Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm nếu có dịch H7N9
Phóng viên: Thưa ông, Cục Thú y vừa qua đã cử một đoàn công tác đi lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm tại các chợ buôn bán và khu vực biên giới. Vậy kết quả xét nghiệm thế nào?
Ông Đàm Xuân Thành: Chúng tôi đã lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao như Bắc Ninh, Nam Định, Kon Tum, Khánh Hòa… và kết quả cho thấy, đã có gia cầm ở 61 chợ dương tính với virus cúm A H5N1. Số thủy cầm là gần 6%. Rất may là kết quả cho thấy 17.000 mẫu chưa phát hiện nhiễm virus cúm A/H7N9. Cần thấy rằng, virus cúm A/H5N1 gây bệnh trên gia cầm có triệu chứng lâm sàng rất rõ ràng nên có thể nhận biết dấu hiệu này. Tuy nhiên, trên đàn gia cầm, cụ thể là gà và bồ câu nhiễm virus A/H7N9 không biểu hiện ra bệnh, có độc lực rất cao khi lây lan sang người dễ dẫn tới tử vong. Do vậy, việc phát hiện rất khó. Chính vì vậy, không thể chủ quan mà cần triển khai những biện pháp ứng phó khẩn cấp tránh lây lan.
Phóng viên: Vậy theo ông, so với virus cúm A/H5N1, virus H7N9 nguy hiểm ở mức độ nào?
Ông Đàm Xuân Thành: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, như đã nói ở trên, từ đầu năm đến nay đã nhiều hơn số ca của cả năm 2013 và đang có chiều hướng tăng nhanh. Ðặc biệt nguy hiểm là virus cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên gây khó khăn trong công tác phát hiện, giám sát virus và ứng phó. Trong năm 2013, cúm A/H7N9 đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc hơn 6 tỷ USD. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng vừa cảnh báo, tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Ðài Loan (Trung Quốc) cũng xuất hiện virus cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm.
Mặc dù trên 17.000 mẫu chúng ta xét nghiệm chưa phát hiện ra H7N9 nhưng nguy cơ nhiễm là rất cao vì đang ở thời điểm giao mùa, thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, cộng với trước và sau dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhỏ lẻ tăng mạnh, là nguyên nhân dịch bệnh lây lan diện rộng. Chính vì thế, liên Bộ Y tế và NN&PTNT đã có thông cáo chung xác nhận, cúm gia cầm và trên người đang ở tình trạng báo động.
Phóng viên: Theo ông, trong các biện pháp thì biện pháp nào được cho là quan trọng nhất để có thể chặn đứng sự lây lan của dịch cúm gia cầm H5N1 cũng như phòng ngừa sự xuất hiện của virus H7N9?
Ông Đàm Xuân Thành: Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm có lây lan sang người. Tất cả các địa phương cũng đều đang gấp rút và quyết liệt triển khai. Để có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, chúng ta phải thực hiện quyết liệt Đề án 2088 và đặc biệt là ngăn cấm mọi hình thức nhập khẩu, vận chuyển buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc ở vùng miền núi phía Bắc. Tăng cường giám sát tại các nơi tập trung gia cầm trọng điểm như: chợ, khu chăn nuôi tập trung để sớm phát hiện nguồn bệnh. Cục Thú y đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương; thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9. Nhiệm vụ các đoàn là phải tăng cường tần suất lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ cao như: tụ điểm buôn bán, cửa khẩu… Trước đây chúng tôi thực hiện lấy mẫu 2 tuần/lần, nhưng bây giờ tăng cường lấy mẫu 2 lần/tuần, nhằm kịp thời phát hiện đàn gia cầm nhiễm bệnh.
Gia cầm được coi là vật trung gian truyền nhiễm bệnh cúm A/H7N9. |
Phóng viên: Ông có thể nói kỹ hơn về Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người?
Ông Đàm Xuân Thành: Trước hết, mục tiêu Kế hoạch đặt ra là phải giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nhằm giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người. Kế hoạch Ứng phó khẩn cấm với virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người đặt ra 4 tình huống hành động, dựa trên từng tình huống để có biện pháp phù hợp. Tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Tình huống 2: Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh. Tình huống 3: Phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh. Tình huống 4: Phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.
Về giải pháp thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ biện pháp ưu tiên số một hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào trong nước.
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực ngành Thú y như: Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát virus cúm A/H7N9; năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, Australia, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm virus cúm A/H7N9 và các virus cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1).
Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, năng lực của các phòng xét nghiệm của chúng ta có đáp đứng được yêu cầu hay không?
Ông Đàm Xuân Thành: Hiện nay, chúng ta có 11 phòng thí nghiệm, hoàn toàn đủ năng lực để xét nghiệm các mẫu theo yêu cầu nếu có dịch H7N9. Chỉ sau 5 tiếng tiếp nhận mẫu sẽ có kết quả. Mỗi phòng thí nghiệm như vậy một ngày có thể xét nghiệm 400 mẫu tương đương 2000 con gia cầm.
Phóng viên: Ở Trung Quốc đang áp dụng biện pháp đóng cửa chợ nếu khu vực đó xuất hiện virus H7N9. Liệu chúng ta có học tập không?
Ông Đàm Xuân Thành: Chúng ta sẽ căn cứ vào 4 tình huống trong Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Tùy từng kịch bản để có biện pháp phù hợp. Nếu phát hiện thấy có virus trên người, môi trường, gia cầm thì địa phương đó có thể áp dụng biện pháp đóng cửa chợ 10 ngày để thực hiện khử trùng, tiêu độc. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là để ngăn ngừa tận gốc dịch bệnh, chúng ta phải xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Cục Thú y khuyến khích các địa phương và cơ sở xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta càng có nhiều vùng như vậy càng ngăn ngừa dịch bệnh tốt.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!