Vô tư tắm ở hồ "nuốt" người

Thứ Hai, 02/03/2009, 15:00
Chỉ trong 5 ngày (18 đến 22/2) hồ đá tại khu vực ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, Bình Dương đã "nuốt" hai mạng người. Mặc dù Ban quản lý sinh viên Làng đại học Thủ Đức, UBND xã Đông Hòa liên tục cảnh báo nhưng "ngày hôm trước vớt xác ngày hôm sau sinh viên vẫn nườm nượp đi tắm".

Những ngày quan sát ở khu vực hồ đá này, PV Báo CAND ghi nhận: "Sinh viên, người dân ở đây vẫn phớt lờ những cảnh báo nguy hiểm. Các đơn vị có chức năng liên quan vẫn chưa có biện pháp cụ thể để thay đổi, quản lý hồ, nếu có cũng chỉ là… hình thức".

Nguy hiểm

Một buổi chiều sau ngày sinh viên L.T.V. bị hồ đá "nuốt" dưới độ sâu hơn 10m chúng tôi quay lại khu vực này. 5 hồ nước, hồ nào mặt nước cũng phẳng lặng, trong xanh như không hề có một dấu hiệu nào tỏ ra nguy hiểm.

Trên mặt những bờ hồ cách mặt nước hơn chục mét, một con đường nhỏ ngoằn ngoèo được hình thành từ hàng trăm vệt bánh xe của những cặp sinh viên lên đây hóng mát. Một vài quán nước dã chiến từ các xe đẩy hình thành nơi đây phục vụ cho người đến hóng mát. Thêm một "gian hàng" bán diều để sinh viên tung tăng tay trong tay thả nhợ.

Nhìn từ trên xuống mặt nước, chúng tôi không khỏi rùng mình vì độ cao "không tưởng" và những mỏm đá xanh lởm chởm nhô ra. Chỉ cần phóng xe máy chệch một chút thôi thì cả người và xe sẽ bay xuống hồ như những cảnh "nguy hiểm" trong phim hành động. Phía bên trên, xe máy giăng tứ phía, hàng chục cặp sinh viên tay nắm dây diều kéo mạnh.

Phía bên kia hồ, một số sinh viên đang vạch những bụi cỏ khô trên hồ để tìm đường ra mỏm đá. Những "vũ điệu nước" được các sinh viên biểu diễn khi trên người chỉ còn chiếc quần đùi hay chỉ duy nhất cái quần "bé xíu" nhìn từ xa không biết có mặc hay không mặc.

Một đôi sinh viên đang "tắm nắng" trên mỏm đá gần bờ hồ khi được hỏi đến chuyện tắm tại hồ hay bị chết đuối sao cứ tắm, bèn trề môi đáp: "Mấy thằng chết đuối đâu phải dân ở đây(!?). Ở đây ai cũng biết chỗ nào cạn, chỗ nào sâu để mà tắm. Chúng nó toàn dân thành phố, không biết bơi. Có sinh viên nào ở đây chết đâu(!?)" - Chúng tôi chỉ biết lắc đầu.

Một bà bán nước ngay khu vực bảng cảnh báo nguy hiểm cho hay: "Cái thằng sinh viên hôm qua chết là mạng thứ mấy chục rồi! Thấy nói cấm nhưng ngày nào bán ở đây tôi vẫn thấy nhiều người ra tắm. Mấy ngày nay trời nóng như đốt, ba giờ chiều là thấy hàng chục đứa lột đồ ra bơi bì bõm, chúng nó nói với tôi tắm đông thì chết làm sao được!".

Chạy dọc theo hồ đá lớn nhất trong 5 hồ tại đây, chúng tôi phát hiện thấy 5 sinh viên đang bì bõm dưới hồ. Bên trên, một mỏm còn sót lại nhô ra phía hồ, hai sinh viên đang ngồi thổi sáo vi vu. Bài sáo "Tình xưa nghĩa cũ" lúc trầm lúc bổng nghe như ai oán cứ lảng vảng bên tai chúng tôi. Dưới hồ 5 chàng sinh viên lóp ngóp bơi mặc cho nguy hiểm chực chờ…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tư liệu mà Công an xã Đông Hòa nắm được, từ năm 1993 cho đến đầu năm 2009 đã có gần 40 mạng người bị hồ đá "nuốt" chủ yếu là sinh viên và người dân từ nơi khác đến tắm. Trước năm 1975, Công ty 727 và 621 khai thác đá nên nơi đây hình thành nhiều hồ đá. Với độ khai thác đá sâu đến 20-30m xuống lòng đất nên khu vực hồ đá có nhiều mạch nước ngầm tạo cho hồ đá nước trong vắt.

Đến nay Nhà nước đã cấm các công ty khai thác đá tại khu vực này từ đó, hồ đá trở thành nơi hò hẹn của các cặp nam nữ bởi khu vực này mát mẻ, ít người qua lại.

Từ khi làng đại học được qui hoạch ở khu vực này bắt đầu xuất hiện những cái chết oan uổng do sinh viên vì thấy mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh nên thường rủ nhau ra đây tắm.

Đợi cho một sinh viên lên bờ thay đồ, chúng tôi lân la đến bắt chuyện "Nhà trường không cấm học sinh ra tắm à?"- Sinh viên N.V.V. (Khoa Văn - Trường ĐHKHXH và NV): "Có nghe tụi nó kháo nhau là sẽ bị nhà trường xử lý khi vào khu vực hồ tắm nhưng vẫn thấy tụi nó tắm đầy ra đó có ai nói gì đâu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội bảo vệ (dân quân của xã Đông Hòa) đã thành lập tiến hành bảo vệ khu vực hồ đá này từ nhiều năm trước khi có một số vụ cướp giật xảy ra ở khu vực hồ đá. Cứ đến 20h hàng đêm, đội tuần tra này sẽ không cho bất cứ một ai bén mảng vào khu vực hồ.

Ngoài ra bảng cảnh báo cũng được đặt ở một số nơi xung quanh hồ để cảnh báo sinh viên nhưng… vô tác dụng. Như vậy công việc chính của đội bảo vệ này là phòng chống cướp ngoài ra chẳng liên quan gì đến việc ngăn chặn sinh viên xuống hồ tắm.

Chúng tôi đến khu vực Ban quản lý sinh viên ở làng đại học dò hỏi thì được biết Ban quản lý Đại học Quốc gia đã tiến hành rào chặn một số lối vào khu vực các hồ đá. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với xã Đông Hòa thuê một số vệ sĩ bảo vệ khu vực các hồ trong những giờ cao điểm sinh viên xuống tắm. Việc tuần tra, nhắc nhở sẽ được hai bên "tác chiến" chặt chẽ để không có thêm những trường hợp đáng tiếc nữa xảy ra.

Những tia nắng cuối ngày trên khu vực hồ đá dần tắt, chúng tôi vẫn thấy hàng trăm sinh viên vẫn còn quyến luyến chưa chịu dời bước khỏi đây. Đề nghị các sinh viên phải có ý thức tự bảo vệ tính mạng của mình bằng cách không xuống hồ tắm

Nghinh Phong
.
.
.