Tổ chức y tế thế giới khẳng định 75% ca bệnh MERS-CoV là lây từ người sang người:

Việt Nam tăng cường các biện pháp ứng phó

Thứ Ba, 03/06/2014, 09:07
Đó là thông tin được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức cho biết vào ngày 2/6. Chỉ trong 12 ngày qua, số người mắc mới MERS-CoV đã tăng thêm 100 trường hợp cùng số tử vong tăng 45 người, đã cho thấy tốc độ lây lan rất lớn của căn bệnh, cũng như nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc số người nhiễm mới MERS-CoV sẽ gia tăng, đang trở thành sự thật.

MERS-CoV đã xuất hiện ở 20 nước…

Điều đáng lo ngại hơn là, vào cuối tháng 5/2014, các chuyên gia y tế còn chưa khẳng định bệnh MERS-CoV có lây truyền từ người sang người hay không, mà cho rằng, bệnh nghi lây từ lạc đà, thì nay, WHO đã chính thức cho biết: 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Điều này cảnh báo những nguy cơ rất lớn về an ninh y tế, bởi bệnh lây qua đường hô hấp, tỉ lệ tử vong lại cao.

10 ngày trước, MERS-CoV xuất hiện ở 17 nước, thì nay, WHO cho biết, bệnh đã lan sang 20 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông (Arab Saudi, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Yemen và Lebanon); châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Hy Lạp); Bắc Phi (Tunisia, Ai Cập) và châu Á (Malaysia và Philippines); châu Mỹ (Mỹ). Tất cả các trường hợp mắc MERS-CoV đều có liên quan và xuất phát từ 6 nước tại bán đảo Arab. Phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở. Trong bối cảnh du lịch, giao thương thuận lợi như hiện này, bệnh chưa tìm được nguồn lây, cũng chưa có vaccin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên WHO nhận định rằng, thời gian tới số người mắc MERS-CoV vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Dù Việt Nam hiện chưa phát hiện người mắc MERS-CoV, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta thông qua khách du lịch là hoàn toàn có thể. Ngày 2/6, Cục Y tế dự phòng đã có công văn khẩn yêu cầu các Sở Y tế trong cả nước nhanh chóng tổ chức truyền thông về cách phòng, chống bệnh MERS-CoV bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tại các cửa khẩu, để tuyên truyền cho hành khách nhập cảnh và khuyến cáo về phòng chống MERS-CoV cho khách du lịch đi và đến các nước Trung Đông. Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV để có biện pháp cách ly và xử lý, tránh lây lan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

Với mục tiêu theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, không để dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo tình huống 1 và  thường xuyên cập nhật các thông tin về MERS-CoV để có kế hoạch ứng phó kịp thời; Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Du lịch trong việc trao đổi, thu thập các thông tin liên quan đến người Việt Nam đang công tác, làm việc tại khu vực Trung Đông.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị thuốc, vật tư, trang thiết bị, khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân đối với các bệnh nguy hiểm mới nổi; phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập mạng lưới khám, điều trị các bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát vào nước ta như MERS - CoV, cúm A(H7N9). Bộ Y tế đang xem xét quyết định sửa đổi hướng dẫn giám sát MERS-CoV và Kế hoạch hành động phòng, chống MERS-CoV, cũng như rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, phòng chống MERS-CoV và cập nhật, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị bệnh.

Nhiều dịch bệnh tiếp tục gia tăng

Trong khi những lo ngại về bệnh MERS-CoV còn rất lớn, thì bệnh cúm A(H7N9) cũng tiếp tục là nỗi ám ảnh, khi vào tuần cuối cùng của tháng 5/2014, Bộ Y tế Trung Quốc cho biết có thêm 3 trường hợp nhiễm mới cúm A(H7N9) tại tỉnh An Huy và cả 3 trường hợp đều đang trong tình trạng nặng và không rõ tiền sử mắc bệnh.

Như vậy, hiện đã có 442 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó, 156 trường hợp tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc (15 tỉnh, thành phố); Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia. Tỉ lệ tử vong cao của cúm A(H7N9) khiến các chuyên gia y tế thế giới đều rất lo ngại. Cũng là bệnh chưa rõ nguồn lây, chưa có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nhất là địa phương có bệnh nhân ở Trung Quốc mắc nằm giáp biên giới Việt Nam, nên ngành Y tế tiếp tục cảnh báo sự xâm nhập của cúm A(H7N9) vào nước ta.

Sự gia tăng của bệnh tay-chân-miệng (TCM) trong tuần qua cũng rất đáng ngại. Những tuần trước, số mắc mới là 1.300 -1.500 trường hợp, thì tuần này đã có thêm 1.868 trường hợp mắc mới bệnh TCM. Như vậy, hiện cả nước đã có 24.730 trường hợp mắc tại 62 địa phương, trong đó, khu vực miền Nam chiếm 70,9%. Đã có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Cục Y tế dự phòng, tuần vừa qua, có 12 địa phương có số mắc mới tăng so với tuần trước: Lâm Đồng, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Bình Phước, Bạc Liêu, Nam Định vv…

Bộ Y tế cũng cho biết, tuần qua, đã có thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết (SXH) cùng 333 người mắc mới. Hiện cả nước đã có 9.746 trường hợp mắc SXH tại 42 tỉnh/thành, với 7 trường hợp tử vong, trong đó các tỉnh miền Bắc tăng 10,2%. Các tỉnh có số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước là Bà Rịa - Vũng Tàu (32,6%), TP Hồ Chí Minh (31,7%), Bình Dương (27,2%) và thực tế này đặt ra cho các nhà chuyên môn những câu hỏi cần phải giải đáp trong công tác y tế dự phòng

Thanh Hằng
.
.
.