Vỡ mộng khi đi xuất khẩu lao động “chui” sang Angola

Thứ Bảy, 13/04/2013, 10:05
Báo CAND từng có bài viết cảnh báo về tình trạng đưa lao động sang Angola theo hình thức cá nhân với quá nhiều rủi ro khi đây là thị trường mà Việt Nam chưa có ký kết thỏa thuận hợp tác lao động chính thức. Tuy nhiên, gần đây tình trạng các đường dây, thậm chí cả doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn rầm rộ tuyển lao động ở nhiều địa phương để đưa sang Angola. Dường như mọi diễn biến vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và hệ lụy thì đã hiển hiện trước mắt…
>> Xuất khẩu lao động chui – Những cái chết thương tâm
>> Đưa 2 lao động chết ở Angola về quê mai táng

Những câu chuyện đau lòng

Khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại với gia đình anh Nguyễn Công Nguyên, 29 tuổi, (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) thì cũng là lúc gia đình vừa hoàn tất việc an táng anh sau gần 1 tháng tử vong tại Angola. Ông Nguyễn Công Hợp, bố của anh Nguyên cho biết, vì gia cảnh khó khăn, nghe quảng cáo công khai cũng như rỉ tai đi XKLĐ sang Angola theo đường dây của một người cùng xã làm ăn rất hiệu quả, con trai ông đã bàn với gia đình thử vận may. Cả gia đình anh Nguyên đã phải đi vay mượn 6.500USD làm chi phí để anh đi từ ngày 7/5/2012, theo đường dây của ông Nguyễn Minh Thìn, người cùng xã. Trong nỗi xót con, ông Hợp chua xót: “Toàn bộ mọi thủ tục giao tiền cũng chỉ giao kèo bằng miệng, không có giấy tờ gì cả, đi theo đường du lịch, sang bên kia làm hộ chiếu giả... Ông ấy cam kết thu nhập là 1.000 USD/tháng...”.

Tuy nhiên, khi sang Angola vừa phải sống chui lủi, có được công việc làm nhưng mức lương cũng chỉ 500 USD, bằng 1/2 so với những gì người đưa đi cam kết, trong khi chi phí sinh hoạt tại nước này thực sự đắt đỏ. Theo lời gia đình kể lại, bức xúc trước thái độ của những người đưa đi, anh Nguyên và 3 lao động cùng xóm đã chuyển sang làm việc cho một chủ thầu xây dựng khác, cũng là người Việt Nam. Làm việc được ít tháng, anh Nguyên bị ốm. Do không chạy chữa dứt điểm, tham việc, anh vẫn tiếp tục đi làm khiến cho bệnh tình ngày càng trầm trọng. Chưa nhận được đồng tiền từ con gửi về, gia đình anh Nguyên lại long đong vay mượn 6.000 USD để chuyển sang cho con chữa bệnh. Nhưng bệnh tình quá nặng, anh Nguyên đã tử vong ngày 9/3 vừa qua, để lại khoản nợ bệnh viện khổng lồ lên tới hơn 150 ngàn USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng). Mất đi người con trai duy nhất, nhìn cảnh con dâu và đứa cháu mới 10 tháng tuổi nỗi đau như càng nhân lên. Và để đưa được xác anh Nguyên về nước, chính quyền địa phương cũng đã phải cùng vào cuộc, nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kêu gọi ủng hộ và đàm phán để bệnh viện giảm viện phí từ 3 tỷ xuống 700 triệu đồng.

Ngày 9/3, trên chuyến bay từ Angola trở về Việt Nam, cùng với xác của lao động Nguyễn Công Nguyên, còn có thêm xác của một lao động xấu số khác là Nguyễn Đức Cao (SN 1988), ở xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An cũng vừa sang lao động tại Angola vào tháng 12 năm ngoái theo đường dây của một công ty XKLĐ ở Hà Nội.

Ngoài việc các chi phí sinh hoạt và y tế tại Angola cực kỳ đắt đỏ, thì người lao động khi sang không chính thức còn đối mặt với nhiều cạm bẫy khó lường, bị ép bán dâm, bị chủ sử dụng đánh đập.

Nỗi đau mất mát quá lớn đè nặng lên gia đình lao động Nguyễn Công Nguyên. Trong ảnh, mẹ và vợ anh Nguyên trước bàn thờ người đã khuất.

Vẫn ngang nhiên công khai tuyển lao động

Nghệ An là địa phương đang có số lượng lao động đi Angola lớn. Được biết, phường Nghi Hòa hiện có ít nhất 30 lao động đang làm việc tại Angola, phần lớn là đi theo diện du lịch, thăm thân và ở lại bất hợp pháp. Theo một cán bộ phường Nghi Hòa, đã có một số lao động đã về nước cho biết hầu hết trong số họ đều bị trừ lương. Có người bị trừ tới 7, 8 tháng, có những người đi được khoảng 4, 5 tháng nhưng cũng chưa có một đồng lương nào gửi về. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, việc tuyên truyền, tuyển người đi làm việc tại Angola của một số tổ chức, cá nhân khá công khai. Không chỉ dán tờ rơi quảng cáo mà còn công khai trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Trào lưu đi chui, đi lậu sang làm việc tại Angola không chỉ diễn ra tại Nghi Hòa mà khá phổ biến ở các địa phương khác của tỉnh Nghệ An. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An nhận định, chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhưng người dân cả tin, đi nhiều... Trước tình trạng này, Nghệ An đang cho rà soát toàn bộ các xã để thống kê loao động đi Angola để có giải pháp cụ thể...

Người đi xuất khẩu lao động cần thận trọng khi lựa chọn doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh minh họa: Thu Uyên .

Ngày 11/4, PV Báo CAND đã làm việc với ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định, trước thực trạng trên, mới đây chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về việc XKLĐ sang Angola. Để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và ĐSQ Việt Nam tại Angola khuyến cáo các công dân Việt Nam cảnh giác trước những quảng cáo, hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, hết sức thận trọng trước khi quyết định đi lao động tại Angola. Nếu công dân Việt Nam nghi ngờ hoặc phát hiện thấy cá nhân hoặc công ty nào có dấu hiệu lừa đảo thì đề nghị thông báo cho các cơ quan hữu quan (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH (đường dây nóng: 0438249517, VP hỗ trợ lao động ngoài nước: 0439366633 hoặc Bộ Công an để biết và xử lý.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, không chỉ các cá nhân đứng ra tổ chức tuyển đưa lao động sang Angola mà còn có sự tham gia của một số DN có giấy phép XKLĐ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở những bài viết sau. Và cần phải khẳng định khi việc đưa lao động sang Angola chưa được cho phép chính thức thì tất cả những DN tuyển, thu phí cao của người lao động để đưa sang Angola đều là bất hợp pháp, phải bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và ĐSQ Việt Nam tại Angola khuyến cáo các công dân Việt Nam cảnh giác trước những quảng cáo, hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, hết sức thận trọng trước khi quyết định đi lao động tại Angola.

Thu Uyên
.
.
.