Việt Nam phối hợp đấu tranh chống hàng giả ở tiểu vùng sông Mê Kông: Thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, rượu bị làm giả ngày càng nhiều

Chủ Nhật, 02/06/2013, 15:34
Mỗi năm Việt Nam có 308 vụ được xét xử về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Nếu như năm 2004 chỉ có 60 vụ thì năm 2012 đã có 554 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả được xét xử. Điều đó cho thấy số vụ tội phảm sản xuất, buôn bán hàng giả có xu hướng tăng rất nhanh, trở thành một thực trạng đáng báo động.

Đây là những vấn đề “nóng” được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Hỗ trợ các cơ quan hữu quan Việt Nam trong đấu tranh chống hàng giả có tác hại đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của người dân tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông” do Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam  tổ chức.

Báo động về thuốc chữa bệnh, rượu bị làm giả

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 17 nghìn cơ sở kinh doanh dược được thanh, kiểm tra. Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc theo biện pháp lấy mẫu thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường để giám sát chất lượng, kịp thời phát hiện, thu hồi các lô thuốc kém chất lượng. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo 127TW, các bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Việc kiểm tra, kiểm soát thuốc giả cũng đã được tăng cường và các hành vi vi phạm đã được kịp thời xử lý. “Tỷ lệ thuốc giả đã giảm trong những năm gần đây, từ trên 7% năm 1990 xuống còn 0,1% năm 2005. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên tổng số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng khoảng 3%”- ông Hùng cho biết.

Xà phòng Omo bị làm giả.

Theo bà Socorro Escalante, Tổ chức WHO tại Việt Nam thì hiện nay ở Châu Á, châu Phi, Mỹ La Tinh việc sản xuất, buôn bán các sản phẩm thuốc giả và thiết bị y tế đang gia tăng. Vừa qua, đã xuất hiện dược phẩm điều trị ung thư thiếu thành phần dược cần thiết.

Đặc biệt là thuốc điều trị rối loạn cương dương Viagra giả đã gây ra hậu quả đối người sử dụng ở Anh. Loại thuốc này bao gồm những dược phẩm, thành phẩm chưa được công bố và có tác hại cho người sử dụng. Hay như thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có thành phần dược chất lớn hơn gấp 6 lần quy định, đã có 2 người chết và 6 người bị thương do sử dụng loại thuốc này.

Theo bà Socorro Escalante thì thuốc giả nhập lậu và vận chuyển vào Việt Nam qua đường biên giới Quảng Ninh, Quảng Trị, Tây Ninh, Lạng Sơn…Đặc biệt, qua kiểm tra đã tìm thấy thuốc kháng sinh giả. Thuốc giả không ghi rõ liều lượng, ảnh hưởng tới quá trình điều trị, có thể dẫn tới tử vong cho người sử dụng.

TS Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng hải quan bắt giữ 1 container chở hàng phát hiện 14.400 chai rượu giả nhãn hiệu Stoilichnaya, qua giám định thì số rượu này giả cả về chất lượng với hàm lượng độc tố cao. Thuốc tân dược và rượu giả thường đi qua hai tuyến: đường biển; đường hàng không và bưu điện.

Trọng điểm là khu vực cảng biển thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM các đối tượng sử dụng thủ đoạn cất giấu, trà trộn hàng giả với hàng được phép nhập khẩu, khai báo sai mặt hàng, tiêu chuẩn chất lượng, thiếu số lượng hoặc giả mạo chứng từ khá nhiều.

Phân biệt rượu thật và rượu giả được Chi cục QLTT Hà Nội đưa vào các Hội chợ để người tiêu dùng nhận biết.

