Tiểu đoàn 72, Trung đoàn tên lửa 285:

“Vít cổ” pháo đài bay B52 xuống hồ Hữu Tiệp

Thứ Năm, 20/12/2012, 10:21
Lịch sử có sự trùng hợp ngẫu nhiên: Tiểu đoàn tên lửa 72 được thành lập tại nơi căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám năm xưa, được về chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tên lửa của Tiểu đoàn lại quật tan xác “pháo đài bay B52” của giặc Mỹ trên đường Hoàng Hoa Thám.
>> Vinh quang những người lính Bộ đội Cụ Hồ hạ gục pháo đài bay B52

Tiểu đoàn 72, Trung đoàn tên lửa 285 được thành lập ngày 12/9/1965 tại Yên Thế, Bắc Giang, nơi năm xưa là căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám lừng danh bao phen làm cho Thực dân Pháp xâm lược phải kinh hồn, khiếp vía gọi ông bằng cái tên đầy kính nể “Hùm thiêng Yên Thế”. Mang theo niềm tự hào ấy, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã cơ động chiến đấu bảo vệ các mục tiêu, yếu địa (Hải Phòng, giao thông vận tải đường số I, giao thông Quân khu 4), bắn rơi 6 máy bay các loại của giặc Mỹ, trước khi về tham gia vào đội hình chiến đấu của Bộ Tư lệnh phòng không Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Cuộc hành quân cấp tốc vượt lửa đạn 

Chiều 23/12/1972, Tiểu đoàn 72 nhận lệnh cơ động từ Hải Phòng về Hà Nội bổ sung lực lượng cho Trung đoàn tên lửa 261, chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Lúc này một số anh em trong đơn vị có gia đình vừa bị bom địch gây tổn thất chưa có điều kiện về thăm nhà, nhưng được về bảo vệ Thủ đô nên ai cũng phấn khởi lên đường.

Sau khi phổ biến mệnh lệnh hành quân, quán triệt phương châm “Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, an toàn tuyệt đối”, Tiểu đoàn tổ chức hành quân cấp tốc. Từ Hải Phòng về Trân địa mới hơn 100km, địch đánh phá ác liệt, tất cả các tuyến giao thông, hệ thống cầu, phà đều là mục tiêu đánh phá của địch. Đơn vị phải tranh thủ mọi thời gian, không kể đêm tối, mưa rét để hành quân đến trận địa mới triển khai chiến đấu đúng dự định.

Sau gần 3 ngày vất vả, mờ sáng 26/12, Tiểu đoàn 72 mới đến Đại Chu (nay thuộc Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), người và khí tài an toàn. Được tự vệ và nhân dân địa phương giúp củng cố công sự,  chặt lá ngụy trang che đậy khí tài trận địa, nên chỉ hơn 6h sáng, Tiểu đoàn đã triển khai sẵn sàng chiến đấu, chờ thời cơ diệt địch.

Ngay chiều 26/12, lúc 13h35, 56 lần chiếc máy bay chiến thuật vào trinh sát, dọn đường chuẩn bị cho buổi tối B-52 vào đánh phá nhà ga, kho tàng và trạm biến thế Đông Anh… Không để lũ giặc trời ngang nhiên gây tội ác, Sở chỉ huy Sư đoàn lệnh cho Tiểu đoàn tiêu diệt tốp F4 chỉ huy của địch. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt quyết định phóng một quả đạn vào tốp F4 này, đồng thời cho giật một quả tại trận địa giả để nghi binh lừa địch.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 72 (ảnh chụp tháng 10 năm 2012).

Kết quả, tốp F4 bị tiêu diệt, xác máy bay rơi xuống một khu rừng ở Hòa Bình, 2 tên giặc lái bị bắt sống. Mất chỉ huy, lũ giặc lái hốt hoảng trút vội hai loạt bom xuống trận địa giả rồi tháo chạy táo tác. Trận đánh chiều 26/12 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân, dân trên trận địa Đại Chu, củng cố niềm tin vào chiến thắng trong những trận chiến đấu tiếp theo…

Đêm 26 và chiều 27/2, B52 Mỹ lại vào gây tội ác với nhân dân Hà Nội. Chúng đánh phá khu vực Văn Điển, Giáp Bát, Khu công nghiệp Thượng Đình, Bệnh viện Bạch Mai; ném bom dải thảm Khu phố Khâm Thiên làm chết 287 người, bị thương gần 300 người… gây nhiều tội ác với đồng bào ta. Các trận địa tên lửa bị đánh phá dữ dội một số cán bộ, chiến sĩ ta hi sinh.

