“Vơ bệnh” vào người nếu ăn phải rau, trái cây nhiễm chất diệt nấm

Chủ Nhật, 12/05/2013, 19:34
Không ai muốn “vơ bệnh” vào người, song thực trạng hiện nay thật khó tránh khi mà hầu hết nhiều loại hoa quả trái cây Trung Quốc đều là hàng hóa thiết yếu hàng ngày của người dân đang được đưa vào Việt Nam ào ạt nhưng được báo động về việc tồn dư nhiều loại hóa chất độc hại cho cơ thể con người. Nào là gừng nhiễm thuốc trừ sâu aldicarb, chanh, nho, táo nhiễm chất Carbendazim...

Cùng với thông tin gừng Trung Quốc nhiễm chất aldicarb, thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật sau khi tiến hành kiểm tra VSATTP hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, qua giám sát hơn 2.580 lô hàng, trong 36 mẫu để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đã phát hiện 1 mẫu chanh vàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng chất Carbendazim vượt mức cho phép và đã tiến hành xử lý toàn bộ lô hàng vi phạm. Đây là chất diệt nấm cho cây cỏ, hoa trái.

Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh về độc hại của các loại hóa chất tồn dư trên, ông Ninh cho biết: Aldicarb trong khoa học còn có tên gọi khác là Methyl-2-(methylthio)propionaldehyd-O-(N-methylcarbamoyl)-oxim. Là một chất kết tinh màu trắng. Và theo liên minh châu Âu được coi là chất cực độc, nguy hiểm với môi trường và sức khỏe con người. Nhưng dùng làm thuốc trừ sâu để bảo vệ thực vật. Kết cấu hóa học cực độc của nó còn được dùng để xử lý đất trồng.

Sạp bán gừng Trung Quốc tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Trong thị trường, Aldicarb thường được bán ở dạng hạt. Ở Thụy sĩ, người ta dùng cho các cánh đồng trồng củ cải trắng và củ cải đường hoặc dùng cho cây cảnh trong nhà kính để chống rệp lá và rễ cây. Ở Đức và Áo thì không cho phép các thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật dùng chất Aldicarb này. Đã có những thử nghiệm về độc tính của nó trên chuột cho thấy, Aldicarb ức chế enzyme cholinesterase và do đó tăng dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh cholinergic gây ra các triệu chứng nghiêm trọng đối với hoạt động giao cảm. Các chất có độc tính cao này tác dụng cả khi cho chuột uống hoặc tiếp xúc với da. Hiệu ứng nhiễm độc xảy ra nhanh chóng và thời gian nhiễm độc kéo dài từ 4 đến 12 giờ.

Ngày 10/5, trao đổi thêm với bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam cũng cho biết: “Khi cơ thể con người bị nhiễm hóa chất aldicarb quá mức cho phép sẽ dẫn tới ngộ độc. Có tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, giảm tri giác, có người rơi vào tình trạng chảy nước mắt, nước mũi, đổ mồ hôi, run rẩy… Nếu ngộ độc ở liều cao có thể gây chết người”. Cũng theo BS Ký, chất độc này có thể tấn công phá hủy hệ thống hô hấp. Điều nguy hiểm là phát tác rất nhanh trên cơ thể sau khi ăn, uống phải ngay lập tức gây cho nạn nhân nôn, ói, sây sẩm mặt mày.

BS Ký cũng phân tích: chất Carbendazim được sử dụng rộng rãi trên Thế giới dùng diệt nấm cho cây trái. Tuy nhiên nó sẽ trở thành chất độc “diệt luôn sức khỏe” con người nếu dư lượng còn trong trái cây quá mức cho phép . Tại Trung Quốc, nông dân dùng Carbendazim diệt nấm cho rất nhiều loại trái cây: nho, táo, chanh, cam, quýt, nhất là chanh vàng”.

Trong khi đó thông tin mới nhất ngày 10/5/2013, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, qua các mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc kiểm nghiệm cũng phát hiện chứa carbendazim và chất tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần.

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, các nghiên cứu từ chuyên gia quốc tế cho biết, nếu tiếp xúc thời gian dài với 2 hóa chất trên theo Cục Quản lý dược và Thực phẩm Mỹ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, rất độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Riêng chất tebuconazole được coi như một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư

Huyền Nga - Minh Phương
.
.
.