“Nghiêm trọng hơn là hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, do phương thức vận chuyển chủ yếu là container, quãng đường vận chuyển dài, qua nhiều địa bàn, có thời gian lưu tại Việt Nam rất lâu, khối lượng hàng rất lớn. Vì vậy, nếu là rượu hay tân dược giả thẩm lậu vào nội địa thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”- ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng thì tuyến hàng không, trọng điểm là kho hàng nội địa Sân bay Tân Sơn Nhất; chuyển phát hanh Fedex, DHL; Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh; kho hàng Gia Lâm, ICD Mỹ Đình; kho hàng, nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài; trạm trả hàng Fedex Hà Nội; các chuyến bay trọng điểm như tuyến Hàn Quốc; tuyến Đài Loan; Thái Lan; Nhật Bản; Hồng Kông; Quảng Châu; Đức…Đối tượng trọng điểm là tổ lái, nhân viên làm việc trên chuyến bay và hành khách có hoạt động xuất nhập cảnh nhiều lần trên cùng tuyến bay.

Đấu tranh chống hàng giả, vẫn cần nhiều cơ chế đặc thù

Theo Đại tá Trần Đức Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế thì việc nhái kiểu dáng, nhãn hiệu trước đây chỉ được thực hiện trong nước với quy mô nhỏ, còn hiện nay đã thực hiện với quy mô lớn, được sản xuất ở nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ, kể cả tem chống hàng giả.

Hàng giả sản xuất từ nước ngoài được nhập lậu vào Việt Nam phần lớn là thành phần hoàn chỉnh, còn được nhập khẩu bằng con đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch, nhưng chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc (chiếm 80%). Những sản phẩm này còn cạnh tranh trực tiếp với hàng chính hiệu như dầu gội đầu của Unilever Việt Nam, phụ tùng xe máy Honda, vòi sen tắm Joden, Sanwa…

Hiện nay, công tác đấu tranh chống hàng giả ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chế tài xử lý nâng cao lên mức 100 triệu đồng, nhưng chưa có trường hợp nào xử lý được mức này. “Việc nhận biết, phát hiện hàng giả nói chung và mặt hàng rượu, tân dược nói riêng của lực lượng kiểm tra hiện rất khó khăn.

Việc xử lý hình sự đối với hành vi nhập khẩu hàng giả cũng gặp khó khăn khi điều tra, xác minh tư cách pháp nhân của người xuất khẩu tại nước ngoài; chứng minh sự thỏa thuận, bàn bạc giữa người xuất khẩu ở nước ngoài với người nhập khẩu ở Việt Nam về việc mua bán rượu giả, thuốc tân dược giả còn hạn chế…”- TS Nguyễn Phi Hùng nêu.

Người tiêu dùng đang xem hàng thật, hàng giả được triển lãm tại Hội chợ tiêu dùng.

Trước vấn nạn nhức nhối của hàng giả, Bộ Công an Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp đã ký dự án “Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong đấu tranh chống hàng giả có tác hại đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của người dân tiểu dùng sông Mê Kông”. Dự án đang được triển khai có hiệu quả với sự phối hợp của các lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mê Kông trong việc chung tay đấu tranh chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Bên cạnh đó đã làm tốt công tác tuyên truyền cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng về tác hại của hàng giả đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, để Dự án mang lại hiệu quả tích cực, theo Đại tá Trần Đức Vĩnh thì các Bộ, Ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các quy định về xử lý hình sự.

Cụ thể, tách hành vi sản xuất, buôn bán thuốc phòng bệnh, chữa bệnh giả; hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, quy định thành những điều luật riêng. Đối với những tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự, cần phải tăng mức phạt bổ sung mới đủ sức răn đe.

Và cần thiết hơn hết, các Bộ, Ngành liên quan sớm phối hợp với Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn đối với Điều 158, 170a, 171 của Bộ Luật hình sự để việc triển khai đấu tranh chống hàng giả đạt kết quả tốt.

Trong 5 năm qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như: 1.000 chai rượu giả, 93.820 bao thuốc lá giả nhãn hiệu Vinataba, 7.729 lọ mỹ phẩm, 3.756kg linh kiện điện thoại giả nhãn hiệu Nokia, 800 điện thoại di động giả nhãn hiệu Nokia, 3.940 chai dầu nhớt giả nhãn hiệu Honda và Castrol, 1.320 bàn là các loại giả nhãn hiệu Philip, 137.728 lon nước ngọt giả nhãn hiệu Arabao.

H.X.

Trần Hằng – Trần Xuân
.
.
.