“Vu Lan” buồn những chuyện buồn

Thứ Tư, 14/08/2013, 11:16
“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca ngàn đời nay ca ngợi công lao của cha mẹ lớn như trời biển, khi sinh thành và dưỡng dục con cái nên người. Từ đó giáo dục cho các thế hệ con cái phải biết “một lòng thờ mẹ, kính cha/ cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”. Kính trọng cha mẹ, báo hiếu cha mẹ, từ lâu đã là một truyền thống văn hóa đẹp trong xã hội ta.

Thực tế cuộc sống hiện nay, khi xã hội càng văn minh, hiện đại, con người có cuộc sống ngày một khá giả hơn, bớt khó khăn hơn, con cháu có điều kiện chăm sóc cha mẹ hơn, lẽ ra truyền thống tốt đẹp ấy ngày càng được duy trì, bồi đắp, nhân lên, thì lại có những hiện tượng đi ngược lại đạo lý, con cái phủi tay trách nhiệm với cha mẹ, không những không tôn trọng cha mẹ, thậm chí còn ngược đãi, hành hạ cha mẹ… hầu hết những trường hợp này đều rơi vào những đứa con thiếu giáo dục, ích kỷ, trong số đó không hiếm những người trong xã hội là những ông này, bà kia…

Tôi nhớ cách đây gần hai chục năm, một bạn tôi là nhà văn có viết một truyện ngắn, tiêu đề “Ngày thứ 31” viết về một gia đình sinh ra được ba, bốn người con; trong điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn, nhưng vợ chồng ông bà đã nhẫn nại nuôi các con khôn lớn. Khi lo cho các con yên bề gia thất thì ông bà đã kiệt sức về già.

Việc chăm sóc nuôi dưỡng bố mẹ già dường như đã trở thành gánh nặng với các con, chúng đùn đẩy cho nhau. Không ai chịu ai nên chúng bổ đều mỗi người phải nuôi bố mẹ ba mươi ngày luân phiên, bi kịch đã xảy ra khi vào tháng có 31 ngày, không đứa con nào chịu nuôi bố mẹ cái ngày dôi ra ấy, ông bà đành chịu đói nằm chờ qua ngày để đến tháng tiếp theo. Tuy là truyện, nhưng tình tiết là có thật, vì thế khi in ra đã có người động lòng, xấu hổ.

Một lần khác tôi về trại dưỡng lão ở Ứng Hòa (Hà Nội bây giờ), ở đấy người ta nuôi dưỡng người già có công, kể cả những người già vô gia cư, không còn nơi nương tựa. Tôi nhớ mãi một cụ bà đã ngoài tám mươi tuổi, dáng chậm chạp, mái tóc bạc trắng rối tung. Khi hỏi gia cảnh thì cụ khóc, cụ kể cụ có nhà cửa, con cháu khá giả hẳn hoi, nhưng không ở được với đứa nào, đành xin vào đây. Khi hỏi cụ quê ở đâu, các con tên gì, cụ nhất định không nói vì sợ ảnh hưởng đến danh dự chúng nó. Cụ cho biết thời gian đầu, thỉnh thoảng con cái có đến thăm, vài năm nay chúng nó quên rồi.

Câu chuyện con cái bạc đãi cha mẹ gần đây vẫn xảy ra nơi này nơi kia khiến công luận phải lên tiếng phê phán. Đó là cảnh một đôi vợ chồng già do con cái tranh chấp nhà cửa mà bị đẩy ra sống vất vưởng ngoài đường. Cảnh đứa con ngang ngược hành hạ mẹ già, chỉ vì không cấp đủ tiền cho chúng ăn chơi, hoặc đau lòng hơn, vì mâu thuẫn mà có những đứa con nhẫn tâm đoạt cả mạng sống của chính người đã sinh ra mình… Để lại vết thương lòng nhức nhối trong xã hội.

Bất hiếu với cha mẹ là một tội ác, từ thời xa xưa xã hội đã không dung thứ, và ngày nay pháp luật cũng không cho phép, cần phải loại trừ hành vi này ra khỏi đời sống xã hội. Hiện nay, chúng ta với chủ trương xây dựng một đời sống văn hóa mới, trong đó đề cao, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cần thiết phải xây dựng ở con người có một phong cách sống đẹp để mỗi người làm sao sống và thực hành cho có hiếu, lễ, nghĩa không chỉ trong gia đình, mà cả ngoài xã hội, đây phải là một nội dung của công tác xây dựng con người mới, trong xây dựng một nền văn hóa mới. Có như vậy mới loại bỏ dần những hành vi trái đạo lý trong xã hội. Để những mùa Vu Lan đến, chúng ta không còn buồn vì những chuyện buồn

Hà Văn
.
.
.