Vụ đấu thầu 110.189 bảng chống lóa tại Bộ GD - ĐT: Không minh bạch

Thứ Tư, 28/06/2006, 13:30
Với 6 gói thầu trị giá 10 triệu USD chia theo các vùng miền, nhiều công ty bị "ra rìa" vì những "điều kiện" bất thường. Ngược lại, nhiều công ty "đàn anh" đã được "sao chiếu mệnh" từ trước, nên ung dung thẳng tiến với thương vụ đầy lợi nhuận...

Sự việc bắt đầu từ khi Công ty BooYoung Hàn Quốc đã viện trợ cho Bộ GD-ĐT Việt Nam 10 triệu USD. Số tiền này với 6 gói thầu gồm 110.189 chiếc bảng viết phấn chống lóa cho các trường tiểu học trên toàn quốc. Bộ GD-ĐT đã cho công khai mở thầu ngày 3/5/2006. Thực hiện quy định liên quan, Bộ GD-ĐT cũng đã cho đăng công khai nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Bộ bán hồ sơ dự thầu từ ngày 15/4 đến 18/4/2006. Thế nhưng đến "giờ chót", các doanh nghiệp mới mua được hồ sơ. Trong khi đó, hạn nộp hồ sơ dự thầu mà Bộ đề ra là ngày 3/5.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy nhiều điểm phức tạp, "thiếu minh bạch", đến ngày 20/4, một nhà thầu có công văn gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu giải thích một số điểm trong hồ sơ mời thầu. Thế nhưng, đến tận ngày 27/4, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phạm Ngọc Phương mới có Công văn số 3352 giải thích hồ sơ.

Theo văn bản này, ngoài việc buộc các nhà thầu nộp hồ sơ với hạn là ngày 3/5, Bộ còn nêu về chỉ tiêu "vốn lưu động (có xác nhận của ngân hàng)" và khả năng cho vay vốn của ngân hàng (hạn mức tín dụng thông qua hợp đồng tín dụng với ngân hàng). Trong khi ngày quốc lễ 30/4 và 1/5 "sầm sập" đến nơi, các cơ quan Nhà nước nghỉ lễ nên các nhà thầu kêu trời. Họ không thể đáp ứng được sự đòi hỏi của cơ quan này.

Trong hồ sơ mời thầu, các điều kiện cũng được Bộ GD-ĐT nêu ra hàng loạt. Những điều này trong ngày một ngày hai các doanh nghiệp không thể thực hiện được. Theo đó, các doanh nghiệp phải có số năm kinh nghiệm là 5 năm; tổng tài sản là 50 tỷ đồng (có xác nhận của cơ quan kiểm toán đến ngày 31/12/2005); số liệu quyết toán 3 năm từ 2002- 2004 doanh số hàng năm của doanh nghiệp về thiết bị dạy học, bảng, bàn ghế phải đạt doanh thu 50 tỷ đồng/năm; vốn lưu động có xác nhận của ngân hàng là 50 tỷ đồng doanh thu bàn ghế, bảng viết phấn và thiết bị trường học hàng năm 50 tỷ đồng (có xác nhận của cơ quan thuế).

"Mua dây"... buộc doanh nghiệp

Bằng các "tiểu xảo" như vậy, các doanh nghiệp khác bị loại bỏ một cách rất khéo léo. Bởi lẽ với điều kiện doanh nghiệp dự thầu phải có 50 tỷ đồng là tổng số tài sản chỉ có được ở doanh nghiệp Nhà nước cấp 1. Thế nhưng, tiêu chí trên lại được Bộ GD-ĐT dùng để đánh giá năng lực nhà thầu.

Hơn nữa, với điều kiện phải có xác nhận của kiểm toán như hồ sơ mời thầu nêu, thì trên thực tế đến thời điểm này hầu hết các nhà thầu đang làm hồ sơ quyết toán năm tài chính 2005. Như vậy, yêu cầu cho rằng phải có xác nhận của kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp chỉ được biết trong vòng 1 tuần lễ là điều không thể thực hiện được.

Mặc dù vậy, theo đơn mà Công ty Vật tư công nghiệp, Bộ Quốc phòng và liên doanh phản ánh lên Chính phủ thì gói thầu 1 gồm có hai nhà thầu: Công ty Thiết bị giáo dục 1 và Công ty Hỗ trợ và kiến thức miền núi. Theo Quy định tại NĐ 88/CP thì "Trường hợp có ít hơn ba nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu phải báo cáo người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền về quá trình chuẩn bị đấu thầu để quyết định cho phép kéo dài thời điểm đóng thầu, nhằm tăng thêm hồ sơ đấu thầu hoặc cho phép mở thầu để đánh giá các hồ sơ dự thầu đã nộp". Vậy nhưng theo nhiều doanh nghiệp, tại buổi mở thầu, Hội đồng mở thầu đã không lập biên bản xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Trong hồ sơ mời thầu, Bộ GD-ĐT còn nói rõ tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực nhà thầu gồm có những tiêu chuẩn về kinh nghiệm; năng lực sản xuất kinh doanh; năng lực tài chính như thế. Căn cứ vào đó, các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm sẽ được đánh giá theo tiêu chí "đạt" hoặc "không đạt". Không những thế, theo hồ sơ, các tiêu chuẩn chi tiết cũng phải "đạt" mới, thì tiêu chuẩn tổng quát mới được cho là "đạt".

Trong cuộc tổ chức đấu thầu này, quan điểm của Bộ GD-ĐT nêu trong hồ sơ mời thầu là "Nếu hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị coi là "không đạt" thì họ sẽ bị loại bỏ và không được xem xét tiếp". Những việc làm này có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu bởi nó như là một điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu độc lập? Trong khoản 2, Điều 18 Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 1/4/2006) có nêu: Đối với đấu thầu rộng rãi, không hạn chế số lượng nhà thầu tham dự.

Trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải thông báo mời thầu theo quy định tại Điều 5 của Luật này để các nhà thầu biết thông tin tham dự. Bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Đây là vấn đề cần để các cơ quan chức năng xem xét. Việc "lành mạnh hóa" tổ chức đấu thầu nhằm tăng tính cạnh tranh hợp pháp, giảm thiểu kinh phí, tăng chất lượng sản phẩm tiêu dùng là chủ trương lớn mà Nhà nước ta đang thực hiện. Do vậy, việc trên xảy ra tại Bộ GD-ĐT không thể là ngoại lệ và cần có sự chấn chỉnh kịp thời

Ngọc Lâm
.
.
.