’, tọa độ ca-nô gặp nạn mới được xác định và đến 22h45’, cảng vụ Vũng Tàu  mới nhận được yêu cầu cứu nạn.

Do mưa to gió lớn khu vực ca-nô gặp nạn phức tạp nên đến 1h ngày 3/8, các đơn vị mới ứng cứu được nạn nhân. Ca-nô số hiệu H29DP được đưa về Vũng Tàu khoảng 21h ngày 3/8, các lực lượng chức năng của TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã tiến hành khám nghiệm. Bên thân tàu rách nhiều chỗ, tuy nhiên hầu như kết cấu của ca-nô còn nguyên vẹn. Ca-nô H29DP được sản xuất theo công nghệ mới nhất của Séc, có khả năng chống lật.

Nghinh Phong

M.Đức - M.T.P.
.
.
.