Số người mắc và tử vong do HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn tăng:

Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trước dịch HIV

Thứ Sáu, 26/09/2014, 09:49
Cho đến nay, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây nên gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, trong khi đó, số mắc HIV và AIDS vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.

Thông tin mới nhất này đã được TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo về công tác phòng, chống HIV/AIDS diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 25 và 26/9, do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống ma túy và mại dâm phối hợp với Bộ Y tế và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tổ chức.

Đại diện của Bộ Y tế cho biết: Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam mới chỉ giảm xu hướng gia tăng hằng năm và vẫn tập trung vào các nhóm người nghiện ma túy, vợ/bạn tình người nhiễm, gái mại dâm. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS biến đổi phức tạp, khó kiểm soát và cũng khó can thiệp như nghiện chích ma túy, sử dụng ma túy tổng hợp, tình dục đồng giới nam, thậm chí, kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ như vừa nghiện hút, vừa đồng tính, mại dâm và tình dục tập thể v.v…

Trong khi đó, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế khi bao cao su, bơm kim tiêm chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, điều trị người nghiện ma túy bằng Mathadone chỉ đáp ứng được 22% chỉ tiêu đưa ra, còn việc điều trị cũng chỉ ở mức 60% số người có HIV. Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ viện trợ nhưng đang bị cắt giảm nhiều, còn ngân sách Nhà nước hầu như không có, là những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt với đại dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người mắc HIV/AIDS đang là rào cản lớn cho việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, cũng cho rằng, việc nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn hạn chế, nguồn lực dành cho các tổ chức xã hội tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế đang là khó khăn cho công tác phòng, chống AIDS.

Bác sĩ tư vấn cách phòng, chống cho người nhiễm HIV.

Trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS, các đại biểu đã bàn bạc nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, để ngăn chặn số người mắc và chết do HIV/AIDS, cũng chính là bảo vệ cho tương lai. Bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) chia sẻ: Việt Nam đang ở vào một thời khắc quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV.

Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức cộng đồng để họ đảm nhận vai trò nhiều hơn trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, sẽ giúp gia tăng chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ phòng, chống HIV và tạo ra những lợi ích lâu dài cho sự nghiệp phát triển con người và phát triển xã hội.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, để có thể hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước, chủ yếu là ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế. Việc huy động các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là cần thiết, trong đó bao gồm hỗ trợ huy động nguồn lực, hỗ trợ nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính, chuyển giao các hoạt động mà các tổ chức cộng đồng có thế mạnh, tổ chức đấu thầu để các tổ chức xã hội có cơ hội bình đẳng trong việc tham gia một số hoạt động cung cấp dịch vụ.

Đại diện các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) cho rằng, cần xóa bỏ rào cản đã tồn tại trên thực tế, do kỳ thị phân biệt đối xử và hạn chế về chính sách, trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội của nhóm, để cá nhân và hộ gia đình người nhiễm HIV có thể tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi cho phát triển sinh kế bền vững của mình.

Thực tế mô hình thu mua sắt vụn do Tổ hợp tác Trường Sơn Xanh (An Lão, Hải Phòng), cơ sở trồng nấm Xuất Hóa (Bắc Kạn), mô hình chăn nuôi do nhóm Ban Mai Xanh (Bắc Kạn) hay phát triển kinh tế gia đình qua mô hình chăn nuôi thỏ tại Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình là những ví dụ sinh động cho việc những người nhiễm HIV/AIDS tự chủ động được cuộc sống nếu họ không bị kỳ thị và được vay vốn, đồng nghĩa với việc góp phần giảm lây nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng.

Tại Hội thảo, các vấn đề đang được quan tâm hiện nay trong phòng, chống HIV/AIDS, đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận: Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS; tài chính bền vững cho các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong phòng, chống HIV/AIDS; thực thi chính sách đối với người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng chính và vấn đề bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV

Thanh Hằng
.
.
.