Việt Nam đứng trước nguy cơ sa mạc hóa

Thứ Sáu, 29/06/2007, 12:05
Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hóa do cát di động rất nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 10 - 20ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động.

Ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quốc gia triển khai Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng tới 2020.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 9 triệu ha đất bị hoang hóa (chiếm khoảng 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc), trong đó có 5,06 triệu ha đất chưa sử dụng và 2 triệu ha đất đang được sử dụng bị thoái hóa nặng.

Độ phì nhiêu của đất đang có nguy cơ bị giảm xuống hoặc bị thoái hoá nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, đá ong hoá, chua mặn hóa.

Nguyên nhân chính là do Tài nguyên rừng cũng bị suy giảm đáng kể. Nếu như năm 1943 Việt Nam có tỷ lệ che phủ của rừng là 43% thì sau nhiều nỗ lực khắc phục các nguyên nhân mất rừng suốt 60 năm qua, tỷ lệ che phủ hiện nay mới chỉ là 37,6%. Rừng bị mất đã làm tăng diện tích đất hoang hóa, kéo theo sự giảm sút đáng kể các hệ sinh thái, làm suy thoái vùng đầu nguồn.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước ngầm đang bị cạn kiệt dần về số lượng, suy giảm về chất lượng. Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hóa do cát di động rất nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 10 - 20ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động.

Trong khi đó, ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thời tiết đặc biệt khô nóng vào mùa khô, lượng mưa trung bình hàng năm ở một số nơi chỉ đạt khoảng 700mm (vùng nóng hạn nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận)

Ngọc Yến
.
.
.