Cũng trong hai ngày này quân, dân miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, giành thắng lợi lớn bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B52, Sư đoàn 361 bắn rơi 6 máy bay các loại trong đó có 5 chiếc B52, 4 chiếc rơi tại chỗ… Nhưng thời cơ tiêu diệt B-52 của Tiểu đoàn 72 vẫn chưa đến.

Chiếc B52 cuối cùng bị bắn rơi tại chỗ

Đêm 27/12, địch sử dụng 120 lần chiếc máy bay, trong đó có 54 chiếc B52 vào đánh phá các chân hàng, đầu mối giao thông ở ngoại vi Hà Nội. Lúc 23h3, Tiểu đoàn nhận lệnh vào cấp I, tiêu diệt tốp B52 ký hiệu 491 đang từ hướng Tây Bắc lao vào đánh phá Hà Nội, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt lệnh cho kíp chiến đấu sục sạo, phát hiện mục tiêu…

Sau 3 lần phát sóng kiểm tra, dải nhiễu vẫn cơ động ổn định, bằng kinh nghiệm, Tiểu đoàn trưởng xác định đây chính xác là mục tiêu B52. Thời cơ tiêu diệt địch đã đến, mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt vang lên dứt khoát: “Tập trung tiêu diệt tốp 491, vượt nửa góc, đạn 2 quả, giãn cách 6 giây…”. Lúc này toàn kíp chiến đấu tập trung cao độ, chỉ có tiếng công tắc lách tách và tiếng thình thịch của những con tim đang hồi hộp chờ thời cơ diệt địch, trả thù cho đồng bào, đồng chí…

Xác chiếc B52 nằm trong hồ Hữu Tiệp suốt 40 năm qua.

Sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Dự báo cáo: “mục tiêu đến vùng phóng”... Tiểu đoàn trưởng lệnh: Mở đồng bộ, mở mạch chiến đấu… phóng quả 1… phóng quả 2… Hai quả đạn vút lên như hai chú rồng lửa hướng tới mục tiêu, cả hai đạn có điều khiển tốt. Kíp trắc thủ liên tục theo dõi, bám sát mục tiêu… giãn cách từ tên lửa đến mục tiêu ngày càng gần: 10,… 8, …6,…4,…2km… đạn nổ tốt , cả 3 màn trắc thủ đều lóe sáng… Từ phía Hà Nội bùng lên một khối lửa khổng lồ, trên đài quan sát, trắc thủ TZK reo lên mừng rỡ “Cháy rồi,… B52 cháy rồi…ồi!...”.

Sau ít phút Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội và Sở chỉ huy Trung đoàn 285 điện xuống biểu dương kíp chiến đấu Tiểu đoàn 72 về thành tích bắn rơi tại chỗ chiếc B52. Đây cũng là chiếc pháo đài bay cuối cùng bị bắn rơi tại chỗ.

Thân B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà; đuôi và cánh rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách thảo cạnh Phủ Chủ tịch; động cơ B52 rơi ở vườn nhà dân. Sáng hôm sau, 28/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận nơi chiếc B52 rơi để thị sát, Đại tướng nhận xét: Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc của Bộ đội tên lửa Việt Nam mà Tiểu đoàn 72 đã thực hiện. Chiếc B52 rơi tại chỗ giữa lòng Hà Nội khi chúng chưa kịp cắt bom, gây tội ác; tổ lái 6 tên (2 chết, 4 bị bắt sống) ngay trên hè phố Hà Nội.

Lịch sử có sự trùng hợp ngẫu nhiên: Tiểu đoàn tên lửa 72 được thành lập tại nơi căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám năm xưa, được về chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tên lửa của Tiểu đoàn lại quật tan xác “pháo đài bay B52” của giặc Mỹ trên đường Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên để có sự ngẫu nhiên trùng hợp đó phải có sự khổ luyện và ý chí “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng” của Bộ đội phòng không Hà Nội. Hiện nay, TP Hà Nội đã tôn tạo hồ Hữu Tiệp thành một di tích lịch sử văn hóa để ghi dấu tích về một chiến công tiêu biểu trong trận “Điện Biên Phủ trên không”

Nguyễn Hải Việt
.
.
.